vĐồng tin tức tài chính 365

Cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

2022-12-09 04:10

Chiều 8/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 chủ trì cuộc họp về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công của 8 bộ, cơ quan Trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1. Cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Báo cáo về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc Tổ công tác số 1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ, cơ quan Trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là hơn 19.750 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn ước 11 tháng của năm 2022 của 10 đơn vị thuộc Tổ Công tác số 1 còn thấp. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ: 52,01%; Tòa án nhân dân tối cao: 47,85%; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: 29,98%; Bộ Công an: 25,59%; Bộ Ngoại giao: 18,16%; Bộ Tư pháp: 30,06%; Bộ Nội vụ: 50,78%; Ủy ban Dân tộc: 2,41%; tỉnh Quảng Bình: 54,98%; Quảng Trị: 45,71%.

Trong số 8 bộ, cơ quan Trung ương và hai địa phương thuộc Tổ công tác số 1, có 3 bộ, cơ quan Trung ương phấn đấu giải ngân hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ. Các đơn vị còn lại phấn đấu giải ngân năm 2022 đạt mức cao nhất.

Đối với số vốn còn lại không có khả năng giải ngân, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trình Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022 để tiếp tục bố trí vốn trong năm 2023, hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 để tiếp tục triển khai, thực hiện dự án.

Nêu một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, các đại diện bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1 cho biết, trong tổ chức triển khai dự án, đối với các dự án chuyển tiếp, việc giải ngân chậm là do năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu kém, nhất là năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế. Cùng với đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng. Một số dự án do ảnh hưởng biến động tăng giá dẫn đến vượt chi phí dự phòng, làm tăng tổng mức đầu tư, phải rà soát lại các hạng mục…

Đối với các dự án khởi công mới trong năm 2022, do các bước lập, thẩm định, phê duyệt bản vẽ thi công, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu… mất nhiều thời gian, dẫn đến việc chậm giải ngân nguồn vốn. Chính quyền địa phương một số nơi chậm giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.

Bên cạnh đó, về mặt thể chế, nhiều đơn vị cho rằng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng nhóm A, B từ 2 tỉnh trở lên đều phải trình Bộ Xây dựng hoặc bộ chuyên môn về xây dựng thẩm định. Điều này là không phù hợp chủ trương phân cấp và quy định đã áp dụng trước đây.

Về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và hoàn thành công trình, theo quy định, các cơ quan có ngành dọc khi có dự án thì thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng và khi hoàn thành công trình là của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Quy định này là chưa phù hợp với thực tế do các dự án này thường có quy mô đầu tư nhỏ, cấp huyện và được đầu tư rải rác, gây khó khăn, làm chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân và ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trong quá trình thi công và khi hoàn thành. Do vậy, một số ý kiến đề nghị sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng địa phương kiểm tra công tác nghiệm thu để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ Công tác số 1 phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công có tiến triển theo hướng tăng dần, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra còn chậm, thấp; một số đơn vị ở dưới mức 50%.

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, có nguyên nhân khách quan, song, nguyên nhân chủ quan là chính; trong đó, phải kể đến những yếu kém từ năng lực lập quy hoạch, đề xuất xin dự án, đề nghị mức đầu tư, tới năng lực chủ đầu tư thấp, yếu, không đủ chuyên môn, năng lực nhà thầu cũng hạn chế. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân khác như: vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn quỹ đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác vật liệu xây dựng…

Cơ bản nhất trí với báo cáo và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các đơn vị trong Tổ công tác số 1 cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nêu cao vai trò người đứng đầu, lãnh đạo tất cả các cấp, bộ, ngành, địa phương; đồng thời, rà soát thường xuyên công tác này trên tất cả các đơn vị.

"Bộ nào có mức giải ngân tăng nhanh là do sự quyết liệt của người đứng đầu lãnh đạo đôn đốc, họp thường xuyên hàng tháng, rà soát, thúc đẩy vấn đề này, bởi đây là yêu cầu cấp bách hiện nay", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án, tránh tình trạng xin dự án trước, sau đó mới triển khai công tác chuẩn bị, thể hiện rất rõ ở các dự án sử dụng vốn vay ODA.

Về các biện pháp tháo gỡ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các tổ công tác đã làm việc và từng bước tháo gỡ các vướng mắc về thể chế đối với phân cấp, phân quyền trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công, điển hình là việc sửa đổi một số nghị định liên quan của Chính phủ. Về ý kiến đề xuất kéo dài nguồn vốn được phân bổ trong năm 2022 chưa thực hiện được sang năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp nội dung này và báo cáo lại. Nếu đây là ý kiến chung của các đơn vị, cần đề xuất hướng giải quyết phù hợp như ra nghị quyết Chính phủ đối với vấn đề này.

Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu, từ nay đến cuối năm, vấn đề thanh, quyết toán khối lượng công việc đã hoàn thành ở các dự án đầu tư công cần được chú trọng ở mức cao nhất để nâng tối đa tỷ lệ giải ngân trong năm 2022.

Yêu cầu 5 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư côngYêu cầu 5 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

VTV.vn - Bộ Tài chính yêu cầu 5 địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.82913318180212202-gnoc-ut-uad-nov-nagn-iaig-gnort-gnouc-yk-tahc-teis-nac/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools