Kenneth có hồ sơ tội phạm dài từ thời niên thiếu. Năm 1964, ở tuổi 18, Kenneth nhận 12 bản án 4 năm tù vì trộm cắp ở ba quận của Texas. Nhưng anh ta được trả tự do sớm vào tháng 12/1965.
Ngày 6/8/1966, Kenneth cùng Roy Green, người bạn mới gặp khoảng một tháng, lái xe chạy vòng vòng để "tìm một cô gái". Lúc 22h, hắn chú ý thấy thiếu nữ 16 tuổi Edna Sullivan đang đứng cùng bạn trai Robert Brand (17 tuổi) và em họ Mark Dunman (15 tuổi) bên cạnh chiếc Ford đậu trên sân bóng chày.
Kenneth dừng xe cách ba người khoảng 130 m, dùng súng đe dọa và ra lệnh chui vào cốp xe Ford. Hắn lái xe của nạn nhân dọc đường cao tốc đến một cánh đồng, Roy theo sau. Tại đây, hắn lôi Edna ra, bắn 6 phát đạn vào cốp chiếc Ford bất chấp hai thiếu niên cầu xin bên trong. Sau đó, Kenneth hướng dẫn Roy xóa dấu vân tay trên chiếc Ford.
Bộ đôi siết cổ nạn nhân, vứt xác vào bụi cây. Hôm sau, Kenneth chôn khẩu súng bên cạnh gara nhà Roy, rửa xe tại nhà một người bạn. Hôm sau nữa, Roy thú nhận tội lỗi và được mẹ thuyết phục ra đầu thú. Kenneth bị bắt.
Roy kể lại chi tiết vụ giết người, tố cáo Kenneth từng khoe đã cưỡng hiếp và bóp cổ hai phụ nữ trẻ trước đó. Anh ta vốn không tin lời bạn, cho đến khi tận mắt chứng kiến.
Trong phiên tòa xét xử, Kenneth nhận án tử hình trên ghế điện vì sát hại ba người. Roy bị phạt 25 năm tù nhưng được trả tự do sớm vào năm 1979.
Năm 1972, Tòa án Tối cao Mỹ quyết định hủy bỏ tất cả bản án tử hình ở nước này, giảm xuống tù chung thân, vì lo ngại việc tuyên án tử hình tùy ý. Quyết định này buộc các bang và Quốc hội Mỹ phải xem xét lại các đạo luật với tội nghiêm trọng để đảm bảo rằng án tử hình sẽ không được thi hành một cách bất thường hoặc phân biệt đối xử.
Bản án của Kenneth cũng được giảm xuống tù chung thân. Đến năm 1976, sau khi đạt thời hạn ngồi tù tối thiểu để được ân xá, hắn thuê luật sư thu thập hồ sơ gồm nhiều bằng chứng chỉ ra Roy là kẻ giết người thực sự. Một số thành viên của hội đồng ân xá bị bất ngờ.
Để được Sở Tư pháp Hình sự bang Texas ân xá, tù nhân cần hai phiếu bầu từ nhóm hội đồng gồm ba người. Khi nộp đơn vào năm 1979 và 1980, Kenneth nhận được một phiếu bầu. Khi tiếp tục xin ân xá vào năm 1981, hắn cố gắng hối lộ 10.000 USD cho một thành viên hội đồng ân xá. Kết quả, hắn bị kết án hai năm tù vì tội hối lộ. Năm 1984 và 1985, Kenneth vẫn thiếu một phiếu để giành được tự do.
Năm 1987, để ngăn các nhà tù ở Texas trở nên quá đông, hội đồng ân xá và hệ thống nhà tù quyết định ân xá cho 750 tù nhân mỗi tuần. Điều đó có nghĩa là 15 thành viên hội đồng ân xá phải phỏng vấn và nghiên cứu hồ sơ của ít nhất 1.000 tù nhân sau mỗi 5 ngày làm việc. Hồ sơ chỉ chứa những thông tin cơ bản nhất, hầu như không có bất cứ điều gì cho thấy bản chất thực sự của tù nhân. Vào thời điểm Kenneth được ân xá, cứ 10 đơn xin ân xá thì 8 người được chấp thuận.
