Cuối năm khu phòng trọ tại tỉnh lộ 8, ấp Hội Thạnh, xã Trung An, huyện Củ Chi. Khu nhà trống vắng hơn mỗi ngày do công nhân trả phòng trọ. Chị Nguyễn Thị Đến (quê Bạc Liêu) thuộc trường hợp mẹ đơn thân nuôi con nên được công ty giữ lại - Tin, ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ở các xóm trọ, thêm nhiều người rỗi việc ở nhà, ngày làm ngày nghỉ, "xoay tua", luân phiên với nhau để ai cũng còn được nhận ít nhất một nửa mức lương trước đó.
"Xe đò bất ngờ với nhu cầu về Tết sớm" (Tuổi Trẻ 5-12) là điều không ai mong đợi và hầu như chưa từng xảy ra.
Dẫu sao những ai được về quê cũng còn may mắn hơn nhiều người khác muốn về mà không có đủ lộ phí, hoặc con cái đang học hành phải bất đắc dĩ nán lại thành phố. Khó khăn chồng chất đang "níu chân" những công nhân bất ngờ thất nghiệp. Nhiều người đã tính đến phương án sau Tết gửi con lại quê nhà đi học, người lớn bươn chải ở đô thị dù sao cũng dễ ứng phó.
Thêm một bài toán "hóc búa" đặt ra trước mắt: "Ở lại đến sau Tết thì sống bằng gì?". Quá nhiều nỗi lo bủa vây những người vốn làm tháng nào "xong" tháng ấy. Mọi năm mùa này rộn ràng những thông báo thuê nhân công chạy hàng Tết, năm nay cũng yên ắng quá, không thấy mấy nơi tuyển người làm thời vụ. Tìm việc tạm cũng trần ai!
Ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp được hưởng, công nhân rất mong đợi những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đề xuất Chính phủ cho phép dùng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ việc làm (Tuổi Trẻ 6-12) là một giải pháp nhân văn và thiết thực. Cho cần câu hiệu quả và có ý nghĩa lâu dài hơn cho con cá. Người bị ngừng việc (kể cả tạm thời) cũng chỉ mong có việc làm khác, dù thu nhập thấp hơn.
Cũng như lúc giãn cách xã hội, những vòng tay yêu thương lại rộng mở, dìu nhau qua cơn ngặt nghèo. Nhiều chủ nhà trọ tại TP.HCM đã tình nguyện giảm giá thuê phòng hoặc cho "trả góp" sau Tết Nguyên đán. Những điểm tặng cơm từ thiện mở ra. Cộng đồng vốn đã quen bảo bọc nhau lúc khốn khó, giờ "tái khởi động" những hoạt động thiện nguyện.
Mong những chương trình nhân đạo tiến hành sớm hơn với tình hình vừa phát sinh. Thông báo của những "chuyến xe 0 đồng", đưa người dân về quê đón Tết đã triển khai song phải chờ sau 20 tháng chạp âm lịch mới khởi hành. Rất cần cho một số xe "lăn bánh" ngay từ bây giờ, giúp người cần về quê gấp bớt nhọc nhằn. Đỡ được khoản tiền mua vé tàu xe hiện nay có giá trị không khác gì nhận thưởng Tết, đặc biệt giảm được tình trạng người dân tự đi về bằng xe máy không an toàn.
Từ chuyện hôm nay, nhiều người lao động đã rút được kinh nghiệm từ việc tham gia đóng bảo hiểm để phòng rủi ro, như nuôi heo đất, không lo bị mất và giúp yên tâm khi rơi vào hoàn cảnh bỗng dưng mất việc.
Nếu có giải pháp khác để "cầm cự" được qua giai đoạn vất vả này, công nhân hãy nên bảo lưu số năm đã đóng BHXH, chờ có việc làm khác sẽ tiếp tục duy trì. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, chi tiêu rất nhanh hết và công sức tham gia hàng chục năm không còn.
Có thể năm nay số người tạm trú ở lại ở TP.HCM đón xuân đông hơn Tết năm ngoái. Những hy vọng mong chờ lại hướng về các ban ngành, nhà hảo tâm. Chăm lo dẫu chưa thể đủ đầy, song "một miếng khi đói bằng một gói khi no", cần lắm những tấm lòng sẻ chia nhân ái.
TTO - Đó là tâm tư chung của những công nhân mất việc làm ngay cận Tết. Trong khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách giữ chân cùng các giải pháp hỗ trợ công nhân. Lại có nơi đang tuyển người từ phố về quê.
Xem thêm: mth.23282733270212202-man-iouc-iad-oht-gneit-nen/nv.ertiout