TP.HCM hiện tạm dừng thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch ở Thủ Thiêm (nguồn vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng) do ưu tiên cho các hoạt động an sinh xã hội và phục hồi kinh tế - Ảnh: T.T.D.
Nông thôn là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống nhưng lại đang chịu nhiều "tổn thương", với nhiều bi kịch về đạo đức.
Ngày 17-12 tại TP Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT&DL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo văn hóa 2022 mang chủ đề trên.
Tuổi Trẻ trò chuyện với ông Nguyễn Đắc Vinh - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Nông thôn là nơi gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giữ kho tàng văn hóa lớn. Nhưng hiện nay nó đang chịu sự thay đổi, biến động lớn do quá trình đô thị hóa nhanh. Quan tâm văn hóa nông thôn có nghĩa bảo tồn nhiều giá trị văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Đắc Vinh (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)
Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4 là về văn hóa
* Hội thảo hôm tới sẽ bàn những vấn đề gì, thưa ông?
- Với đặc thù là Quốc hội tổ chức nên hội thảo sẽ tập trung vào bàn thảo ba nội hàm lớn đó là thể chế, chính sách và nguồn lực cho văn hóa.
Về thể chế, các quy định của pháp luật phải được hoàn thiện tốt để mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển. Hai chính sách cho phát triển văn hóa đã đủ chưa, cần sửa cái gì và thêm luật nào, nghị định gì.
Cuối cùng là chuyện nguồn lực cho phát triển văn hóa, bao gồm cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.
Phải làm sao để nguồn lực nhà nước được sử dụng hiệu quả và có thêm hành lang pháp lý tốt để khơi thông thêm nguồn lực xã hội, thu hút sự quan tâm đầu tư của xã hội vào văn hóa.
Vừa qua, Ban chấp hành trung ương đã có định hướng, Chính phủ đã đề xuất, Quốc hội đồng ý chủ trương xây dựng Chương trình mục tiêu về văn hóa và nó đã được ghi trong nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp vừa rồi.
Vì vậy những nội dung có sự đồng thuận cao từ hội thảo sẽ được cơ quan chuyên môn đưa vào nội hàm chương trình mục tiêu quốc gia.
* Ông đánh giá thế nào về việc Đảng, Chính phủ quyết định xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong bối cảnh các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ còn thu hẹp lại 3 chương trình?
- Thực ra thì giai đoạn 2001-2015 đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa rồi. Giai đoạn đó chương trình đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển văn hóa như di tích được tu bổ, đầu tư xây mới các thiết chế văn hóa như nhà hát, bảo tàng, nhà văn hóa... Văn hóa đã được thụ hưởng nhiều từ chương trình này.
Từ 2016 đến nay không còn Chương trình mục tiêu về văn hóa nữa, sự đầu tư cho văn hóa có hạn chế, khó khăn hơn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, xác định nhiệm vụ chấn hưng văn hóa là hết sức quan trọng.
Với tầm quan trọng của văn hóa và yêu cầu thực tiễn bức thiết về phát triển văn hóa hiện nay thì Quốc hội, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4 là chương trình về văn hóa và coi đây là một việc lớn.
Ông Nguyễn Đắc Vinh
TP.HCM hiện rất thiếu các nhà hát tầm cỡ
* Đúng là làm sao để các nguồn lực đầu tư cho văn hóa vốn đã ít ỏi được sử dụng hiệu quả là một câu hỏi hóc búa lâu nay. Hội thảo sẽ bàn về khung chính sách để gỡ cái này?
- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đóng góp cho phát triển văn hóa ở nông thôn khá nhiều với các nhà văn hóa, sân vận động, nhà hát... được xây dựng ở vùng nông thôn.
Nhưng có thể thấy các thiết chế văn hóa thời xưa ở nông thôn như đình làng, nhà rông Tây Nguyên... cộng đồng dân cư tự làm và chúng được sử dụng hiệu quả hơn các nhà văn hóa thôn hiện nay chủ yếu phục vụ hội họp, tuyên truyền. Trong khi nhiều nơi vẫn hơi thiếu hạ tầng văn hóa, thì những nơi đã được đầu tư lại chưa phát huy được hiệu quả.
Chúng tôi sẽ cân nhắc đưa vào kết luận hội thảo chuyện hạ tầng, thiết chế văn hóa không chỉ ở nông thôn mà còn ở thành thị.
Như TP.HCM hiện nay rất thiếu các nhà hát tầm cỡ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của một thành phố năng động, hiện đại. Nếu chúng ta đã làm ra tiền mà không đầu tư cho văn hóa thì không khác một người đi khập khiễng, giàu nhưng không sang.
Chúng ta chú trọng bảo tồn di sản văn hóa của cha ông nhưng đồng thời cũng phải hướng tới xây dựng được công trình văn hóa tầm cỡ của thời đại mình để lại cho mai sau.
Giai đoạn này nước ta đã vượt qua ngưỡng thu nhập thấp, thành nước thu nhập trung bình, phát triển năng động rồi thì phải phát triển bền vững.
Đến lúc chúng ta phải nuôi khát vọng xây dựng được những công trình giá trị, để đời. Cho nên cùng lúc chúng ta phải bàn cả chuyện nguồn lực tài chính và con người.
* Hội thảo về văn hóa nhưng mời cả những bộ tưởng như không liên quan gì lắm tới văn hóa như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ NN&PTNT... Tôi thấy đây là một điểm rất thú vị.
- Lâu nay chúng ta thường coi văn hóa là chức trách, nhiệm vụ của Bộ VH-TT&DL thôi nhưng hiểu theo nghĩa rộng thì nó liên quan rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học, kinh tế... Chúng tôi cố gắng tạo ra cái nhìn toàn diện thì khi hoạch định chính sách sẽ toàn diện, đồng bộ hơn. Như thế mới phát huy được hiệu quả.
TTO - Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) như một chiếc áo gấm đang nằm yên ở Linh Trung, Thủ Đức.
Xem thêm: mth.91280428031212202-gnas-gnohk-gnuhn-uaig-ed-gnud-man-teiv-aoh-nav-ueihc-oh/nv.ertiout