Tại sao Việt Nam chưa đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022? Cần phải làm gì để dòng khách quốc tế tăng trưởng như kỳ vọng qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, hàng không phục hồi là những câu hỏi liên tục được mổ xẻ bởi các đại biểu tham dự Hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế & doanh nghiệp: Giải pháp tạo sự bứt phát từ trụ cột “Dịch vụ hàng không-Du lịch”.
Đây là cuộc tọa đàm do Báo Nhân Dân phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức vào chiều 16/12.
Nút thắt visa
Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức.
Đà phục hồi kinh tế đến từ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và được hỗ trợ bởi các trụ đỡ nông nghiệp, sự phục hồi nhanh của khu vực sản xuất, chế biến và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực.
Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị bàn tròn với chủ đề: Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột “Dịch vụ hàng không - du lịch”. |
“Việt Nam mở cửa lại sau Covid-19 rất sớm, từ ngày 15/3/2022 nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ du lịch-hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng, lượng khách quốc tế thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực. Tại hội nghị bàn tròn này, rất mong các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất các hướng đi, cách thức đạt được mục tiêu phục hồi du lịch quốc tế. Những khuyến nghị đưa ra tại hội nghị sẽ được thực thi, để ngành du lịch- hàng không đạt được các mục tiêu đã đề ra không chỉ trong năm 2023 mà còn nhiều năm tiếp theo”, ông Lê Quốc Minh nói.
Theo ông Chris Farwell, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại (tháng 3/2022) nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng.
Điều đáng tiếc là Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này khi chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách quốc tế.
Đại diện TAB cho biết, trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước.
Được biết, mặc dù mở cửa chậm hơn Việt Nam, trong năm 2022, Thái Lan vẫn kịp đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD. Hai tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid – 19.
“Chúng ta có thể mừng khi số khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người, nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa vẫn không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch và hàng không”, ông Chris Farwell nhận định.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên cho rằng nếu ví du lịch Việt Nam năm 2022 như một bộ quần áo thì mới hiện mới sắm được một nửa – thị trường nội địa, trong khi thị trường khách quốc tế vẫn rất khó khăn và u ám.
“Chúng ta nói nhiều về việc Trung Quốc chưa mở cửa, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản mở cửa chậm nhưng vì sao nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ? Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Du lịch châu Á sau Covid-19? Đây là điều cần phải làm rõ và có giải pháp khắc phục sớm”, ông Thiên đánh giá.
Việc không đạt mục tiêu thu hút khách quốc tế cũng đã làm chậm lại đáng kể đà phục hồi của các hãng hàng không – một mắt xích rất quan trọng trong ngành du lịch.
Ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet cho biết, năm 2022, thị trường nội địa của Việt Nam được Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế đánh giá là có tốc độ phục hồi nhanh nhất. Đến cuối quý IV/2022, sản lượng vận chuyển đã trở về mức trước dịch, trong đó trục TP.HCM – Hà Nội đang làm đường bay bận rộn thứ thế giới.
“Tuy nhiên, việc lượng khách quốc tế trong năm 2022 vẫn chỉ bằng ¼ sản lượng năm 2019 với thị trường chủ lực Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về tài chính”, ông Phương phân tích.
Được biết, theo dự báo của IATA, năm 2023, các hãng hàng không vẫn chịu áp lực giá dầu leo thang cộng với các nguy cơ tiềm ẩn về khủng hoảng kinh tế, lạm phát trên thế giới. Do vậy, năm 2023 dự báo vẫn là năm khó khăn đối với ngành hàng không Việt Nam khi thị trường quốc tế dự kiến mới chỉ hồi phục ở mức 80% so với năm 2019.
Kéo dài hỗ trợ
Theo đại diện TAB, lý do chính dẫn đến khách quốc tế chưa mặn mà với thị trường Việt Nam là do chính sách visa du lịch hiện đang rất cứng nhắc. Tại thời điểm Việt Nam mở cửa với khách quốc tế, chúng ta vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian là 15 ngày. Chính sách này gần như không có sự thay đổi trong suốt 8 tháng qua.
Trong khi đó, Thái Lan đang miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn thị thực được kéo dài từ 30 ngày đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. So với Thái Lan, Việt Nam không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại dù điều kiện dịch bệnh đã rất khác biệt.
“Trên thực tế, Việt Nam còn làm cho các thủ tục khó khăn hơn và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng khách quốc tế đến của chúng ta, mặc dù chúng ta đi trước Thái Lan trong việc mở cửa. Du khách thường phàn nàn rằng họ không thể dễ dàng xin thị thực du lịch tại các Đại sứ quán của chúng ta như trước Covid-19”, địa diện TAB đưa ra thông tin.
Do ngành du lịch sẽ mất vài năm để phục hồi hoàn toàn trong một thế giới ngày càng trở nên bất ổn vì những biến động có thể xảy ra như suy thoái toàn cầu, chiến tranh, những thay đổi trong chính sách ứng phó với Covid-19 và những thay đổi hành vi của các thị trường nên TAB một lần nữa muốn đề xuất thành lập một Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ phục hồi với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Tổ công tác đặc biệt này nên có những người ra quyết định thuộc tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan và đại diện các bên liên quan chính của khu vực tư nhân, gồm Ban IV và TAB.
Là đơn vị hàng không liên tục chủ động tìm kiếm nguồn khách quốc tế từ các thị trường mới, có nhiều tiềm năng để bù đắp cho sự giảm sút từ thị trường truyền thống, Giám đốc điều hành Vietjet cho biết, hãng rất kỳ vọng từ các đường bay kết nối Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, khách từ Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn khi xin visa du lịch vào Việt Nam đã làm hạn chế hiệu quả của đường bay.
“Những phản ánh của các doanh nghiệp hàng không, du lịch liên quan đến chính sách cấp visa du lịch cho khách quốc tế giai đoạn tái mở cửa là vấn đề rất nóng, rất cần được các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ sớm, trong đó ưu tiên trước mắt là mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực như Thái Lan đang triển khai và kéo dài thời hạn visa”, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban IV và cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề xuất.
“Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hàng không năm 2023 đều như người mới ốm dậy, cần sự rất nhiều hỗ trợ về cơ chế chính sách, đặc biệt là về dòng tiền để duy trì đội ngũ và đưa ra những sản phẩm du lịch mới, đủ sức hấp dẫn với du khách quốc tế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết.
Theo thông tin của baodautu.vn, hiện một số doanh nghiệp hàng không đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cho các hãng hàng không đến hết năm 2023; giãn thời gian chậm nộp 180 ngày đối với các khoản phí, lệ phí thu hộ cảng hàng không nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các hãng hàng không đang còn nặng gánh sau thời gian dài đại dịch.
Các hãng bay cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét kéo dài chính sách giảm phí hạ cất cánh 50% đến hết năm 2023. Đồng thời duy trì mức phí, lệ phí dịch vụ thu trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng không dân dụng được duy trì ở mức tối thiểu; giảm thuế VAT từ 8% xuống khoảng 2 – 5% đối với các ngành hàng không; áp dụng chính sách và cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại triển khai cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho các hãng hàng không Việt Nam.