Mới đây, ông Lê Viết Hải đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT Tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình để làm bước đệm cho ông Lê Viết Hiếu - con trai ông Hải lên nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Nhìn lại chặng đường 35 năm đồng hành cùng Xây dựng Hoà Bình, ông Lê Viết Hải đã đóng góp không ít vào sự tăng trưởng và lớn mạnh của Tập đoàn.
Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM với tấm bằng Kiến trúc sư danh giá, tới năm 1987 ông Lê Viết Hải đã cùng 5 kỹ sư và 20 người đồng hành thành lập nên Văn phòng Xây dựng Hoà Bình, công ty chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân.
Đến năm 1993 – 1997, ông Lê Viết Hải đã quyết định mở rộng đầu tư các xưởng sản xuất và thành lập lên 2 xưởng Mộc Hoà Bình và Sơn Hoà Bình, rồi từ đó liên tục đầu tư vào nhân lực cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật chất lượng cao để nâng cao tay nghề của thợ và tính chuyên nghiệp của công ty.
Đến ngày 1/12/2000, văn phòng Xây dựng Hòa Bình chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (sau này là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình) và cho đến năm 2006, Hoà Bình chính là nhà thầu xây dựng tổng hợp đầu tiên tại phía Nam “lên sàn” với mã chứng khoán HBC tại Sàn giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.
Mạch tăng trưởng đứt đoạn vì Covid
35 năm hình thành và phát triển, Xây dựng Hoà Bình dưới sự lãnh đạo của ông Lê Viết Hải đã hoàn thiện hàng trăm công trình lớn bé trải dài khắp từ Bắc vào Nam.
Thế mạnh của Hoà Bình nằm ở đấu thầu những công trình xây dựng liên quan đến dịch vụ hạng sang, tiêu biểu phải kể đến những công trình đồ sộ như: Saigon Sky Garden Apartments, Stamford Court, Riverside Apartment, Legend Hotel, Melinh Point Tower, Sheraton Plaza,…
Nhiều dự án quy mô lớn như Dự án Saigon Centre giai đoạn 2, The Ascent Condominiums, Estella Heights, dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Tân Sơn Nhất và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng đều có dấu ấn của vị doanh nhân này và Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.
Trong suốt ba thập kỷ từ 1988 – 2018, Hòa Bình thực hiện hóa kết quả kinh doanh với sự tăng trưởng đều theo chu kỳ 5 năm: Doanh thu tăng đều đặn mỗi 5 năm gấp 5 lần.
Cụ thể, kể từ năm 2008, công ty có doanh thu 700 tỷ đồng thì đến giai đoạn năm 2013 tăng lên 3.500 tỷ đồng. Con số này tiếp tục nhảy vọt theo chu kỳ 5 năm, đạt ngưỡng hơn 18.000 tỷ đồng vào năm 2018. Bước sang 2019, Hoà Bình đạt doanh thu kỷ lục trong lịch sử Tập đoàn với 18.609 tỷ đồng doanh thu thuần.
Tuy nhiên, mạch tăng trưởng sau đó bị đứt đoạn kể từ năm 2020, thể hiện qua việc doanh thu năm 2020 và 2021 lần lượt chỉ còn đạt ngưỡng 11.224 tỷ đồng và 11.355 tỷ đồng và lợi nhuận 2 năm này đều chưa tới 100 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Hoà Bình đạt 10.905 tỷ doanh thu thuần, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái; song lợi nhuận sau thuế lại giảm 16% xuống mức 61 tỷ đồng.
Năm 2022, Tập đoàn đề ra mục tiêu doanh thu là 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 350 tỷ đồng. Với 61 tỷ lãi sau thuế sau ba quý, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 17,4% kế hoạch lợi nhuận.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tính đến ngày 30/9/2022 của Hoà Bình là 13.332 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 6.566 tỷ, chủ yếu là từ ngân hàng. Nợ vay ngắn hạn ghi nhận 5.496 tỷ và dài hạn là 1.070 tỷ bao gồm dư nợ trái phiếu 987 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, Tập đoàn vay tổng cộng 8.910 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 7.441 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong ba quý là gần 358 tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn ghi nhận âm 1.331 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ dương 896 tỷ.
