Đầu WTI đã tăng lên 72 USD/thùng sau khi giảm 11% vào tuần trước trong bối cảnh TC Energy Corp. đang nỗ lực mở lại đường ống Keystone, nối các mỏ dầu ở Canada với các nhà máy lọc dầu tại Bờ Vịnh, Mỹ. Tuy nhiên, ngày khởi động lại dự án vẫn chưa được ấn định.
Trong khi đó, một vấn đề khác tiếp tục khiến giá dầu tăng cao chính là việc Trung Quốc đang nới lỏng chính sách phòng dịch của mình, ngay cả khi số ca mắc tiếp tục tăng cao. Chính sự trở lại của Trung Quốc mang tới triển vọng phục hồi nhu cầu với dầu ở quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới.
Sự trở lại của Trung Quốc giúp bù đắp những quan ngại từ nền kinh tế Mỹ, khi nhiều người lo sợ rằng quốc gia này có khả năng rơi vào suy thoái sau khi FED tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm ngăn chặn lạm phát kỷ lục.
Tuy nhiên, dầu thô vẫn đang trên đà giảm quý thứ 2 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2019. Các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc hậu quả từ việc Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga, tương tự như G7 đã làm. Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Putin cho biết nước này có thể đưa ra các động thái đáp trả trong những ngày tới.
Charu Chanana, chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets Pte ở Singapore, cho biết nguy cơ Nga cắt giảm sản lượng sẽ bổ sung thêm vấn đề với nguồn cung dầu, khiến năm 2023 trở nên vô cùng khó đoán. Lo ngại nguồn cung có thể khiến giá dầu tăng cao, bất chấp ngay cả khi nhu cầu thấp hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, một trong những kiến trúc sư trưởng của kế hoạch áp giá trần dầu thô Nga, cho biết kết quả hiện “đang rất tốt”. Tuy nhiên, tại Trung Đông, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng những tác động từ việc phương Tây áp giá trần với dầu Nga hiện vẫn chưa chắc chắn.
Tham khảo: CNBC