Ngày 10-12, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản (Tổ 970) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức "Diễn đàn Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc" trong bối cảnh Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam sang nước này.
Doanh nghiệp Việt chưa "nhập gia tùy tục"
Theo thống kê, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 11-2022 đạt 338 triệu USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 29,1% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt gần 3,1 tỉ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ 2021. Riêng thị trường Trung Quốc, 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 1,2 tỉ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
TS Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, thông tin tính đến nay, Việt Nam có 5 sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang. Đồng thời, có 7 mặt hàng trái cây xuất khẩu dạng truyền thống được cho phép là: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít. Ngoài ra, Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời chanh leo và ớt tươi sang thị trường láng giềng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường như: bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh...
Mặt hàng sầu riêng được kỳ vọng đem lại nguồn thu hàng tỉ USD cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
"Trung Quốc yêu cầu các vùng trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), phải giám sát vi sinh vật gây hại; các cơ sở đóng gói cần thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Thông tin vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký... phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa trên bao bì thùng hàng. Lô hàng nếu vi phạm sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại tùy mức độ. Vi phạm phổ biến gồm: thiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, thông tin trên bao bì không đúng, còn rệp, đất trên sản phẩm. Ngoài ra, phía Trung Quốc có thể cập nhật, bổ sung danh mục yêu cầu nếu phát hiện nguy cơ mới" - bà Phan Thị Thu Hiền lưu ý.
Theo ThS Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, vùng trồng diện tích 10 ha trở lên mới được cấp mã vùng trồng trong khi diện tích sản xuất của mỗi nông hộ thường nhỏ. Do đó, một mã vùng trồng thường bao gồm 10-30 nông hộ, thậm chí có trường hợp lên đến 90 nông hộ, nên việc hướng dẫn, tổ chức sản xuất theo quy trình là thách thức không nhỏ.
Đại diện Hội Doanh nghiệp (DN) Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc nhận xét DN Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc, vẫn bán những gì DN có mà chưa "nhập gia tùy tục". "Trung Quốc có yêu cầu rất cao về mẫu mã, có thể số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Ngoài việc tập trung chú trọng cải tiến mẫu mã, DN Việt cần lưu ý số lượng sản phẩm trong mỗi hộp quà được người Trung Quốc ưa thích là 2, 6, 8. Với riêng sản phẩm yến sào, khách hàng thường là người giàu nên rất quan tâm đến thương hiệu" - vị đại diện hiệp hội này nêu kinh nghiệm.
Nhiều chuyên gia lưu ý DN không nên mang sản phẩm có sẵn đi hội chợ và bán trực tiếp tại đó vì rất dễ mất thương hiệu. Việc đầu tiên DN cần làm là đăng ký bảo hộ logo, nhãn hiệu; sau đó tìm nhà phân phối uy tín để đồng hành, phát triển thương hiệu thay vì chỉ buôn chuyến.
Ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội DN Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) - nhấn mạnh Trung Quốc là nước nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới và là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê năm 2021 cho thấy kênh bán lẻ truyền thống chiếm thị phần lớn nhất, 78%, trong thị trường bán lẻ trái cây ở Trung Quốc. Trong khi đó, bán lẻ trực tuyến chiếm 22% thị phần và dự báo đạt quy mô 33,5% vào năm 2026. "Chúng tôi đề nghị phía Việt Nam tăng cường hợp tác với chúng tôi trong bán hàng trực tuyến trái cây. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam có thể thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt tại Trung Quốc. Từ đây cũng góp phần cung cấp cho người tiêu dùng Trung Quốc thêm kênh mua sắm thuận tiện với ít khâu trung gian hơn" - ông Bob Wang nói.
Sầu riêng có ưu thế lớn
Trái sầu riêng là mặt hàng nông sản được đặc biệt quan tâm bởi đem lại giá trị cao khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dẫn số liệu cho thấy xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 300 triệu USD chỉ trong 2 tháng sau khi mặt hàng này được Trung Quốc mở cửa. Như vậy, không khó để thu về 1-2 tỉ USD/năm từ xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tiềm năng này. "Lợi thế của sầu riêng Việt Nam là trồng rải vụ, thu hoạch quanh năm trong khi sầu riêng Thái Lan chỉ có một mùa. Nhiều đoàn khách Thái Lan đã đến vùng trồng sầu riêng Việt Nam để tham quan, điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ lộ thông tin về kỹ thuật trồng rải vụ. Cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN và nông dân trong việc bảo vệ kỹ thuật, thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam, tránh bài học mất thị trường xuất khẩu trái thanh long ruột trắng" - ông Tùng nói.
Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), sau chuyến thăm vùng trồng sầu riêng Thái Lan mới đây, ông nhận thấy kỹ thuật canh tác của Thái Lan chưa bằng Việt Nam nhưng khâu thương mại tốt hơn. "Họ đang tìm kỹ thuật trồng sầu riêng rải vụ để cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam. Chúng ta nên giữ bí kíp trồng sầu riêng rải vụ để giữ lợi thế" - ông Huy góp ý thêm.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, kiến nghị các cơ quan chức năng sớm đàm phán mở cửa thêm cho mặt hàng sầu riêng cấp đông xuất khẩu sang Trung Quốc để đa dạng hóa mặt hàng. Ngoài ra, nên chấn chỉnh tình trạng một số địa phương ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho DN địa phương mình bởi cần có vùng nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành để có sản phẩm quanh năm.
Dự báo xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng 20%-30%
Ông Nguyễn Đình Tùng dự báo với việc Trung Quốc mở cửa thêm cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như sầu riêng, khoai lang, chanh leo..., kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc có thể tăng 20%-30%. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng thực tế còn phụ thuộc vào chính sách phòng chống COVID-19 của Trung Quốc. Mặt khác, chuỗi ngành hàng rau quả Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định, kiểm soát chặt chất lượng, không để xảy ra gian lận bởi có thể mất thị trường bất cứ lúc nào.
"DN xuất khẩu Việt Nam phải tìm kiếm đối tác có tiềm lực, đầu tư cho thị trường Trung Quốc một cách bài bản, dài hạn, tránh tình trạng "ăn xổi" bởi thị trường này ngày càng yêu cầu cao" - ông Tùng khuyến cáo.
Xem thêm: mth.77933102201212202-couq-gnurt-gnas-taux-auc-gnor-teiv-nas-gnon/et-hnik/nv.moc.dln