Ước mơ tạo ra việc làm để thanh niên không phải đi làm ăn xa
Trở lại homestay Tài Ngào (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) sau 3 năm “cơn lốc” Covid-19 càn quét, thật bất ngờ vì khu lưu trú này không hề xuống cấp mà còn trang hoàng hơn với ngôi nhà sàn thứ hai đã đón khách.
Chẩu Thanh Ngà - "Cha đẻ" homestay Tài Ngào và Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm. |
Vừa bước vào cổng homestay Tài Ngào đã thấy mùi cá nướng, đuông cọ xào măng, vịt luộc rau răm… thơm nức mũi. Homestay đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao này khiến du khách cảm thấy an yên ngay từ ánh nhìn đầu tiên, với 2 ngôi nhà sàn 5 gian chuẩn kiến trúc Tày, hoa lá rực rỡ giữa thung lũng trù phú được bao bọc bởi những ngọn núi đá vôi trùng trùng, điệp điệp.
Homestay Tài Ngào là “trái ngọt” của Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm, đạt giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Tuyên Quang năm 2018. Đề án được Tỉnh đoàn Tuyên Quang đưa đi dự thi toàn quốc, được Trung ương Đoàn trao giải Ba và được trao gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hiện thực hóa.
Chẩu Thanh Ngà (sinh năm 1991), chàng trai Tày sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thượng Lâm chính là “cha đẻ” của ý tưởng đầy sáng tạo và thực tế đó.
Chẩu Thanh Ngà cho biết, với kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch từ năm 2010, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2014, anh đã được nhận làm hướng dẫn viên chính của nhiều công ty lữ hành nổi tiếng, được đi nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất mới.
Homestay Tài Ngào được du khách trong nước và quốc tế yêu thích khi khám phá Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang. |
Thời điểm ấy, được đi nhiều nơi, được nghỉ ở nhiều homestay và không ít resort 5 sao, Chẩu Thanh Ngà càng nhận ra, Lâm Bình quê mình dù là huyện vùng sâu, vùng xa, huyện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang, nhưng cảnh quan thiên nhiên trác tuyệt với 2/3 diện tích là rừng, hồ thủy điện rộng lớn, nhiều thác nước, hang động đẹp, ẩm thực và văn hóa bản địa đặc sắc, nhiều lễ hội truyền thống như Lồng Tông, nhảy lửa, nghi lễ cấp sắc…
“Quê mình đẹp tuyệt, con người sống thuận theo tự nhiên, không ồn ào, xa hoa, nhưng an yên, hạnh phúc. Vậy sao không lập nghiệp ở quê ngay từ khi còn trẻ?”, Chẩu Thanh Ngà nghĩ thế và quyết định trở về quê trong niềm vui sướng và ủng hộ của cha mẹ.
Từ khi được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Lâm, Chẩu Thanh Ngà có thêm ước mơ mới là tạo ra việc làm để 800/1.200 đoàn viên của xã không phải đi làm ăn xa, có thể góp phần xây dựng quê hương. Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm ra đời từ những cơ duyên đó.
Chẩu Thanh Ngà làm cơm phục vụ du khách. |
Phải giữ cho bằng được bản sắc văn hóa của đồng bào Tày
Ngay sau khi thành lập Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm, Chẩu Thanh Ngà cùng 3 thanh niên khác trong xã góp tiền, góp đất, góp sức xây dựng homestay Tài Ngào, khánh thành tháng 5/2019.
“Ban đầu, nhiều người bảo chúng tôi hâm, đầu tư cả tỷ đồng mà không biết có nên cơm cháo gì không. Nhưng cuối năm đó, cả làng phải xôn xao câu chuyện về một ngôi nhà sàn kiểu người Tày rôm rả đón khách du lịch đến thăm”, Chẩu Thanh Ngà vui sướng.
Lấy tên Tài Ngào, các chàng trai Tày mong ước bằng sức trẻ của mình góp sức xây dựng quê hương như chàng Tài Ngào y xửa, y xưa. Đây là một nhân vật anh hùng trong truyện kể dân gian của người Tày - người đã đắp đập, ngăn sông để lấy nước giúp dân làng vượt qua trận hạn hán kéo dài.
Thành viên Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm hướng dẫn du khách nước ngoài trải nghiệm nấu ăn. |
Toàn bộ hoạt động của homestay Tài Ngào đều do đoàn viên trong xã đảm trách. Họ tự tay trang trí, dọn dẹp, vào bếp nấu nướng các món đặc sản địa phương và làm hướng dẫn viên cho du khách. Bằng những mối quan hệ và kiến thức 7 năm làm hướng dẫn viên, Chẩu Thanh Ngà đứng ra kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, lập các trang quảng cáo trên mạng xã hội, nhận booking online...
