Phương Anh Đào và Quang Tuấn trong phim Tro tàn rực rỡ - Ảnh: ĐPCC
Tuổi Trẻ giới thiệu hai góc nhìn.
Có những bộ phim độc lập Việt Nam được sản xuất rất phù hợp với người xem ở các liên hoan phim quốc tế: tiết chế về cách kể, góc máy lẫn số lượng lời thoại nhưng không hề hời hợt; có ngôn ngữ điện ảnh mạch lạc và diễn viên có hành trình hóa thân kỹ càng; nhân vật có tính người "cuồn cuộn" và sống rất bản năng.
Bản năng ấy ve vuốt họ và cũng trừng phạt họ. Họ yêu theo cách tự "đốt cháy" mình, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đôi khi ta ao ước nhân vật sống lý trí hơn để vượt qua những khổ đau của kiếp người.
Tro tàn rực rỡ khiến tôi liên tưởng đến Mùa len trâu, và với tôi, đây là hai bộ phim chuyển thể thành công nhất và có ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc nhất khi tái hiện không gian văn hóa đậm đặc chất bản địa của miền Tây Nam Bộ từ hai tác giả tiêu biểu nhất của văn học khu vực này: Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư. Và cả hai bộ phim này đều bàn đến một chủ đề rất thú vị trong điện ảnh Việt Nam: sự bất lực của nam tính.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm
Cảnh phim Tro tàn rực rỡ
Khao khát được nhìn thấy
Trong một bộ phim được nắn nót từng hình ảnh "dẫn thẳng nhân vật đến tro tàn" để bảo toàn chất thơ của chính nó thì đòi hỏi lý trí là điều xa xỉ.
Tro tàn rực rỡ gộp hai truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về vào một bộ phim.
Truyện Tro tàn rực rỡ có hai người phụ nữ vô hình trong chính cuộc hôn nhân của mình là Nhàn (Phương Anh Đào) và Hậu (Bảo Ngọc Doling), còn Củi mục trôi về góp một thân phận là Loan (Hạnh Thúy) - người bị cưỡng hiếp từ năm 12 tuổi, lớn lên ngớ ngẩn và bị ám ảnh bởi gã đàn ông đã hiếp mình.
Những người đàn ông của họ lần lượt là Tam (Quang Tuấn) - hiền lành và buồn rầu, nhưng khi đã bị cuộc đời giày xéo thì bùng nổ theo cách tiêu cực nhất; Dương (Lê Công Hoàng) - là chồng của Hậu nhưng lại yêu đơn phương Nhàn, lì lợm ôm chặt một mối tình câm và ghẻ lạnh vợ mình; Khang (Thạch Kim Long) - kẻ hiếp dâm trở về với mong muốn sám hối, chuộc tội nhưng không đủ can đảm để đối diện quá khứ.
Cả ba phụ nữ đều có khao khát được tồn tại, được nhìn thấy và được yêu thương. Nhàn yêu quên cả bản thân mình, như hùa với chồng trong cơn say đốt nhà đầy hủy diệt. Hậu tuyệt vọng níu kéo sự chú ý từ người chồng hờ hững. Loan ngờ nghệch theo đuổi "gã" như một đứa trẻ, quyện chút tủi phận của người đàn bà quá lứa.
Với những ưu điểm về mặt sản xuất như đã nói ở đầu bài, phim vẫn chưa đủ "chạm" khi chiếu tại Việt Nam, cho khán giả Việt Nam. Ngôn ngữ, giọng nói là một phần của văn hóa, là hơi thở của con người và vùng đất.
Lời thoại quá văn học, và đài từ của một số diễn viên rất thành thị, đặc biệt là vai dẫn truyện (có nhiều thoại nhất) của Bảo Ngọc Doling với chất giọng Việt lơ lớ khiến thiếu phim đi âm sắc, phong vị riêng có thể nhấn ở một vùng đất có những đặc tính địa phương "sền sệt" như miền Tây.
Cảnh phim Tro tàn rực rỡ
Trìu mến và xa cách, tê tái và... dửng dưng
Phim rất buồn, buồn càng lúc càng tê tái theo từng diễn biến, khi những cuộc hôn nhân rạn vỡ dần và những người vợ càng lúc càng vô hình trong mắt chồng.
Góc máy Tro tàn rực rỡ nhìn các nhân vật từ khoảng cách xa. Hầu hết là cảnh trung. Đạo diễn giữ sự xa cách nhất định với nhân vật, không để góc máy "thọc sâu" vào nội tâm họ, giúp người xem đoán được nhưng không dễ để cảm được việc Hậu đang cô độc hay Nhàn đang khổ tâm, Dương đang sầu thảm hay Tam đang uất ức, Loan đang bơ vơ hay "gã" đang dằn vặt.
