Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 5/12 tăng 350.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã giảm trở lại 250.000 đồng/lượng hiện niêm yết tại 66,25 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ giảm 5,7 USD xuống mức 1.797,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên gần 1.810 USD, trước khi về lại gần 1.795 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,43 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.660 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.790 – 24.070 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 17.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã có thêm nhịp tăng mới và lên 17.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,94 USD (+2,43%), lên 81,92 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,11 USD (+2,47%), lên 87,68 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục tăng
Thị trường có chút ngập ngừng thời điểm đầu phiên do do áp lực bán chốt lời, trước khi bật tăng nhờ sự tự tin của dòng tiền.
Lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh, đặc biệt là sự tăng tốc của nhóm cổ phiếu chứng khoán với hàng loạt mã đua nhau tăng trần, đã giúp VN-Index có thời điểm tiệm cận mốc 1.100 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh khiến chỉ số giằng co và rung lắc và đóng cửa gần 1.095 điểm.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện. Đây là phiên giao dịch thứ 2 trong tháng 12 và cũng là phiên thứ 2 trong khoảng 8 tháng gần đây có mức thanh khoản vượt 20.000 tỷ đồng.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 35,93 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 1.393,93 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 5/12: VN-Index tăng 13,66 điểm (+1,26%), lên 1.093,67 điểm; HNX-Index tăng 4 điểm (+1,85%), lên 219,96 điểm; UPCoM-Index tăng 1,03 điểm (+1,43%), lên 73,24 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ biến động nhẹ trong phiên thứ Sáu (2/12), dù có thời điểm giảm khá mạnh đầu phiên do dữ liệu việc làm tháng 11 thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ duy trì lộ trình tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 263.000 việc làm trong tháng 11/2022, cao hơn so với con số dự báo là 200.000 việc làm, bất chấp hành động quyết liệt từ Fed nhằm "hạ nhiệt" lạm phát cao kỷ lục.
Các chỉ số chính trên Phố Wall ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, với S&P 500 tăng 1,13%, Dow Jones tăng 0,24% và Nasdaq tăng 2,1%.
Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Dow Jones tăng 34,87 điểm (+0,10%), lên 34.429,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,78 điểm (-0,12%), xuống 4.071,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 20,95 điểm (-0,18%), xuống 11.461,50 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, dẫn đầu nhờ cổ phiếu Fast Retailing.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,15% lên 27.820,40 điểm. Chỉ số giảm 0,31% xuống 1.947,90 điểm.
Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 3,11%, sau khi cho biết lượng mua trung bình trên mỗi khách hàng đã tăng 6,5% trong tháng 11.
Ở những nơi khác, cổ phiếu của nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido đã tăng 2,83% khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19, làm tăng hy vọng khách hàng tại thị trường này sẽ mua nhiều mỹ phẩm hơn.
Lĩnh vực bảo hiểm và ngân hàng lần lượt mất 0,9% và 0,68% trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Chứng khoán Trung Quốc tăng và đồng nhân dân tệ vượt qua ngưỡng cản mạnh 7 đổi một USD, khi các nhà đầu tư hoan nghênh việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,76% lên 3.211,81 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,96% lên 3.946,88 điểm.
Tâm trạng lạc quan khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng mạnh vượt mốc 7 so với đồng USD cả ở thị trường trong và ngoài nước, với mức 6,9561 đổi một USD, mức cao nhất kể từ ngày 13/9.
Nhiều thành phố của Trung Quốc đã công bố nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 vào Chủ nhật, và cũng có báo cáo rằng Bắc Kinh có thể hạ mức phân loại mối đe dọa đối với Covid-19.
Tại thị trường Đại lục, các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại đã tăng mạnh với hàng tiêu dùng thiết yếu tăng 1,4%, vận tải tăng 3%, và cơ sở hạ tầng tăng 5,3%.
Standard Chartered cho biết họ kỳ vọng Trung Quốc này sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế với Covid-19 vào quý II năm 2023, giúp tiêu dùng hộ gia đình phục hồi về mức xu hướng trước đại dịch (2017-19) trong nửa cuối năm.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, khi những gã khổng lồ công nghệ bùng nổ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 4,51% lên 19.518,29 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 5,30% lên 6.706,29 điểm.
Phiên này, cổ phiếu những gã khổng lồ công nghệ tăng 9,3%, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất của trong hơn một năm.
“Trong thời gian tới, các công ty nền tảng internet sẽ hoạt động tốt hơn. Theo trực giác, khi số ca nhiễm Covid tăng cao, mọi người sẽ chọn ở nhà để giảm thiểu rủi ro lây lan”, Hao Hong, nhà kinh tế trưởng của Grow Investment Group, cho biết.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do áp lực bán ra từ nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù tâm lý được cải thiện trên khắp các thị trường châu Á, sau khi nhiều thành phố của Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiềm chế hạn chế Covid-19 vào cuối tuần qua.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 15,01 điểm, tương đương 0,62% xuống 2.419,32 điểm.
Nhà nước ngoài đã quay sang bán ròng số cổ phiếu trị giá 292,2 tỷ won (226,17 triệu USD) trên bảng chính.
Điểm tích cực trên thị trường là một số lĩnh vực dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 ở các thành phố của Trung Quốc đã tăng vọt.
Theo đó, Cổ phiếu mỹ phẩm Amorepacific Corp và Tonymoly mỗi công ty tăng hơn 6%. Các hãng hàng không giá rẻ Jejuair và Jin Air lần lượt tăng 10,67% và 4,24%.
Kết thúc phiên 5/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 42,50 điểm (+0,15%), lên 27.820,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 55,67 điểm (+1,76%), lên 3.221,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 842,94 điểm (+4,51%), lên 19.518,29 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,01 điểm (-0,62%), xuống 2.419,32 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc điều hành lãi suất?
Liên quan đến vấn đề điều hành lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng..>> Chi tiết
- Sau bão bán giải chấp
Sự hoảng loạn, sợ mất vốn, quy trình xử lý không chuyên nghiệp cộng với cho vay định giá cao cổ phiếu của một vài công ty chứng khoán đã đẩy thị trường vào vòng xoáy giảm giá do bán giải chấp mới đây..>> Chi tiết
- Nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các thành viên thị trường trái phiếu
Hiện tại, thị trường trái phiếu đang có dấu hiệu hoạt động theo hướng một chiều, chủ yếu chỉ có các tổ chức trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán, kể cả các tổ chức phát hành mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư. Việc phát hành mới trên thị trường của các doanh nghiệp hầu như không thể triển khai được..>> Chi tiết
- Nga bác bỏ mức trần giá dầu 60 USD/thùng
Các nhà chức trách Nga đã bác bỏ mức giá trần đối với dầu Nga do G7 đặt ra và nói rằng sẽ ngừng cung cấp cho các quốc gia ủng hộ đề xuất này..>> Chi tiết