Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ tại buổi họp báo - Ảnh: VPQH
Ông Vinh cho biết khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại buổi họp báo sáng 12-12 về Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức cả ngày 17-12 tới đây tại TP Bắc Ninh.
Như vậy, trong gần một tháng, liên tiếp hai hội thảo lớn về văn hóa được tổ chức cho thấy sự quyết tâm vực dậy văn hóa trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là từ các cơ quan trung ương.
Giải thích về việc tổ chức hội thảo văn hóa lớn ngay sau hội thảo của Ban Tuyên giáo Trung ương vừa diễn ra cuối tháng 11, ông Nguyễn Đắc Vinh nói do "văn hóa phải bàn nhiều, đây là một vấn đề rất lớn, rất khó, xã hội càng phát triển thì càng tiếp tục phải bàn, thảo luận các chính sách mới để theo kịp cuộc sống".
Nếu như hội thảo của Ban Tuyên giáo Trung ương hồi cuối tháng 11 tập trung vào xây dựng hệ giá trị Việt Nam - một đòi hỏi cấp thiết, thì hội thảo ngày 17-12 tới do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa, vừa cố gắng đưa ra các chiến lược dài hạn vừa giải quyết các vấn đề cụ thể, đưa ra các quyết sách đúng cho phát triển văn hóa.
Tính thực tế của hội thảo rất cao khi mời cả những cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, các nghệ sĩ trực tiếp làm văn hóa, các doanh nghiệp làm văn hóa và các cơ quan xây dựng chính sách. Các kiến nghị tại hội thảo sẽ được chuyển tới các cơ quan phụ trách để đi vào cuộc sống "càng nhanh càng tốt".
Ban tổ chức hy vọng hội thảo sẽ góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Lắng nghe tiếng nói từ người trực tiếp làm văn hóa và lãnh đạo địa phương
Theo đại diện ban tổ chức, hơn 800 đại biểu tham dự hội thảo tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và trực tuyến tại một số điểm cầu và qua nền tảng Internet.
Các đại biểu tham dự gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố, các bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.
Tại hội thảo, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với ba nhóm nội dung chính: thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa.
Ông Vinh cho biết hội thảo thu được 105 bài tham luận chất lượng. Trong đó có những bài tham luận rất tâm huyết từ những bộ trưởng không thuộc lĩnh vực văn hóa và của những người trực tiếp làm văn hóa, các nghệ sĩ…
TTO - Dẫn ra những ví dụ như y tế kinh doanh trên tính mạng con người, giáo dục buôn bán giáo dục con người, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng các hệ giá trị nếu không làm nhanh thì rất nguy cấp.