Ngoài cảm giác khó chịu, đầy hơi còn có thể khiến bụng to hơn hoặc cứng. Những người bị sỏi mật, thoát vị bẹn, xơ nang, bệnh thần kinh ngoại vi, đến kỳ kinh nguyệt, bệnh thần kinh ngoại vi, rối loạn lo âu hay hoảng sợ có thể cùng lúc xuất hiện triệu chứng đầy hơi và khó thở, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Nếu đầy hơi, khó thở kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, đau bụng dữ dội, phân có máu thì cần phải đến bệnh viện ngay SHUTTERSTOCK |
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị đầy hơi kèm theo khó thở là do gặp vấn đề với cơ hoành. Cơ hoành là cơ hình vòm, ngăn giữa lồng ngực và ổ bụng. Chúng sẽ di chuyển lên xuống cùng nhịp với động tác hít vào và thở ra.
Khi chúng ta đầy hơi, bụng trương căng sẽ gây áp lực lên cơ hoành, làm hạn chế khả năng di chuyển của cơ khi hít thở. Hệ quả là gây cảm giác khó thở.
Tương tự, ăn quá nhiều cũng có thể gây sức ép lên cơ hoành và gây khó thở. Một số món ăn như đậu, đồ uống có gas có thể gây tích tụ khí trong đường ruột, từ đó tạo sức ép lên cơ hoành. Phụ nữ mang thai cũng có thể gặp tình trạng đầy hơi, khó thở khi thai nhi lớn hơn và chèn ép cơ hoành.
Tuy nhiên, những nguyên nhân gây đầy hơi, khó thở này đều không đáng lo ngại. Mọi người chỉ nên tìm đến bác sĩ khi 2 tình trạng này kéo dài lâu hơn 1 ngày.
Trong trường hợp đầy hơi, khó thở kèm theo một số triệu chứng như nôn mửa kéo dài hơn 24 giờ, đau dạ dày dữ dội, đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ do mất kiểm soát hoạt động ruột hoặc bàng quang, đi phân sẫm màu hoặc có máu thì phải đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Với những người thường xuyên bị đầy hơi thì họ cần tăng cường tập luyện thể thao, thực hiện các bài tập thở bằng cơ hoành, sử dụng thuốc nhuận tràng loại nhẹ hoặc dầu bạc hạ. Những cách này có thể cải thiện đầy hơi, theo Medical News Today.