Theo báo cáo, hậu quả của đại dịch vẫn tiếp tục được cảm nhận trong nhiều năm tới, và cũng là động lực chính thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng ngân hàng số ở Việt Nam và rộng hơn là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc áp dụng công nghệ đám mây công cộng trong các dịch vụ tài chính cũng đã được đẩy nhanh do đại dịch, kết quả rõ rệt chính là sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số trên toàn khu vực.
Ông Stuart Houston, Giám đốc Dịch vụ tài chính tại Google Cloud Platform cho biết, các tổ chức tài chính sẽ có thể thu được nhiều lợi ích nhất bằng cách kết hợp và tận dụng dữ liệu và tài sản độc nhất của họ, cùng với việc sử dụng một cách hợp lý dữ liệu của bên thứ ba. Dự kiến đến cuối năm 2025, hơn 90% tất cả dữ liệu ngân hàng sẽ có thể được truy cập ngay lập tức bằng cách sử dụng công nghệ máy học (ML).
"Để đạt được điều này, các tổ chức tài chính phải xóa bỏ được những rào cản giữa khối lượng công việc giao dịch và phân tích, việc này có thể được hỗ trợ từ các giải pháp có sẵn trên nền tảng đám mây trong các lĩnh vực công nghệ ngân hàng lõi, quản lý dữ liệu, các dịch vụ nhỏ (Microservices) an toàn và có khả năng thay đổi quy mô và hệ thống công nghệ máy học nhúng”, ông Stuart Houston nói.
Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam nhận định, năm 2023, cơ hội sẽ mở ra cho các ngân hàng, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính đang đổi mới để đáp ứng sự tăng tốc của thanh toán kỹ thuật số - Tài chính nhúng tiếp tục đà phát triển nhanh như vũ bão, BaaS (Ngân hàng như một dịch vụ) đang được áp dụng ngày một rộng rãi hơn, cùng với các xu hướng SaaS (Phần mềm như một dịch vụ) sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong thanh toán kỹ thuật số.
Cũng theo ông Minh, Việt Nam đang chứng kiến các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính đẩy mạnh các tính năng ngân hàng trải nghiệm, bằng cách phát triển hệ sinh thái của riêng họ, với các dịch vụ tích hợp trong thanh toán, gửi tiền và cho vay. Trong khi đó, các doanh nghiệp phi ngân hàng như thương mại điện tử, các nền tảng du lịch, giáo dục cũng muốn cung cấp các dịch vụ thanh toán và tín dụng, như một phần của hành trình khách hàng để cải thiện trải nghiệm của họ và gia tăng chuyển đổi.
"Điều này mang lại những lợi ích rõ ràng cho người tiêu dùng, khi họ có thể quản lý tài chính, hoạt động cá nhân, hoạt động xã hội và các “nhiệm vụ” của cuộc sống thường nhật chỉ cần thông qua một ứng dụng duy nhất”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, báo cáo còn đưa ra các xu hướng và nhận định khác dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến ngành dịch vụ tài chính châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ nhất, phát triển ứng dụng với giao diện trực quan (Low code/no code): Cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy tốc độ đưa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số mới ra thị trường nhanh hơn, bằng cách trao quyền cho các nhóm kinh doanh thí điểm và thực hiện nhanh chóng, mà không cần các quy trình phát triển phức tạp và bộ kỹ năng mã hóa chuyên biệt.
Thứ hai, ông lớn công nghệ trong dịch vụ ngân hàng: Đã có nhiều công ty công nghệ lớn chuyển sang lĩnh vực ngân hàng ở châu Á, các tổ chức như Grab, AEON và tập đoàn SEA hiện này đều là thành viên của các tập đoàn có giấy phép ngân hàng số. Động thái này của các ông lớn công nghệ sẽ buộc các ngân hàng phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số hiệu quả hơn - khách hàng hiện có kỳ vọng cao hơn về trải nghiệm kỹ thuật số của họ, vì vậy các ngân hàng truyền thống cần hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ để cung cấp các dịch vụ ngân hàng cạnh tranh hơn.
Thứ ba, ESG và những vấn đề đạo đức tài chính: Chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi đối với ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) trên khắp Châu Á Thái Bình Dương, điều này sẽ không chỉ thúc đẩy các ngân hàng truyền thống hướng tới các sản phẩm và dịch vụ tài chính kết hợp toàn diện hơn, mà còn lưu ý đến tính bền vững vì lợi ích của khách hàng. Ở châu Á, các ngân hàng Hồi giáo sẽ nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ các khách hàng tiềm năng không theo đạo Hồi, những người rất quan tâm đến đạo đức tài chính.
Thứ tư, tương lai của dịch vụ thanh toán: Thanh toán trực tuyến, di động hoặc kỹ thuật số gia tăng mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi bắt đầu đại dịch. Châu Á cũng là một trong những thị trường sử dụng ví điện tử nhiều nhất trên thế giới. Năm tới sẽ chứng kiến sự thay đổi trọng tâm của các ngân hàng xung quanh chủ đề thanh toán, với sự nhấn mạnh nhiều hơn vào việc tạo giao diện của riêng họ, làm cho chúng hấp dẫn, phù hợp và thú vị hơn để tăng mức độ trung thành với thương hiệu, thay vì tích hợp sản phẩm của họ vào các nền tảng bên ngoài.