Bất chấp bản chất tàn bạo của vụ giết người, nhiều lần bị từ chối ân xá và có tiền án hối lộ, hội đồng nghĩ rằng Kenneth vẫn có thể "đóng góp cho xã hội". Hắn có được lá phiếu thứ hai vào năm 1988 nhưng bị trì hoãn do thẩm phán và công tố viên phản đối. Một năm sau, vào tháng 10/1989, trước sự sửng sốt của các nhân viên thực thi pháp luật, hội đồng ân xá quyết định thả tự do cho hắn.
Khi tin tức lan truyền trong thị trấn nhỏ Rosebud ở miền Trung Texas, nơi Kenneth lớn lên, mọi người nạp đạn vào súng săn và chặn đồ đạc cồng kềnh trước 2-3 lớp cửa khóa kín. Rất ít người đi bộ trên đường phố. Sự trở lại của Kenneth khiến thị trấn này hoang mang lo sợ.
Vào ngày Kenneth được thả ra khỏi nhà tù, Cảnh sát trưởng quận Falls Larry Pamplin đưa ra dự đoán: "Tôi không biết là tuần sau, tháng sau hay năm sau, nhưng một ngày nào đó, thi thể những cô gái sẽ bắt đầu xuất hiện. Và khi điều đó xảy ra, người đàn ông bạn cần tìm là Kenneth McDuff".
Kenneth là một trong 20 tử tù và 127 kẻ sát nhân được ân xá. Sau khi ra tù, hắn nhận được một công việc tại trạm xăng với mức lương 4 USD/giờ.
Kenneth thường xuyên di chuyển ngẫu nhiên khắp các thành phố ở Texas, khiến việc kết nối hắn với những vụ giết người gần như là không thể với cảnh sát. Họ thậm chí còn không biết về một số tội ác mà hắn bị nghi ngờ thực hiện cho đến vài tuần sau khi sự việc xảy ra. Dẫu biết Kenneth nguy hiểm, cảnh sát không thể ngăn chặn vì không biết hắn sẽ gây án ở đâu và khi nào.
Ba ngày sau khi Kenneth được tự do, vào 14/10/1989, thi thể khỏa thân của Sarafia Parker, 29 tuổi, được phát hiện trên cánh đồng ở thành phố Temple, nơi Kenneth sống cùng gia đình. Nạn nhân bị đánh và bóp cổ. Kenneth không bị buộc tội trong vụ án này. Tuy nhiên, hắn phải trở lại nhà tù vì vi phạm lệnh ân xá sau khi dọa giết một thanh niên người Mỹ gốc Phi. Mẹ Kenneth chi tiền cho luật sư để đổi lấy việc con trai được thả vào ngày 18/12/1990.
Mùa xuân năm 1991, Kenneth đăng ký vào Cao đẳng Kỹ thuật Bang Texas ở Waco và chuyển đến ký túc xá trong khuôn viên trường. Trong những tháng sau đó, một số gái mại dâm ở khu vực Waco được trình báo mất tích.
Một phụ nữ tên Regenia Moore được nhìn thấy đá cửa kính và la hét trong cabin xe bán tải màu đỏ của Kenneth khi đi qua trạm kiểm soát của cảnh sát. Vài ngày sau, cảnh sát thẩm vấn hắn nhưng không có kết quả. Đến 29/9/1998, thi thể bị trói tay chân của Regenia mới được phát hiện.
Tối 1/3/1992 có người nhìn thấy Kenneth đỗ xe gần cửa hàng tiện lợi nơi Melissa Northup, nhân viên kế toán 22 tuổi, bị bắt cóc. Thi thể cô được tìm thấy nhiều tuần sau đó, bị trói và trôi nổi trong một hố sỏi ở Quận Dallas.
Vài tuần sau khi Melissa mất tích, cảnh sát phát hiện thi thể khỏa thân đang phân hủy của Valencia Joshua trong ngôi mộ nông ở khu vực nhiều cây cối phía sau trường học. Valencia là một trong những gái mại dâm mất tích. Cô được nhìn thấy lần cuối vào đêm 24/2, khi đang tìm phòng ký túc xá của Kenneth.
Qua điều tra, cảnh sát tóm được một sai lầm của Kenneth: Hắn đã bán ma túy cho một nguồn tin ngầm của cảnh sát. Từ thông tin được cung cấp, ngày 6/3/1992, ủy viên công tố buộc tội Kenneth sở hữu súng bất hợp pháp và phân phối ma túy. Kenneth trở thành kẻ chạy trốn liên bang, bị lực lượng đặc nhiệm truy đuổi.
Lần theo dấu vết của Kenneth ở nhiều địa phương, đội điều tra phát hiện hắn có liên quan vụ bắt cóc cô gái tên Colleen Reed vào 29/12/1991 ở thành phố Austin. Các nhân chứng trình báo nhìn thấy hai người đàn ông lái ôtô, bắt cóc Colleen ở tiệm rửa xe rồi phóng đi. Mô tả của nhân chứng trùng khớp với đặc điểm chiếc xe của Kenneth.
Tháng 4/1992, các điều tra viên triệu tập Alva Worley, một kẻ côn đồ từng đi theo Kenneth, để thẩm vấn. Alva thừa nhận đã cưỡng hiếp và tra tấn Colleen, nhưng tuyên bố không tham gia giết cô.
Lời khai của Alva được công bố rộng rãi trên truyền thông, thu hút sự chú ý của người dân cả nước. Ngày 1/5/1992, chương trình America's Most Wanted phát sóng cuộc truy tìm Kenneth, nhận được 50 tin báo manh mối.
Ba ngày sau, tại thành phố Kansas, bang Missouri, cảnh sát nhận được cuộc gọi từ một khán giả nhận ra nhân viên công ty thu gom rác thải tên Richard Fowler chính là Kenneth đang lẩn trốn. Vài giờ sau, hắn bị bắt tại bãi rác thành phố.
Các nhà chức trách tin rằng Kenneth có thể đã giết 9 phụ nữ, hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên do thiếu bằng chứng, Kenneth chỉ bị kết tội giết Melissa. Hắn nhận án tử hình vào 18/2/1993, thi hành án ngày 17/11/1998 sau nhiều lần trì hoãn vì kháng cáo. Cho đến khi chết, hắn vẫn không chỉ nơi vứt xác Colleen.
Cảnh sát trưởng Larry Pamplin nhận xét Kenneth "là kẻ độc ác và man rợ nhất từng biết, hoàn toàn không biết ăn năn". Viên cảnh sát cho rằng, nếu hắn bị hành quyết như bản án ban đầu, "không biết có bao nhiêu sinh mạng đã được cứu".
Chris Mealy, thành viên hội đồng ân xá đã bỏ phiếu quyết định trả tự do cho Kenneth, nhớ lại rằng khi hắn đến để phỏng vấn vào tháng 9/1989, ông bị ấn tượng bởi hai điều. Đầu tiên, Kenneth đã cải thiện bản thân bằng cách tham gia các khóa học lấy tín chỉ trong tù, và thứ hai, hồ sơ cho thấy rằng hắn đã nhận được một phiếu bầu khẳng định trong nhiều lần đệ đơn xin ân xá. Nhìn nhận lại, Chris thừa nhận có thể đã phạm sai lầm: "Đó là một hệ thống của con người, sẽ có lỗi phát sinh. Một số lỗi sẽ phải trả giá đắt. Tôi ước rằng có thể lấy lại lá phiếu".
Vụ án của Kenneth McDuff dẫn đến những thay đổi sâu rộng về tư pháp hình sự ở Texas. Tiểu bang này đã xây dựng các nhà tù mới và kiểm soát chặt chẽ việc ân xá, áp đặt mức án tối thiểu 40 năm tù cho tội giết người.
Tuệ Anh (Theo Texas Monthly, AP)
Xem thêm: lmth.3819454-nahn-tas-ek-auc-ca-iot-iouhc-iad-oek-mal-ias-ax-na-hnid-teyuq/ten.sserpxenv