vĐồng tin tức tài chính 365

Truyền thông về bảo hiểm chưa tương xứng với doanh thu

2022-12-17 16:28

Hành vi “gây nhiễu” bị phản đối

Các status về bảo hiểm của N.T có giọng điệu chê bai, nhưng có những ý kiến khen ngợi hành vi thẳng thắn, dám vạch ra những điểm chưa được của thị trường bảo hiểm như bảo hiểm không mang lại giá trị như nhiều người nghĩ, hoa hồng chi trả quá cao không khác nào đa cấp…, việc này sẽ góp phần giúp lành mạnh hóa thị trường.

Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, các status mang tính “bóc phốt” quá đà đó chẳng khác nào hành động phá hoại, gây hoang mang cho những người đã và đang chuẩn bị tham gia bảo hiểm, ảnh hưởng đến đời sống, an sinh xã hội, cũng như đi ngược lại đường lối của Đảng và Nhà nước.

Không ít chuyên gia bảo hiểm đã lên tiếng phản đối hành động trên của facebooker N.T, trong đó, một diễn giả chuyên huấn luyện cho các đại lý bảo hiểm có hơn 20 năm gắn bó với thị trường đã kêu gọi sự vào cuộc của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, xử lý nghiêm hành vi của facebooker. Lời kêu gọi này nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại lý bảo hiểm - những người trực tiếp bán bảo hiểm.

Chưa bàn về tính đúng - sai của các nội dung được đăng tải từ các facebooker, nhiều ý kiến cho rằng, các vụ “bóc phốt” nói chung, vụ N.T nói riêng càng cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có quá nhiều việc phải làm để nâng tầm thị trường, trong đó, khâu truyền thông nắm vai trò không nhỏ. Nếu thị trường bảo hiểm đã truyền thông đủ sâu, người dân hiểu về bảo hiểm, thì sẽ không có những ý kiến mang tính chủ quan, phiến diện, miệt thị.

“Các thành viên trên thị trường bảo hiểm cần tuân thủ tốt các quy định, đồng thời tuyên truyền sâu rộng về ngành bảo hiểm để tránh những hiểu lầm, hoặc hiểu hời hợt. Thị trường đang hướng tới phát triển bền vững và chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững. Thời điểm này so với một vài năm trước, thị trường bảo hiểm có nhiều thay đổi tích cực, trong đó có tính minh bạch”, đại diện Bảo hiểm Trực tuyến - Ibaohiem nói.

Theo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 mà Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, ngoài những kết quả đáng khích lệ, cơ quan này chỉ rõ một trong những tồn tại kéo dài nhiều năm trên thị trường, đó là nhận thức và ý thức về bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân, người tham gia bảo hiểm còn hạn chế (ngoài ra, việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm chưa thực sự hiệu quả ở cả cơ quan quản lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam). Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền bảo hiểm chưa được thực hiện đồng bộ, tổng thể, việc tuyên truyền, phổ biến chủ yếu do doanh nghiệp bảo hiểm triển khai, thông qua các chiến dịch marketing sản phẩm, thương hiệu, hoạt động tài trợ, từ thiện.

Truyền thông về bảo hiểm chưa tương xứng với doanh thu

Thị trường bảo hiểm cần được tuyên truyền, truyền thông sâu rộng để tránh những hiểu lầm, hoặc hiểu hời hợt về vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm.

Ghi nhận từ các cơ quan báo chí, các đơn vị chuyên tổ chức sự kiện truyền thông, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang dồn ngân sách cho marketing bán hàng, giảm dần chương trình truyền thông về bảo hiểm, khiến phần lớn người tiêu dùng chưa có những kiến thức cơ bản để phân biệt các loại hình sản phẩm bảo hiểm, sự khác nhau giữa các sản phẩm, chứ chưa nói đến việc hiểu bảng minh họa sản phẩm, các điều khoản loại trừ bảo hiểm, ý nghĩa của “21 ngày cân nhắc”…

Đa số doanh nghiệp bảo hiểm, kể cả doanh nghiệp lớn dành ngân sách cho truyền thông quá nhỏ so với doanh thu phí bảo hiểm đạt được.

Những năm gần đây, doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 220.959 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia truyền thông cho rằng, với mức doanh thu này, thị trường bảo hiểm có rất nhiều thông tin cần phổ biến rộng rãi, toàn ngành bảo hiểm cần ngân sách ít nhất 0,1% doanh thu hàng năm để truyền thông về bảo hiểm.

Ngân sách dành cho truyền thông ít ỏi cùng sự bị động của toàn ngành khiến thị trường bảo hiểm thiếu thông tin. Số lượng bài truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo hiểm cho người dân xuất hiện với tần suất hạn chế, không ít câu chuyện “nóng” chưa được công bố kịp thời, rõ ràng, đầy đủ.

Trong khi đó, bảo hiểm là một mảng khó, phức tạp, ngay cả Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu khi cho ý kiến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) 2022 cũng đã nhận xét, đây là một bộ luật phức tạp và đồ sộ.

Có ý kiến cho rằng, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, qua đó tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm, thì ngoài việc hoàn thiện các quy định trong Luật như điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, cần thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền, thiết lập các kênh phân phối, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, hỗ trợ phí bảo hiểm…

Trong năm 2022, thông tin về thị trường bảo hiểm xuất hiện nhiều hơn, nhưng so với các thị trường năng động khác như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thì thị trường này còn nghiệp dư, chậm chuyển đổi. Chẳng hạn, thời gian gần đây nổi lên những tranh chấp về bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng, nếu công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo hiểm được thực hiện sâu rộng trước đó thì tình trạng này có thể được giảm thiểu, không làm suy giảm niềm tin của khách hàng và người dân.

Kỳ vọng, từ năm 2023, hoạt động tuyên truyền về bảo hiểm, đa dạng hóa việc truyền thông bảo hiểm sẽ được đẩy mạnh như kế hoạch của Bộ Tài chính. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu từ nay đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ (hiện tại đạt khoảng 11%), tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030, phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng/người vào năm 2025 và 5 triệu đồng/người vào năm 2030.

Sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân. Nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm và thị trường bảo hiểm.

- Phổ biến kịp thời các thay đổi về quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm; chính sách bảo hiểm của Nhà nước đối với người dân và các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức có liên quan.

- Đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phố biến kiến thức về bảo hiểm như qua các trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện ngành bảo hiểm, hội chợ, các cuộc thi...

- Xây dựng trang thông tin dành riêng cho khách hàng tham gia bảo hiểm, trong đó giới thiệu chung về bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, các quy trình tham gia bảo hiểm, yêu cầu bồi thường, cơ chế hòa giải, giải quyết tranh chấp nhằm tạo cho người dân một cơ chế tiếp cận thông tin chính thống, toàn diện, đầy đủ và thuận tiện.

(Trích Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 mà Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ)

Xem thêm: lmth.686113tsop-uht-hnaod-iov-gnux-gnout-auhc-meih-oab-ev-gnoht-neyurt/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Truyền thông về bảo hiểm chưa tương xứng với doanh thu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools