Chợ ế ẩm thời điểm cuối năm
Ghi nhận của Tiền Phong ngày 6/12, khu vực kinh doanh thịt heo tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, Tp.HCM) hầu như chỉ có tiểu thương ngồi trước sạp, vắng hẳn khách mua.
Gần 30 năm buôn bán ở chợ, bà Dương Mai (sạp 574) cho biết, chưa lúc nào thời điểm cuối năm nhưng ế ẩm như giai đoạn này. Trước đây, mỗi ngày bà Mai bán tới 100kg thịt heo, còn hiện tại chỉ lấy khoảng 30kg, nhưng ngồi từ sáng tới trưa vẫn chưa hết.
“Sức mua quá yếu vì người dân thắt chặt chi tiêu, đời sống khó khăn nên họ giảm mua thịt. Chúng tôi lấy ít thịt lại, chỉ khi có khách đặt trước thì mình mới lấy, còn dư số lượng ít để dành bán lẻ nhưng cũng không ai mua”, bà Dương Mai cho biết.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại chợ Bình Tây, chợ sỉ cung cấp đồ khô, bánh mứt tết lớn nhất Tp.HCM
Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, giá cả hàng hóa thực phẩm tại chợ sỉ Bình Tây nhìn chung ổn định so với năm trước, các loại thực phẩm phục vụ cho ngày Tết như bánh mứt, đồ khô… rất đa dạng, phong phú. Các loại khô cá dứa, cá lóc, cá sặc… giá chỉ từ 250.000 - 350.000 đồng/kg. Các loại tôm khô, khô mực có giá bình quân khoảng 500.000 - 800.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, không khí mua bán khá vắng vẻ. Thậm chí, nhiều quầy sạp vẫn đóng cửa, thông báo sang nhượng cửa hàng ngay trong giai đoạn kinh doanh cao điểm.
Một số tiểu thương chia sẻ: “Dù biến động giá cả đầu vào khá cao nhưng các mặt hàng thực phẩm gần như vẫn giữ ổn định, không thay đổi so với thời điểm cận tết năm trước. Nhưng năm nay người mua rất ít, có khi cả ngày nay chưa bán được gì”.
Bà T.V., tiểu thương kinh doanh mặt hàng đồ khô tại chợ Bình Tây, chia sẻ: “Hôm nay cuối tuần, gần tết đến nơi mà chợ vắng lắm. Tiểu thương cũng đã dự đoán sức mua giảm nhưng nhìn cảnh này không khỏi lo lắng. Người bán còn nhiều hơn người mua. Hy vọng vài hôm nữa tình hình sẽ khá hơn, nhưng chắc chắn không bằng các năm trước, chỉ cần được 70 - 80% là mừng lắm rồi”.
Chị M.Tuyết, chủ một quầy đồ khô, nói: “Mọi năm thời điểm này đã vào vụ tết, bỏ hàng về các tỉnh và khách mua gửi đi nước ngoài rất nhiều. Nhưng năm nay vẫn còn rất chậm, nên giá cả ổn định như ngày thường”. Nhiều tiểu thương bán bánh kẹo cũng cho biết sức mua còn hạn chế.
Tại chợ Bà Chiểu, tình hình mua sắm trong những ngày cuối tuần cũng không mấy khả quan. Cô Tài, chủ sạp bánh mứt, cám cảnh: “Không biết người mua đi đâu hết. Hôm nay là cuối tuần mà khách còn vắng hơn cả ngày thường. Vài hôm nữa chưa biết sao chứ như hiện nay thì chúng tôi thấp thỏm ngủ không được. Bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào kinh doanh mùa tết mà ế ẩm thế này thì khả năng thua lỗ rất cao”.
Theo các tiểu thương, tình hình mua bán ế ẩm nên hầu hết các mặt hàng đều giảm giá hoặc giữ nguyên so với cùng thời điểm năm trước. “Đã ế ẩm như thế này mà còn tăng giá nữa thì ai mua!”, một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu nói.
