Giá lợn hơi 50.000 - 55.000 đồng/kg
Ghi nhận của báo Tiền Phong, giá lợn hơi ngày 7/12 trên cả nước tiếp tục giảm nhẹ từ 1.000-3.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Cụ thể, giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc giảm thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg về mức 51.000 - 53.000 đồng/kg. Trong đó, hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai sau khi giảm 1.000 đồng/kg, về mức 51.000 đồng/kg. Đây là mức thu mua lợn hơi thấp nhất miền Bắc. Còn tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, giá lợn hơi giảm về còn 53.000 đồng/kg.
Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng đồng loạt giảm nhẹ 1.000 đồng/kg so với hôm qua (6/12) về mức 50.000-54.000 đồng/kg. Trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa có giá bán cao nhất là 54.000 đồng/kg.
Ở khu vực phía Nam, giá lợn hơi ngày 7/12 giảm thêm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với ngày 6/12 và hiện giao dịch quanh ngưỡng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Trong đó, Trà Vinh và Cần Thơ lần lượt giảm 2.000 và 3.000 đồng/kg, về chung mức 52.000 đồng/kg. Kiên Giang là địa phương có giá lợn hơi thấp nhất miền Nam, neo ở mức 51.000 đồng/kg. Còn cao nhất là Cà Mau với giá 55.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm liên tục cũng kéo giảm giá thịt lợn tại các chợ. Tại các chợ truyền thống của Hà Nội, như Mỗ Lao, Văn La (Hà Đông); Mễ Trì, Đình Thôn (Nam Từ Liêm)... giá thịt lợn hiện dao động trong khoảng 90.000-130.000 đồng/kg.
Cụ thể, thịt mông sấn duy trì ở mức 90.000 đồng/kg; thịt chân giò 100.000 đồng/kg; thịt ba chỉ duy trì ở mức 105.000-110.000 đồng/kg; sườn thăn giá 120.000-130.000 đồng/kg… So với thời điểm cách đây 2 tháng, giá thịt lợn đã giảm khoảng 40.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, lượng tiêu thụ cũng không nhiều. Chị Lê Ánh, tiểu thương tại chợ Mỗ Lao, cho biết, từ đầu tháng trở lại đây lượng tiêu thụ tại sạp của chị mỗi ngày chỉ khoảng 80-100 kg thịt, bằng 60-70% so với giữa năm trong khi giá thịt giảm 20-30%.
Còn tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các công ty cung cấp thịt, giá thịt lợn ngày 7/12 đang được bán với giá trong khoảng 109.900 - 177.900 đồng/kg. So với tuần trước, giá thịt lợn bán ra giảm khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Vì sao giá thịt lợn giảm ngay dịp cao điểm Tết?
Nhiều chuyên gia nhận định, giá lợn hơi có xu hướng giảm thời gian qua do sức mua trên thị trường yếu, trong khi nguồn cung thịt lợn dồi dào dù chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói: “Giá heo hơi hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, sức mua. Các nguồn tiêu thụ nói chung đều giảm trên cả nước. Ví dụ như các bếp ăn tập thể, người lao động bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn nên thu nhập giảm, nhiều công ty xí nghiệp giảm giờ làm, thậm chí phải giảm bớt công nhân, do đó nhu cầu cũng giảm… Những yếu tố đó đã khiến giá thịt heo không “ngóc đầu” lên được”.
Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, cũng cho rằng: “Trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn, sức mua giảm sút, việc giá heo hơi giảm thấp cũng là điều đương nhiên. Bên cạnh đó sản lượng heo của các công ty chăn nuôi khác như CJ, Japfa, Greenfeed, Dabaco… đều tăng mạnh. Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu yếu thì càng khó khăn hơn trong việc điều chỉnh giá bán”.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng nhận định, những năm trước thị trường Tết thường sôi động trước 1 - 2 tháng, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng chế biến, nhờ đó giá tăng dần đến Tết.
Tuy nhiên, giờ đây, người dân cũng ít chuẩn bị Tết và chi tiêu cũng hạn chế hơn do kinh tế khó khăn. Với hàng thực phẩm chế biến, sức mua chỉ sôi động khoảng 20 ngày trước Tết và hàng tươi sống chỉ tăng mạnh vào khoảng 1 tuần trước Tết. Doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị nguồn cung để phục vụ thị trường Tết nhưng năm nay trước sức mua yếu, đơn vị cũng dè dặt duy trì ở mức ổn định như năm ngoái.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ước tính tổng đàn heo cả nước đến cuối tháng 10/2022 tăng khoảng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số gia cầm của cả nước ước tính tăng khoảng 5,2%. Nguồn cung tăng trong khi sức mua yếu đang gây áp lực lớn đến giá bán.
Trong khi đó giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao, bình quân 60.000 đồng/kg, gây nguy cơ thua lỗ cho người chăn nuôi. Anh Đ.B.L, chủ hộ chăn nuôi tại H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết: “Thời điểm tết năm trước giá heo hơi còn thấp hơn, chỉ ở mức 47.000 - 49.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá nguyên liệu, chi phí, thức ăn chăn nuôi đều tăng nên mức thua lỗ tính ra nặng nề hơn”.
Dự báo về giá thịt lợn hơi trong thời điểm cuối năm, ông Nguyễn Trí Công nhận định: “Khó có thể so sánh giá heo hơi năm nay với năm trước bởi thực tế người chăn nuôi hiện nay đang bán ra thấp hơn giá thành. Đến thời điểm cận Tết thì nhu cầu tiêu thụ của cả nước sẽ tăng lên, trong đó có cả ảnh hưởng nguồn tiêu thụ từ Trung Quốc. Do đó chúng tôi dự báo giá heo hơi sẽ tăng lại, tuy nhiên khó có được mức giá trên 70.000 đồng/kg, chỉ cần khoảng 65.000 đồng/kg là mừng lắm rồi”.
Ông Lê Xuân Huy cũng cùng nhận định: “Hiện nay khó có thể tìm được giải pháp nào khả thi vì sức mua yếu, chỉ có thể giảm giá để kích cầu. Đến thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn thì giá heo có thể sẽ tăng lại, tuy nhiên mức tăng vào khoảng 10 - 15%, khó có thể tăng cao hơn được”.
Trước tình trạng giá lợn hơi trong nước xuống thấp dưới 60.000 đồng/kg, thậm chí trong suốt 1 tháng qua, có thời điểm xuống còn 50.000 đồng/kg, nguồn cung trong nước đang dư thừa, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành đề xuất Chính phủ nới lỏng những rào cản để được bán thịt lợn qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trong khi đó, để ổn định nguồn cung thị trường trong bối cảnh giá lợn đang giảm, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh, TP theo dõi sát diễn biến thị trường, khuyến cáo người dân chăm sóc và tái đàn phù hợp; tìm các biện pháp giảm chi phí đầu vào, bảo đảm người chăn nuôi có lãi.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chủ động triển khai giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, bảo đảm quyền lợi người chăn nuôi.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, nhập khẩu và cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn, gia cầm, gia súc phục vụ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi, sản phẩm cung ứng ra thị trường với mức giá hợp lý.
Minh Hoa (t/h)