Ngày 12-12, khi tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại địa chỉ số 20BT2, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, của chủ cơ sở kinh doanh Trần Quỳnh Châm (sinh năm 1991 ở xã Tân Triều), lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở này có 510 lít rượu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Do chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này nên lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.
Liên quan đến sản xuất kinh doanh rượu, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 15, Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định về điều kiện cấp phép sản xuất rượu công nghiệp có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp; có dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất; Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm…
Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu, đăng ký với UBND cấp xã nơi có cơ sở sản xuất; Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm.
Các hoạt động mua bán, kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải đăng ký kinh doanh và đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu.
510 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc đã bị tạm giữ |
Cũng theo Luật sư Thu, về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về sản xuất rượu thủ công, Điều 35 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015)nêu rõ: Với hành vi sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh vượt quá sản lượng được phép sản xuất ghi trong giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, mức phạt tiền như sau:
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng nếu vượt dưới 5% sản lượng được phép sản xuất; Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu vượt từ 5-dưới 10% sản lượng được phép sản xuất; Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu vượt từ 10-dưới 15% sản lượng được phép sản xuất; Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng nếu vượt từ 20% sản lượng được phép sản xuất trở lên.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh từ 1-3 tháng nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, đồng thời bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Dù pháp luật quy định người sản xuất rượu thủ công phải cam kết nhưng thực tế thì các vụ ngộ độc rượu chủ yếu do sử dụng loại rượu này do việc tự sản xuất, tự tiêu dùng dẫn đến việc quản lý chất lượng không đảm bảo. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn thu mua rượu thủ công trôi nổi trên thị nên có nguy cơ cao gây ngộ độc rượu.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người tiêu dùng không nên tự đầu độc mình bằng những sản phẩm rượu thủ công kém chất lượng, lẫn nhiều tạp chất độc hại mà nên mua rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ những nhà sản xuất có uy tín - Luật sư Thu khuyến cáo.