Vietnam Airlines mở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc sau 3 năm gián đoạn
Chuyến bay VN 502 khởi hành từ TP. HCM đi Quảng Châu lúc 9h55 ngày 9/12/2022 đánh dấu chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần 3 năm dừng bay vì đại dịch bùng phát.
Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế |
Với việc nối lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế của Hãng lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch.
Đối với thủ tục nhập cảnh, hành khách cần chủ động tham khảo các quy định được thông báo chính thức bởi Đại sứ quán Trung Quốc để đảm bảo các giấy tờ, thủ tục cần thiết gồm xét nghiệm PCR 48 tiếng trước giờ bay, khai báo lấy Mã sức khỏe và tuân thủ nghiêm quy định đeo khẩu trang N95 khi nhập cảnh, cách ly theo quy định của nhà chức trách.
Thời gian mở bán và khởi hành các chuyến bay tới Trung Quốc áp dụng từ nay đến 26/3/2023.
VinFast chính thức nộp hồ sơ IPO tại Mỹ
VinFast dự kiến lấy mã VFS khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, nhưng vẫn chưa xác định số lượng và khoảng giá chào bán.
Thông tin nộp hồ sơ IPO được công bố sau sự kiện VinFast lần đầu xuất khẩu lô 999 xe điện đầu tiên ra thế giới |
Ngày 7/12, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).
Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.
Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, Credit Suisse Securities (USA) LLC và J.P. Morgan Securities LLC sẽ đóng vai trò ngân hàng dựng sổ chính, kiêm đại diện của các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán được đề xuất.
Trong khi BNP Paribas Securities Corp., HSBC Securities (USA) Inc., RBC Capital Markets, LLC và Wolfe/Liên minh Nomura cũng sẽ là các bên đồng dựng sổ. Robert W. Baird & Co. Incorporated sẽ đóng vai trò đồng quản lý.
Việc chào bán chỉ được thực hiện bằng một bản cáo bạch. Bản sao của bản cáo bạch dự thảo có thể được thu thập từ SEC và Citigroup.
Phía công ty nói thêm thông tin đăng ký liên quan đến các chứng khoán này đã được nộp cho SEC nhưng vẫn chưa có hiệu lực. Những chứng khoán này không được bán, cũng như không được chấp nhận đề nghị mua trước thời điểm tuyên bố đăng ký có hiệu lực.
Hiện VinFast Singapore do Vingroup sở hữu 51,52% vốn và là công ty sở hữu trực tiếp 99,9% vốn tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam). Số vốn này được Tập đoàn Vingroup chuyển sang cho VinFast Singapore từ tháng 12/2021 nhằm thuận tiện cho việc IPO.
Vingroup cho biết, việc IPO tại Mỹ là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty.
Thông tin nộp hồ sơ IPO được công bố sau sự kiện VinFast lần đầu xuất khẩu lô 999 xe điện đầu tiên ra thế giới, mà đích đến là thị trường Mỹ.
Đây là lô xe 999 chiếc VF8, nằm trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF8 và VF9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.
Công ty sản xuất xe điện cũng đang mở rộng hệ thống kinh doanh với việc 2 cửa hàng đầu tiên tại thành phố Cologne (Đức) và Paris (Pháp), điểm khởi đầu trong mạng lưới hơn 50 cửa hàng trên khắp châu Âu của hãng.
Lộc Trời chơi với Lộc Nhân, mở rộng dòng chảy của nguồn cung nông sản
Tập đoàn Lộc Trời chính thức công bố Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA), một thành viên của Tập đoàn Lộc Trời, chính thức trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Lương thực Lộc Nhân (LNG).
Sự kết hợp giữa LTA và LNG nâng năng lực hoạt động của LTA từ 5 thành 8 nhà máy với công suất sấy lúa tươi |
Sự kết hợp giữa LTA và LNG sẽ nâng năng lực hoạt động của LTA từ 5 thành 8 nhà máy với công suất sấy lúa tươi đạt 12.000 tấn/ngày, lưu kho, xay xát lúa và cung cấp 6.000 tấn gạo mỗi ngày, tương ứng với 2 triệu tấn gạo/năm.
Với năng lực này, Lộc Trời tự tin có thể đáp ứng được bất cứ một đơn hàng nào.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết: “Đây là thời điểm thuận lợi để LTA trở thành cổ đông chiến lược của Lộc Nhân nhằm khơi thông và mở rộng dòng chảy của nguồn cung nông sản. Thực tế cho thấy giữa Lộc Trời và Lộc Nhân có nhiều mối tương đồng và gắn kết, đồng lòng với định hướng bền vững trong việc phát triển mở rộng và gia tăng giá trị chuỗi sản xuất cung ứng lúa gạo. Chúng tôi cùng hướng đến mục tiêu tăng hiệu quả sản xuất, chia sẻ lợi ích với bà con nông dân đồng hành tin tưởng Lộc Trời, đóng góp nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, một trong những lĩnh vực rất quan trọng với Việt Nam, phục vụ sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội”.