Tiếng lành đồn xa, có tháng, homestay Tài Ngào đón hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế. Mùa hè năm 2019 khách đến đây nườm nượp, mỗi cuối tuần đều kín chỗ. Mùa hè năm 2020 và 2021, nếu không tính những ngày giãn cách xã hội do Covid-19, một tháng, homestay Tài Ngào đón 28 đoàn, mỗi đoàn từ 60 đến 120 người. Thậm chí, những ngày cuối tuần kín chỗ, Chẩu Thanh Ngà và các thành viên hợp tác xã phải tư vấn cho khách chuyển đến ở những homestay gần đó.
Vẻ đẹp homestay Tài Ngào. |
Từ những thành công ban đầu và niềm tin vào sức trẻ của mình, Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm tiếp tục đầu tư xây dựng nhà sàn thứ hai trong khuôn viên homestay Tài Ngào, đón khách từ ngày 1/1/2021. Tổng hai nhà sàn có thể phục vụ khoảng 60 -70 du khách.
“Từ khi Chính phủ cho phép mở lại các hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 đến nay, mùa hè và cuối tuần, 2 nhà sàn của homestay luôn kín khách. Ngày thường thời điểm này khách thưa hơn nhưng dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 thì kín chỗ”, Chẩu Thanh Ngà cho biết.
Chàng trai Tày cho hay: “Sứ mệnh của Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm là đảm bảo thu nhập cho đông đảo thanh niên, càng nhiều càng tốt. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Chúng tôi quyết tâm làm chậm nhưng chắc và quy tắc bất biến là phải giữ gìn cho bằng được bản sắc văn hóa của đồng bào Tày”.
Du khách xem thưởng thức nghệ thuật truyền thống của đồng bào Tày tại homestay Tài Ngào. |
Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Có lẽ, điều ấn tượng nhất ở homestay Tài Ngào là các chàng trai Tày luôn đối đãi với du khách như chính những người thân mới đi xa trở về. Họ chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất, như khách đến phải có một chậu nước ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè thơm mùi chanh sả để rửa tay. Hay món ăn vẫn đảm bảo hợp khẩu vị của khách như thịt vịt luộc theo bản sắc người Tày là chấm với nước rau răm, nhưng homestay Tài Ngào vẫn làm thêm một bát chấm xì dầu.
Các hộ làm homestay ở Thượng Lâm gần như không có kỹ năng làm du lịch cơ bản. Chẩu Thanh Ngà thường xuyên hỗ trợ, góp ý, chia sẻ cách làm và cả du khách với họ. Khi nhập nguyên liệu chế biến thức ăn hay làm bất cứ việc gì, homestay Tài Ngào đều ưu tiên sản phẩm của người địa phương.
“Chỉ khi cũng được hưởng lợi với mình, bà con mới cùng mình làm du lịch tốt hơn”, chàng trai Tày nói.
Ngay khi thành lập, Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm đăng ký 9 ngành nghề. Riêng về đầu tư phát triển du lịch, ngoài xây dựng cơ sở homestay gắn với không gian văn hóa dân tộc Tày để làm dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực…, Hợp tác xã còn có 2 chiếc thuyền đưa đón khách du lịch trên hồ thủy điện Tuyên Quang, quản lý một thác nước đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Người hướng dẫn viên cuối tuần không ai khác chính là Chẩu Thanh Ngà và thành viên Hợp tác xã.
“Người dân Thượng Lâm đa số là người dân tộc Tày, nhưng giữ được bản sắc Tày không dễ khi mà thanh niên lớn lên rời quê đi làm, lấy vợ, rồi sinh sống ở xa. Rất ít người biết đánh đàn tính và hát những bài ca cổ của dân tộc Tày. Tôi cùng các bạn đoàn viên xây dựng Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa Tày ở xã Thượng Lâm”, Chẩu Thanh Ngà bày tỏ.
Chẩu Thanh Ngà hướng dẫn du khách tham quan trên lòng hồ thuỷ điện Na Hang. |
Các chàng trai đang sưu tầm để lập bảo tàng văn hóa của người Tày ở Thượng Lâm, mở lớp dạy đàn tính, hát then cho thanh niên. “Hợp tác xã đã có đội văn nghệ hát các bài dân ca mà hầu như mọi người đã lãng quên. Tôi nghĩ bản sắc văn hóa Tày ở Thượng Lâm sẽ thu hút du khách và giúp người Tày không quên đi nguồn cội của mình”, Chẩu Thanh Ngà tin tưởng.
Chưa dừng lại ở đó, trong tương lai, các chàng trai Tày sẽ tổ chức các tour du lịch nội địa cho người dân Tuyên Quang, kết nối sản phẩm tour du lịch liên vùng với các tỉnh lân cận như Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ… Giờ đây, số thành viên góp vốn, góp sức tại Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay xã Thượng Lâm đã tăng lên hơn 20 người. “Chỉ cần quyết tâm, đam mê, có sức trẻ, chúng ta có thể tự tạo việc làm, có thu nhập khá ngay tại quê hương”, Chẩu Thanh Ngà nói.
Chẩu Thanh Ngà đã cùng các chàng trai Tày xã Thượng Lâm khởi nghiệp thành công trên quê hương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. Họ đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn theo hướng bền vững, để cùng lan tỏa những giá trị tử tế đến cộng đồng.