Chợ sỉ ế, chợ lẻ cũng không khá hơn. Tại chợ Chim Xanh, một chợ nhỏ trên địa bàn quận 11 (Tp.HCM), đa số là người buôn bán nhỏ, nên tâm trạng người bán càng lo lắng khi người mua thưa vắng. Một tiểu thương bán thịt heo thấp thỏm: “Khách dạo này vắng lắm, chợ kinh doanh ế ẩm, người bán còn nhiều hơn người mua nữa”.
Sự thưa vắng còn lan cả vào các trung tâm thương mại. Mặc dù là ngày cuối tuần nhưng ở MM Mega Market, phường An Phú, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM), lượng khách khiêm tốn trong khi hàng hóa, thực phẩm rất phong phú, giá cả gần như không biến động nhiều. Đặc biệt, khu vực trưng bày hàng hóa tết đã có đầy đủ các loại bánh mứt, tuy nhiên chưa có nhiều khách chọn mua.
Giá thịt “tuột dốc”, trái cây, rau củ tăng giá
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, xác nhận, những tuần gần đây giá thịt heo tại chuồng trại đang giảm sâu. Giá thịt heo xuất chuồng từ 48.000-54.000 đồng/kg, còn heo công ty trung bình khoảng 58.000 đồng/kg.
Thông thường, trước Tết tầm khoảng 1,5 tháng, lượng tiêu thụ thịt heo rất cao vì đây là thời điểm các doanh nghiệp, cơ sở mua heo về để chế biến bán Tết, tuy nhiên năm nay gần như "đóng băng". Sức mua quyết định thị trường tiêu thụ và giá thành.
Hiện nguồn cung trong nước đang dư, các nguồn tiêu thụ đều giảm trên cả nước. Ví dụ như các bếp ăn tập thể, người lao động bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn nên thu nhập giảm, nhiều công ty xí nghiệp giảm giờ làm, thậm chí phải giảm bớt công nhân, do đó nhu cầu cũng giảm… Nếu tính bình quân giá heo hơi bán ra thị trường từ 50.000-52.000 đồng/kg, với tình trạng chi phí đầu vào tăng như hiện nay, giá heo hơi bán ra phải ở mức trên 60.000 đồng/kg thì người nuôi mới không bị lỗ.
Không chỉ giá heo hơi, giá gà công nghiệp cũng đang giảm do sức mua yếu. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết, thị trường về nhu cầu thịt gà đang xuống thấp.
“Nếu sức mua, lượng tiêu thụ thịt gà tăng thì giá cả sẽ tăng, nhưng hiện nay nhu cầu đang giảm sâu”, ông Quyết nói.
Lý giải nguyên nhân sức tiêu thụ thịt gà đang giảm dù ngay trong thời điểm cuối năm, dịp lễ Tết, ông Quyết cho rằng hiện nay công nhân thất nghiệp nhiều, công việc khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập nên người dân thắt chặt chi tiêu. Nhiều công ty giải thể, sa thải công nhân đúng ngay giai đoạn cao điểm cuối năm nên sức tiêu thụ nhiều mặt hàng càng thêm sụt giảm.
Trong khi các loại thực phẩm thịt có xu hướng giảm giá thì nhiều loại rau xanh, trái cây lại đang tăng nhẹ do năm nay mưa nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng.
Cụ thể như mận, xoài sống, ổi, chôm chôm… có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg tùy loại. Các loại cam, quýt, mãng cầu, vú sữa khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg. Những loại trái cây cao cấp thường dùng để chưng, cúng như bưởi da xanh, xoài Cát Hòa Lộc… từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, một đầu mối thu mua trái cây ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), cho biết: “Năm nay, trái cây xuất khẩu thuận lợi nên giá cả trong nước cũng tăng theo. Mức tăng bình quân khoảng 20 - 30% so với năm ngoái nên bà con nhà vườn cũng phấn khởi hơn. Tuy nhiên, so với thông lệ hằng năm thì hiện nay sức mua cũng còn chậm. Hy vọng khi sang tháng Chạp sức mua sẽ tăng thêm”.
