Kênh dẫn vốn đang nghẽn
Là "mạch máu" của nền kinh tế, dòng vốn đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là khả năng tiếp cận vốn rất hạn hẹp. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, làm chậm tiến trình hồi phục, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tại toạ đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” sáng 13/12, chia sẻ về định hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn vay ngân hàng mà còn nhiều kênh khác.
Trong đó, quan trọng là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, thứ 2 là kênh trái phiếu doanh nghiệp có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng.
“Chúng ta cần nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này. Bởi các ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp vì tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp. Nguồn vốn tín dụng không thể được cấp phát như ngân sách”, ông Quang nói.
Hiện tổng vốn ngắn hạn của ngân hàng trên 80%, còn 20% là vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngân hàng đang cho vay 50% vốn trung và dài hạn cho tổng dư nợ, cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa huy động và cho vay, dẫn đến rủi ro rất lớn.
Cùng với đó, lãi suất ngắn hạn thay đổi liên tục trong khi trung hạn thì 1 năm mới đánh giá điều chỉnh một lần.
Theo ông Quang, Ngân hàng Nhà nước đưa ra rất nhiều quy định pháp luật nhằm giúp các tổ chức tín dụng dần nắn chỉnh hoạt động của mình là kênh cung cấp vốn lưu động cho nền kinh tế.
Ông cũng thừa nhận, kênh dẫn vốn và nguồn vốn đúng là “đang nghẽn”. “Với nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế là đầu tư công, những năm trở lại đây Chính phủ rất quyết liệt thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả giải ngân thấp nên sự lan toả ra nền kinh tế rất chậm, vòng quay tiền tệ của ngành ngân hàng từ đó cũng chậm theo”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhìn nhận.
“Đốt đuốc” tìm DN tốt để cấp tín dụng
Thực tế, từ đầu năm đến giờ kênh dẫn vốn quan trọng nhất là tín dụng ngân hàng khi mức tăng trưởng của kênh này hiện cao nhất từ đầu năm trở lại đây, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.
“Dù vậy vẫn chưa đủ”, ông Quang nói và nhấn mạnh, nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn và quan trọng hơn là ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là bảo đảm ổn định dòng tiền để ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát.
Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng Nhà nước, năm 2022, lạm phát về đích nhưng không thể dự đoán trước. Lạm phát lõi và lạm phát các yếu tố phi tiền tệ sẽ tác động đến vòng 2 của giá hàng hoá. Và hiện chưa có bóng dáng của lạm phát nhập khẩu đến lạm phát trong nước.
“Ngân hàng Nhà nước một mặt vẫn nới room tín dụng, đợt vừa rồi đã nới 1-2%, đến nay tăng trưởng tín dụng đạt trên 12%. Từ nay đến cuối năm, còn 3 tuần để ngành ngân hàng tiêu 300.000 - 400.000 tỷ đồng. Đây là một thách thức dù nhu cầu vốn rất lớn”, ông Quang nói.
Trong bối cảnh này, theo ông Quang, ngân hàng thương mại cũng phải “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay. Bởi thực tế là khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng, làm sao cho khoảng cách này được rút ngắn và giữa ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung.
“Ngành ngân hàng không thiếu vốn tín dụng, còn room tín dụng 3,5-4%, con số này trong 3 tuần cuối năm là cực kỳ nhiều”, ông Quang tiếp tục nhấn mạnh.
Vị Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, từ đó nguồn vốn tín dụng mới lan toả ra nền kinh tế.
“Các ngân hàng cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Tất nhiên doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được”, ông Quang cho hay.