Khát vọng bền bỉ “mang chuông đi đánh xứ người”
Chia sẻ với Người Đưa Tin vào ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Lê Viết Hải cho rằng thị trường xây dựng gặp trở ngại lớn khoảng từ giai đoạn năm 2018 đến nay chủ yếu vì mất cân đối cung cầu, chứ không chỉ vì đại dịch và giá nguyên vật liệu tăng phi mã.
Trên thị trường, doanh nghiệp xây dựng lớn ngày càng nhiều trong khi khối lượng công việc hạn chế nên muốn thắng thầu thì phải cạnh tranh về giá, dẫn đến kết quả kinh doanh không cải thiện nhiều. Nhu cầu xây dựng trong nước không còn quá nhiều như trước đây khiến ngay cả những công ty, tập đoàn xây dựng lớn cũng không còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Chính Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn hiện hữu, khi nhìn vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn đang xuất hiện nhiều dấu hiệu đi lùi. Do đó, ông Lê Viết Hải đã đưa ra quyết định đem Xây dựng Hoà Bình ra thị trường thế giới.
Hoà Bình lần đầu tiên xuất ngoại là vào năm 2011, tham gia quản lý dự án cao cấp Le Yuan Residence ở Kuala Lumpur, từ đó có bước tiến mở rộng sang Myanmar, Kuwait… từng bước thâm nhập thị trường thế giới – cái đích mà Xây dựng Hoà Bình luôn hướng tới.
Cho đến thời điểm này, dù đã trải qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương “vươn ra biển lớn”, Chủ tịch Hoà Bình tự nhận xét Tập đoàn mới chỉ đạt được thành công về uy tín chứ chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với vai trò là nhà tư vấn quản lý, Hoà Bình đã lập biện pháp thi công, lập kế hoạch chiến lược cho các thầu phụ,… đối với nhiều công trình tại nước ngoài.
Trong nhiều năm qua, ngoài tham gia quản lý các dự án ở Malaysia, Myanmar, Kuwait, ông Hải và các kỹ sư của Hòa Bình đã đến nhiều dự án xây dựng ở nhiều nước để quan sát hoạt động xây dựng để học hỏi.
Lùi bước để con trai kế nghiệp
Với những kỳ vọng ấp ủ về việc đưa Hoà Bình vươn ra thế giới, Chủ tịch Hoà Bình cũng đã có những sự hoạch định rõ ràng cho thế hệ kế cận của mình.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Xây dựng Hoà Bình đã thực hiện chuyển giao thế hệ ngay trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Lê Viết Hiếu – con trai của Chủ tịch Lê Viết Hải được bổ nhiệm ngay vào thời điểm dịch Covid-19, và dường như người ta thấy rằng khả năng cũng như vai trò của anh Hiếu chưa được thể hiện đúng mức trước nhiều thách thức bất khả kháng.
Dù vậy, đứng trước những khó khăn đang hiện hữu cũng như thực tế chứng minh, Chủ tịch Lê Viết Hải vẫn vô cùng vững tin ở con trai mình.
“Dù được bổ nhiệm ngay đúng giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, nhưng Lê Viết Hiếu đã cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Khi mà nhiều doanh nghiệp chật vật vì Covid-19, có những doanh nghiệp còn đi tới con đường phá sản thì Hoà Bình trụ vững được đến thời điểm này đã thể hiện rõ nhất năng lực thật sự của Hiếu”, ông Hải chia sẻ với Người Đưa Tin.
Sau hơn 2 năm thực hiện chuyển giao, ông Hải cho biết đây là quyết định đúng đắn và kịp thời tại thời điểm ấy, bởi đó là sự chia sẻ trọng trách người đứng đầu, dùng sự nhiệt huyết của thế hệ lãnh đạo trẻ để lèo lái doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, anh Lê Viết Hiếu hội tụ đầy đủ yếu tố của một người lãnh đạo mà Hoà Bình cần có để tối ưu kế hoạch vươn ra ngoài khu vực: được đào tạo ở nước ngoài, có năng lực, tư duy mới và có khả năng hội nhập với kinh tế thế giới.
Chia sẻ về con trai, với tư cách một người cha, một người đồng nghiệp, Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình tin tưởng anh Lê Viết Hiếu sẽ vẽ tiếp nên bức tranh Hoà Bình phát triển hơn nữa, đặc biệt tại thị trường nước ngoài.