Án Tây:
Cụ bà 72 tuổi bị bắt vì cố gắng ngộ sát
AP hôm 1/12 đưa tin cụ bà 72 tuổi ở Tp.Mannheim, tây nam Đức, bị bắt vì nghi ngờ mắc tội cố gắng ngộ sát. Cảnh sát và công tố viên Mannheim cho biết hôm 29/11, sau khi bị phát hiện ngắt máy thở của bạn cùng phòng bệnh lần đầu tiên, cụ bà này đã được giải thích chiếc máy thở vô cùng quan trọng với bệnh nhân, song cụ vẫn tiếp tục ngắt máy vào buổi tối.
Văn phòng công tố Mannheim ra thông cáo cho biết cụ bà làm vậy vì "cảm thấy phiền phức với tiếng ồn phát ra từ chiếc máy".
Tuy cụ bà 79 tuổi bị rút máy thở không gặp nguy hiểm tính mạng, song vẫn phải vào phòng chăm sóc tích cực.
Cụ bà 72 tuổi trình diện thẩm phán hôm 30/11 và bị bắt giam. Các cuộc điều tra đang tiếp tục được thực hiện.
Hồi tháng 12/2020, bệnh nhân Jesse Martinez ở Mỹ bị buộc tội giết người sau khi dùng bình oxy đánh chết cụ ông 82 tuổi cùng phòng bệnh ở California. Cảnh sát cho biết Martinez trở nên tức giận khi thấy cụ ông bắt đầu cầu nguyện.
Luật Ta:
Ngắt máy thở của người khác là hành vi cố ý giết người
Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam quy định công dân có quyền được sống. Bất cứ ai xâm phạm đến quyền này đều bị xử lý nghiêm.
Vì vậy, trong trường hợp xảy ra với cụ bà 72 tuổi ở Đức, nếu cơ quan điều tra làm rõ và xét thấy hành vi trên cấu thành tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì sẽ tiến hành khởi tố vụ án.
Mặc dù hiện nay pháp luật hình sự không định nghĩa cụ thể thế nào là giết người, nhưng theo khoa học hình sự thì giết người là hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái phép. Như vậy, muốn biết hành vi của cụ bà 72 tuổi có dấu hiệu phạm tội Giết người hay không thì phải làm rõ hành vi ngắt máy thở của cụ bà này có phải là hành vi trái pháp luật không?.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trường hợp nữ bệnh nhân 72 tuổi tự ý ngắt máy thở của bệnh nhân 79 tuổi khi người này đang còn sống là hành vi cố ý giết người.
Thông thường, giết người thường được thể hiện bằng những hành động như đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống…Nhưng trong trường hợp này, nạn nhân đang phải thở máy và việc cụ bà 72 tuổi ngắt máy thở dẫn đến việc nạn nhân nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Rõ ràng việc bệnh nhân không chết nằm ngoài ý muốn của cụ bà 72 tuổi.
Lưu ý là lúc bị ngắt máy thở thì nạn nhân phải là người còn sống, vì tội Giết người là tội xâm phạm đến tính mạng con người. Nếu nạn nhân đã chết thì mọi hành vi xâm phạm đến xác chết đó lại không phải là hành vi giết người.
Điều đáng nói là trước khi có hành vi ngắt máy thở của bệnh nhân cùng phòng, cụ bà này nhận thức rõ hậu quả của hành động của mình là có thể khiến cụ bà 79 tuổi chết nhưng vẫn bỏ mặc.
Có thể thấy hành vi ngắt máy thở của bệnh nhân cùng phòng của cụ bà 72 tuổi chỉ vì máy quá ồn là điều không thể chấp nhận được. Hành vi này thể hiện tính ích kỷ, coi thường tính mạng của người khác.
Theo các quy định hiện hành thì ngay cả nhân viên y tế cũng không được phép tự ý rút hoặc ngắt ống thở bệnh nhân khi đang được điều trị cho dù bất kỳ lý do nào. Kể cả việc quyết định rút ống thở cho bệnh nhân đang điều trị thở máy trong trường hợp cai máy thở cũng phải được đảm bảo thực hiện theo quy trình, theo y lệnh của người có trách nhiệm.
Về hình phạt, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định rõ: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.
Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Chiếu theo quy định trên, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, cụ bà 72 tuổi sẽ phải đối diện với mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù.
Căn cứ thông tin điều tra của cơ quan công an, Tòa án sẽ xem xét tất cả các tình tiết và đưa ra phán quyết cuối cùng đối với người bị kết luận là có hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, trước khi lượng hình, cũng cần xét đến tình trạng sức khỏe và tinh thần của cụ bà 72 tuổi trong hoàn cảnh thực tế.
Ánh Dương (Thực hiện)