Chốt phiên giao dịch 6/12, dầu thô Mỹ WTI giảm 3,5% về 74,25 USD một thùng – thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Loại dầu này đã mất giá 43% kể từ khi chạm 130 USD hồi tháng 3 do xung đột Nga – Ukraine.
Dầu Brent hôm qua cũng giảm 4%, về 79,5 USD một thùng – thấp nhất kể từ tháng 1. Sáng nay, giá Brent và WTI vẫn dao động quanh mốc đóng cửa hôm qua.
Nỗi lo suy thoái vẫn đang tác động lên các thị trường, từ dầu mỏ đến chứng khoán. Wall Street hôm qua giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp. Các báo cáo lạc quan về thị trường việc làm, số đơn hàng nhà máy và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ chỉ càng thổi bùng lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để ghìm lạm phát.
Dầu thô cũng bị bán tháo trong bối cảnh phương Tây áp lệnh trừng phạt mới lên dầu Nga. Dù vậy, các biện pháp này dường như chưa khiến thị trường năng lượng toàn cầu rối loạn.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 5/12 áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển. Trần giá dầu 60 USD của phương Tây cũng có hiệu lực. Cả hai biện pháp đều nhằm siết nguồn tài chính của Nga cho cuộc chiến tại Ukraine mà không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
"Dầu Nga vẫn hiện diện trên thị trường. Đến nay, có vẻ Nga sẵn sàng tham gia cuộc chơi này", Robert Yawger – Phó chủ tịch phụ trách dầu mỏ tại Mizuho Securities cho biết.
Yawger nói rằng thị trường "cảm thấy nhẹ nhõm" khi trần giá không quá thấp. Nếu thấp hơn 60 USD, Nga có thể đáp trả bằng cách giảm cung.
Bất chấp giá năng lượng thế giới giảm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn giữ nguyên kế hoạch sản xuất. Cuối tuần trước, nhóm này thông báo duy trì hạn ngạch dầu hiện tại đến cuối năm 2023, thay vì giảm thêm nguồn cung.
Hà Thu (theo CNN, Bloomberg)