Sản phẩm tài trợ vốn cho doanh nghiệp
Theo thông tin quảng bá từ Buff, sản phẩm B-Funding (Business Funding) là sản phẩm hưởng thu nhập cố định độc quyền chỉ có tại BUFF, vừa ra mắt ngày 25/11/2022. Sản phẩm giúp nhà đầu tư tài trợ vốn cho các doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn.
Thông qua B-Funding (Business Funding), nhà đầu tư có thêm lựa chọn để đầu tư vào công cụ nợ do các doanh nghiệp phát hành. Doanh nghiệp nhận tài trợ thông qua B-Funding có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi và gốc đầu tư định kỳ cho nhà đầu tư.
Với hình thức này, Buff sẽ trở thành ứng dụng kết nối nhà đầu tư/người có nhu cầu cho vay với khách hàng/người vay là các doanh nghiệp. Đây là mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) đã được nhiều công ty trên thị trường tham gia. Tuy nhiên, các hoạt động theo mô hình P2P lending chưa được thừa nhận và bảo hộ bởi pháp luật.
Quảng cáo sản phẩm mới của Buff |
Nhà đầu tư cho vay qua các ứng dụng P2P Lending đối diện 2 nhóm rủi ro là chưa có quy định pháp luật điều chỉnh và rủi ro quản trị khi không thể giám sát, nắm bắt được tình hình tài chính và hoạt động của ứng dụng.
Thực tế, nhà đầu tư hoàn toàn “mù tịt” về tỷ lệ nợ xấu, năng lực thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay cho vay của các app… Chỉ cần nợ xấu lớn, các công ty P2P Lending sẽ phải ôm nợ gánh khoản lãi 18 - 20%/năm và khi nhà đầu tư rút tiền, không có người cho vay mới, các app sẽ mất khả năng thanh toán.
Sự kiện VO247 và Fiin Credit – 2 công ty P2P Lending tại thị trường Việt Nam “cạn” thanh khoản, ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền là tiếng chuông cảnh báo.
Sau VO247, tới Fiin Credit mất thanh khoản, thêm câu hỏi về mô hình app cho vay P2P
Nhận tiền gửi trả lãi suất cao
Một sản phẩm khác mà Buff đang cung cấp là sản phẩm tích luỹ. Đây cũng là một trong các ứng dụng sớm mạnh tay nâng lãi suất để thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư. Ngay từ tháng 9/2022, khi lãi suất chớm có dấu hiệu nóng lên, ứng dụng đầu tư này đã thông báo nâng lãi suất các kỳ hạn tiền gửi tích luỹ.
Đến ngày 25/10/2022, sau công bố nâng lãi suất điều hành mới của Ngân hàng Nhà nước, Buff cũng chào mức lãi suất cao hơn với tất cả các gói tích luỹ mà ứng dụng cung cấp. Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất Buff công bố là 7%/năm, tích luỹ tối thiểu từ 100.000 đồng, khách hàng rút trước hạn vẫn được nhận lãi suất. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh lên 10%/năm, tích luỹ tối thiểu 200.000 đồng. Gói không kỳ hạn tăng lãi suất lên 5,75%/năm, tích luỹ tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 3 tỷ đồng.
Buff hiện đang cung cấp 2 gói tích luỹ: Tích lũy linh hoạt (B-Flex) - gói không kỳ hạn, cho phép người dùng rút tiền bất kỳ lúc nào mà vẫn được hưởng trọn lãi suất và tích luỹ kỳ hạn cố định B - Long từ 1 - 18 tháng.
Có thể thấy, Công ty đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao hơn nhiều so với ngân hàng truyền thống. Cụ thể, theo Quyết định số 2173/QĐ-NHNN ban hành ngày 28/10/2014 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tối đa là 1%/năm và hiện tại, mức lãi suất đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến là 0,1 - 0,2%/năm với gửi tiết kiệm tại quầy và 0,2 - 0,25%/năm với gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất cao nhất với kỳ hạn này đang được áp dụng cũng chỉ là 0,5-1%/năm.
Theo giới thiệu từ Buff, B-Long là sản phẩm được đội ngũ phát triển và chuyên gia tài chính của BUFF kết hợp với các đơn vị quản lý đầu tư cho ra đời. Sản phẩm được cấu thành chủ yếu từ công cụ nợ doanh nghiệp do SSI, Mirae Asset, Tân Việt… tư vấn phát hành, sản phẩm hỗ trợ lãi suất của VNDIRECT và chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi của MBBank. Tiền tích lũy của người dùng sẽ được quản lý bởi Công ty Quản lý quỹ Tân Việt (TVFM).
Ứng dụng đầu tư cũng đua lãi suất
Việc nạp tiền gửi tiết kiệm vào các ứng dụng đầu tư như, Buff... khá đơn giản, với vài thao tác. Khi gửi tiền, người dùng không nhận về sổ tiết kiệm hay các giấy tờ chứng nhận gửi tiền tiết kiệm. Các giao dịch giữa người dùng và các ứng dụng đầu tư này được thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Theo đó, tiền gửi của nhà đầu tư sẽ được ứng dụng đầu tư ủy quyền cho các công ty đứng sau/bên thứ ba đầu tư với hy vọng kiếm được lợi nhuận cao hơn lãi suất hứa hẹn trả cho nhà đầu tư. Đây có thể xem là hình thức huy động vốn tự do của các ứng dụng đầu tư và các công ty tài chính.
Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư về việc một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được cơ quan này cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trong danh sách này, ứng dụng Buff cũng được nhắc tên.