Nhưng chính sự lý trí quá mức trong việc giữ góc máy xa lại có gì đó hơi dửng dưng, khiến phim cũng lạnh, vì người xem không cách gì đến gần nhân vật được.
Xem Tro tàn rực rỡ, ta thấy xã hội có thể trân trọng những hy sinh của những người phụ nữ, nhìn họ đầy trìu mến và trắc ẩn, nhưng rốt cuộc chỉ nhìn thôi. Còn để làm gì đó thực sự cứu giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc, thoát khỏi cuộc hôn nhân chết dần chết mòn, thoát cả cái chết đang chờ đón họ thì không.
Trong phim, nhân vật nhà sư nói: "Người ta té sông, ông đọc kinh sám hối thì tự dưng người ta nổi lên sao? Phải lấy tay mình kéo họ kìa, ông ơi". Câu thoại này lấy từ truyện ngắn Củi mục trôi về của Nguyễn Ngọc Tư, một trong hai nguyên tác của phim.
Có ai chìa tay ra với những người đàn bà ấy không?
Cảnh phim Tro tàn rực rỡ
Tinh tế - Phẩm hạnh của Tro tàn rực rỡ
Trong cuộc phỏng vấn khi bộ phim Tro tàn rực rỡ ra mắt tại LHP Tokyo vừa rồi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có nói anh làm mỗi phim như làm phim đầu tay. Tôi thấy đây là cách nói khiêm tốn, xác định tâm thế làm phim để khám phá điện ảnh cùng lúc với khám phá bản thân, tìm cho mình sự tươi mới khi trở lại.
Trailer phim "Tro tàn rực rỡ" - Nguồn: CGV Cinemas Vietnam
Tro tàn rực rỡ đã khám phá cảnh quan, đời sống, con người miền Tây cùng nỗi khát thèm được hiện diện trước người khác, để không thành người khác, của con người, những con người sống cuộc đời khiêm nhường, dù nơi quần cư hay hoang vắng nhưng đều rìa vực một cách riêng tư, tinh tế.
Quả thực, mỗi lần vào một cảnh phim - trở lại một không gian, nhìn lại một gương mặt, chứng kiến một hành động, lắng nghe một tỉ tê, khán giả đều được trao cho một chút gì đó thú vị để ngạc nhiên, suy ngẫm.
Cá nhân tôi cứ chờ đợi một ngày nào đó điện ảnh Việt Nam có thể giăng mắc mình vào một cái nhìn hoặc trôi vào một cuộc nhìn nhau của hai nhân vật, nay tôi đã được xốn xang kiểu thế bởi Tro tàn rực rỡ. Tôi tin không có đạo diễn làm phim đầu tay nào lại đủ tỉnh táo để dẫn dắt cảm xúc khán giả như thế.
Con người có phẩm hạnh để làm nên tính người của mỗi người. Phim cũng có phẩm hạnh, làm nên tính phim của phim. Tính phim của Tro tàn rực rỡ là tinh tế.
Tinh tế là cuộc gặp gỡ, khởi đi từ sự phát hiện của người làm phim trước một chi tiết, một trạng thái cảm xúc. Nó nhất định là sự tìm thấy chứ không phải sự thêm vào, ghim vào để trở thành các ẩn dụ, biểu tượng.
Sự tinh tế thường ít bắt gặp ở phim ảnh VN. Không phải đất nước ta, nhân dân ta vô vị mà ở cách chuyển giao cái thi vị đến khán giả của người làm phim.
Các nhà làm phim VN ưa nói lớn quá, trong khi sự tinh tế có lẽ thông qua các ẩn ý, thậm chí chẳng đủ để thành ẩn ý, một sự tế vi có khi chẳng cần mang một ý nào cả, một điểm rơi đúng thời khắc có khi đáng giá hơn.
Tôi nghĩ khán giả sẽ gặp gỡ Bùi Thạc Chuyên trong nhiều chỗ tinh tế. Ví như lúc nhân vật kho cá, nhìn con cá rô oằn mình trong thố mình cũng oằn theo trên ghế...Vũ Ánh Dương
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc
10h sáng 9-12, đoàn phim Tro tàn rực rỡ gồm đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cùng các diễn viên Hạnh Thúy, Lê Công Hoàng và Juliet Bao Ngoc Doling sẽ giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ từ trụ sở của báo.
Xin mời bạn đọc, khán giả đặt câu hỏi cho các thành viên của đoàn phim Tro tàn rực rỡ ở dưới đây.
Xem thêm: mth.96400448080212202-oig-oab-ned-ohk-noc-ab-nad-or-cur-nat-ort-iov-gnax-nox/nv.ertiout