Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nới room tín dụng. Đây là những thông tin tốt đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thay vì chỉ chờ đợi các giải pháp đến từ chính sách, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã chủ động tự tìm cách vượt qua khó khăn.
Chiết khấu, giảm giá, thậm chí là phải tìm doanh nghiệp mạnh hơn để bán lại dự án - đó là những cách mà các doanh nghiệp bất động sản, theo cách nói của các chuyên gia là phải tự "nhóm lửa trong băng" để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó , những phân khúc nhà ở cho người dân đô thị vẫn là điểm sáng trên thị trường hiện nay.
Giải pháp rõ ràng nhất đó là chiết khấu, thực chất là một hình thức giảm giá bán nhưng với điều kiện người mua phải trả một lúc gần hết tiền. Đơn cử, một số dự án đã mạnh tay chiết khấu 40% giá bán, khi người mua thanh toán vượt tiến độ 95%. Các hoạt động mua bán sáp nhập M&A cũng đang âm thầm diễn ra.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã chủ động tự tìm cách vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa.
Theo ghi nhận, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, một số dự án bất động sản đang triển khai và những người mua nhà đang có hợp đồng giải ngân dở dang đã nhanh chóng liên hệ với các ngân hàng thương mại, để có thể thực hiện nốt khoản vay.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay: "Giả định lượng vốn tín dụng hiện nay khoảng 20% dành cho bất động sản, thì trong hơn 200.000 tỷ đồng sẽ có 40.000 tỷ cho bất động sản. Nên nhớ trong 2013, chỉ có gói 30.000 tỷ cho thị trường, từ gói hỗ trợ đã giúp thị trường bứt phá".
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gần đây cho biết, thị trường đã có sự điều chỉnh về giá bán, song vẫn còn cao. Bởi vậy, ngoài các giải pháp tháo gỡ khó khăn chung, làm thế nào để người mua - người bán gặp nhau được về mức giá, tiến hành chốt giao dịch cũng là vấn đề quan trọng. Các chuyên gia nhận định làm được điều này sẽ khơi thông được bế tắc về thanh khoản của thị trường, bởi nhu cầu nhà ở thực hiện nay vẫn rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.93154505041212202-ohk-touv-gnab-gnort-aul-mohn-nas-gnod-tab-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv