Sáng ngày 17/12, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5. Phát biểu tại Diễn đàn, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định năm 2022 được đánh giá là một năm thách thức của kinh tế thế giới.
Tình hình địa chính trị thế giới cũng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm qua. Xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn và chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc tiếp tục được triển khai đã làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả lương thực, năng lượng theo đó tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế - chính trị diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 cũng đã trải qua nhiều biến động. Xu hướng giảm điểm của thị trường bắt đầu từ tháng 4, trong đó đan xen những nhịp phục hồi vào tháng 5 và tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.
Theo đó, về quy mô niêm yết và đăng ký giao dịch (ĐKGD), đến cuối tháng 11/2022, thị trường có 757 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và 859 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,26% với cuối năm 2021, tương đương 23,2% GDP.
Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng 4 xuống còn 13.017 tỷ đồng/phiên trong tháng 11.
"Những biến động trên thị trường chứng khoán nêu trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới", lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định.
Thị trường có triển vọng hồi phục trong năm 2023
Mặc dù năm 2022 còn nhiều khó khăn với xu hướng giảm điểm, song lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cũng chỉ ra một loạt những yếu tố tích cực giúp thị trường chứng khoán có triển vọng hồi phục trong năm 2023.
Thứ nhất, tình hình lạm phát Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, Fed được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần.
Ngoài ra, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế dần được khôi phục. Hoạt động doanh nghiệp dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới nhưng vẫn khả quan.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.
Đồng thời, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 11,3 và được đánh giá là hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết thị trường khác trên thế giới.
"Tất cả yếu tố trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn", lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhận định.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan này cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
"Nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn", lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhận diện khó khăn.
Ngoài ra, việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất gia tăng trong thời gian qua và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU.
Ủy ban Chứng khoán đánh giá điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, do vậy cũng có thể chậm lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
UBCKNN sẽ cảnh báo nhà đầu tư về rủi ro của thị trường
Trước bối cảnh thị trường dự báo còn nhiều biến động, đại diện Ủy ban Chứng khoán Việt Nam cũng đưa ra một loạt các giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban cho biết đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin của thị trường.
Về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
Theo đó, UBCKNN sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường.
Ủy ban cũng cho biết sẽ có những cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về hoạt động tổ chức thị trường, cơ quan này khẳng định, sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.
Cuối cùng, UBCKNN cho biết đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch TPDN thứ cấp minh bạch, an toàn; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt….