Trong sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, sẽ có thêm hơn 240.000 tỷ đồng vốn được cho vay ra nền kinh tế trong dịp cuối năm này, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm 1,5 - 2%. Thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ cùng phóng viên VTV về các giải pháp điều hành nhằm đảm bảo dòng tín dụng đi đúng và trúng các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, theo chủ trương của Chính phủ.
PV: Thưa ông, chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là kết thúc năm, vì sao Ngân hàng Nhà nước lại lựa chọn thời điểm này để nới room tín dụng?
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú: Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước xem xét và đã quyết định nới room tín dụng từ 1,5 - 2% để mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế lúc này.
Quý 3 vừa qua, thời điểm đó, các chỉ số vĩ mô nói chung cho thấy không phải điều kiện thuận lợi. Hơn nữa thanh khoản của một ngân hàng lúc đó chưa phải đã đảm bảo cho việc tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thấy rằng phải đảm bảo được tất cả các chính sách có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, lãi suất. Chính vì vậy, thời điểm quý 3 chưa phải thời điểm thuận lợi để tăng trưởng tín dụng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.
Đến nay, dù còn 3 tuần nữa sẽ kết thúc năm 2022, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động của thế giới đối với Việt Nam cũng đã dịu bớt, đặc biệt, trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nên một số chỉ tiêu vĩ mô đã cho thấy những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo dư địa hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án, chương trình, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế hiện nay.
PV: Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để đảm bảo dòng vốn đi đúng hướng, tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà không đi vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro?
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú: Đối tượng Ngân hàng Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng của nền kinh té lúc này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội, cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân.
Việc quản lý dòng tiền và theo dõi hoạt động của ngân hàng thương mại là rất cần thiết. Đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng mới ở mức 12,2%. Theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay vẫn còn 1,8% cộng gần 2% tăng thêm, như vậy có khoảng 3,8% room tín dụng. Đây là dư địa khá lớn để các ngân hàng thương mại cung ứng vốn.
Chúng tôi cũng dành room tín dụng này ưu tiên thỏa đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, tất nhiên bên cạnh sự cố gắng tích cực của các ngân hàng thương mại bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động của mình để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!
VTV.vn - Chỉ tiêu tín dụng năm nay đã chính thức được tăng thêm. Việc này có ý nghĩa gì vào thời điểm này? Vì sao mức mức nới tín dụng là 1,5 - 2%?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!