Kỳ vọng vào sức mua dịp Tết
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương, cho biết Tp.HCM chuẩn bị lượng hàng tết năm nay tăng 15 - 30%; giá cả lương thực, thực phẩm sẽ tăng từ 2 - 4%. Cụ thể, nguồn hàng về Tp.HCM qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị khoảng 25 - 30%, còn lại qua các chành vựa, chợ đầu mối khoảng 70%, với khoảng 7.200 tấn lương thực thực phẩm mỗi đêm.
Tp.HCM đã huy động các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỉ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng tết. Theo đó, đã có khoảng 34.000 tấn hàng hóa được chuẩn bị cho người dân dịp tết, tập trung vào các loại như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến…
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền thông tin: “Hiện nay, các loại trái cây về chợ tương đối chậm lại hoặc giữ ổn định do nhiều chủ vườn đang dưỡng trái để phục vụ cho dịp tết. Còn khá sớm để nhận định tình hình tiêu thụ trái cây tại chợ nhưng dự đoán các loại trái để cúng tết như bưởi, xoài, cam canh, thanh long, táo ngoại nhập… sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm”.
Ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý chất lượng chợ đầu mối Hóc Môn, cũng kỳ vọng: “Do đặc thù của chợ là phân phối hàng thực phẩm tươi sống tiêu dùng hằng ngày nên các loại thực phẩm tết phải đợi gần đến sát thời điểm cuối năm mới có thể đánh giá được. Hiện nay, hàng hóa về chợ cũng bình ổn, giá cả chưa có sự thay đổi đột biến. Riêng mặt hàng củ kiệu thì đã bắt đầu có lượng hàng về nhiều và có nhu cầu tiêu thụ ở thời điểm hiện tại”.
Chia sẻ với Zing, ông Sameer Yadav, Giám đốc Marketing của Mondelez Kinh Đô cũng tỏ ra rất lạc quan với mùa Tết năm nay và cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư gấp đôi cho chiến dịch truyền thông dịp này.
"Ngay từ nhiều tháng trước, bộ phận kinh doanh của chúng tôi đã tích cực chuẩn bị cho việc đưa sản phẩm Tết có mặt ở tất cả kênh phân phối truyền thống với các hoạt động trang trí bắt mắt, cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử. Ước tính đã có gần 200.000 điểm bán hàng khắp cả nước sẵn sàng phục vụ mùa Tết 2023", ông Sameer Yadav nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi Winmart), cho biết để đáp ứng nhu cầu thị trường, Winmart đã mở rộng hệ thống ra khu vực nông thôn, có giải pháp để vận chuyển và các hoạt động logistics, giao hàng tập trung để giảm giá thành.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên toàn hệ thống", bà Phương thông tin với Tuổi Trẻ Online.
Còn với Saigon Co.op, đơn vị đã triển khai khuyến mại Tết ngay từ 8/12, đồng thời đưa lên kệ 40 mẫu giỏ quà Tết, trong đó có cả thực phẩm tươi sống như cá, cua, bào ngư, thịt bò, thịt heo, thịt gà, tôm, cua, cá, bào ngư... Ước tính năm nay hệ thống này tuyển 1.000-2.000 nhân sự thời vụ để phục vụ cao điểm Tết.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ BigC&Go, cũng cho biết sẽ tập trung nguồn hàng đa dạng với mức tăng trưởng cao so với năm ngoái với trên 20%. Trong đó, hàng hóa mang tính chất mùa vụ Tết sẽ tăng 20-30%. Cùng với những mặt hàng phi thực phẩm như gia dụng, dệt may được dự báo tăng tốt hơn năm trước, các mặt hàng thực phẩm Tết sẽ được hệ thống tập trung cung ứng trong hai tuần, gồm các sản phẩm như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, trái cây...
Cũng theo ông Phong, hệ thống này sẽ tung ra chương trình khuyến mãi từ 30-50% với hàng nghìn mặt hàng xuyên suốt trong dịp Tết, mở thêm thời gian bán hàng và nhân sự để phục vụ bà con mua sắm.
Minh Hoa (t/h)