Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố Báo cáo tháng 11 cho biết trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934,7 tỷ đồng.
Điều kiện phát hành riêng lẻ trở nên khắt khe hơn sau khi Nghị định 65 (về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ) có hiệu lực được cho là nguyên nhân chính khiến giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ giảm sút trong thời gian vừa qua.
Tuy vậy, theo VBMA, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm khoảng 4% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp, dù loại trái phiếu này có tính minh bạch thông tin cao và điều kiện phát hành chặt chẽ hơn trái phiếu riêng lẻ. Còn với giá trị trái phiếu riêng lẻ vẫn chiếm đến 96% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường.
Theo dữ liệu của VBMA tổng hợp từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán, tính đến ngày thu thập thông tin 1/12/2022, CTCP Tập đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, CTCP Đầu tư Đức Trung và CTCP City Auto.
Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Như vậy, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng trái phiếu, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.