Để khởi đầu cho hoạt động chung giữa LTA và Lộc Nhân, cũng trong sự kiện này, CTCP Lương thực Lộc Nhân đã ký kết hợp tác cung ứng 500. 000 tấn gạo trong năm 2023 với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), trị giá ước tính 5.000 tỷ đồng.
Petrovietnam ghi kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế
Đến ngày 16/11/2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã hoàn thành vượt kế hoạch công tác phát triển mỏ cả năm, đưa 05 mỏ/công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 01 công trình so với kế hoạch năm của Tập đoàn.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 4 tháng, |
Các công trình được đưa vào khai thác sớm từ 15 ngày - 2 tháng, góp phần tích cực gia tăng sản lượng, đảm bảo duy trì ổn định khai thác từ các mỏ của Tập đoàn trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
Khai thác dầu thô đã đạt 8,74 triệu tấn đặt ra cho năm 2022 vào ngày 20/10. Tính chung 11 tháng, khai thác dầu thô đạt 9,91 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch năm, tương đương với mức thực hiện cùng kỳ năm trước (9,97 triệu tấn).
Sản lượng khí, điện, đạm, xăng dầu và các sản phẩm khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng sản xuất đạt mức cao là động lực quan trọng tạo kết quả tài chính rất khả quan của Petrovietnam trong năm 2022 với tổng doanh thu toàn Tập đoàn và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay (kể cả những năm trước đây giá dầu cao hơn rất nhiều so với mức bình quân của năm 2022).
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 4 tháng, trong 11 tháng ước đạt 854.000 tỷ đồng, xác lập kỷ lục mới kể từ khi thành lập Tập đoàn. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2022 trước 6 tháng, tính chung 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 134.500 tỷ đồng.
Các mặt công tác khác đều được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật. Các chuỗi liên kết ngày càng phát huy hiệu quả, các đơn vị của Tập đoàn đã tập trung triển khai/tìm kiếm và tăng cường trao đổi về các hình thức hợp tác liên kết nhằm nâng cao giá trị sử dụng nguồn lực, tài sản sẵn có góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Nhân sự mới của Nam Á Bank và LienVietPostBank
Ông Trần Ngô Phúc Vũ được bầu làm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank |
ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 đã bầu chọn 6 nhân sự tham gia HĐQT và 3 nhân sự tham gia BKS Nam A Bank nhiệm kỳ VIII (2021-2026) sau khi các ứng viên nhận được sự phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trần Ngô Phúc Vũ được bầu làm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank. Ông Trần Ngô Phúc Vũ có gần 30 năm kinh nghiệm tại các tổ chức tài chính, ngân hàng ở Việt Nam.
Tại Nam A Bank, ông Vũ đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch thường trực từ năm 2019, trước đó ông từng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.
Ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch LienVietPostBank
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HOSE: LPB), sau cuộc họp định kỳ HĐQT tháng 12/2022, Ngân hàng này đã chính thức có Chủ tịch mới là ông Nguyễn Đức Thụy.
Ông Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank kể từ ngày 09/12/2022 thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy (sinh năm 1966) xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank kể từ ngày 09/12/2022 thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy (sinh năm 1966) xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. |
Ông Nguyễn Đức Thụy sinh năm 1976, tốt nghiệp trường Đại học Bang Colorado (Colorado State University – Hoa Kỳ). Trước khi gia nhập ngành ngân hàng với cương vị Phó Chủ tịch LienVietPostBank hồi tháng 5/2021, ông Nguyễn Đức Thụy từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính – chứng khoán đến thể thao, xi măng, năng lượng…
Cụ thể, từ năm 2006, ông đã là Chủ tịch HĐQT Xuân Thành Group. Năm 2011, ông là Chủ tịch CLB Bóng đá Sài Gòn Xuân Thành và Chủ tịch Công ty Chứng khoán Xuân Thành. Năm 2012, 2013, ông Thụy tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Xuân Thành Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Xuân Thành Quảng Nam.
Trong năm 2016, ông Nguyễn Đức Thụy ghi dấu ấn với việc tiếp quản CTCP Kim Liên – đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên với cương vị Chủ tịch HĐQT. Năm 2017, 2018, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Điện Mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận, Điện Mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk. Năm 2019, ông là Chủ tịch Tập đoàn Thaiholdings.
Việc ông Nguyễn Đức Thụy trở thành Chủ tịch LienVietPostBank thời điểm này có vẻ bất ngờ nhưng nếu lật lại thời điểm hồi tháng 4/2021 khi thị trường xuất hiện thông tin ông Thụy gia nhập Ngân hàng thì những phỏng đoán về vai trò của ông Thụy tại LienVietPostBank đã được đưa ra.
Do đó, với những người quan tâm đến chuyển động của LienVietPostBank, việc HĐQT Ngân hàng này bầu ông Thụy vào cương vị Chủ tịch là hoàn toàn có thể dự đoán được. Trên thực tế, với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm tích luỹ từ quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, trong gần 2 năm ông Nguyễn Đức Thụy làm Phó Chủ tịch LienVietPostBank, Ngân hàng đã có những bước phát triển mạnh mẽ.