Binance - sàn tiền số lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch - đã hứng chịu làn sóng rút tiền lớn trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về tình hình hoạt động. Cùng với tâm lý muốn tự mình kiểm soát tài sản sau cú sập của sàn FTX, Binance đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin.
Đầu tuần rồi, dòng tiền rút ròng - chênh lệch giữa giá trị tài sản gửi và rút khỏi sàn giao dịch - của Binance đạt 902 triệu USD trong 24 giờ, theo dữ liệu của nền tảng thông minh chuỗi khối Nansen. Dòng tiền rút ròng này vượt qua tất cả sàn giao dịch tập trung khác và lớn hơn gần chín lần so với sàn giữ vị trí thứ hai. Kể từ khi FTX phá sản tháng trước, đây là lần rút có quy mô lớn thứ hai trên thị trường tiền mã hóa và nhiều nhất của Binance kể từ khi thành lập (năm 2017).
Tâm lý lo ngại vốn bắt đầu từ ngày 12/12 khi Reuters đưa tin Binance có thể đang đối mặt cuộc điều tra chống rửa tiền từ cơ quan chức năng Mỹ. Nhà sáng lập Changpeng Zhao (CZ) sau đó tuyên bố thông tin trên không chính xác, nhưng không đưa ra bằng chứng rõ ràng nào.
Nỗi sợ lan rộng hơn khi Justin Sun - CEO của TRON và BitTorrent - một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thị trường tiền số - rút 50 triệu USD khỏi Binance. Sau vài tiếng, ông nạp lại và thông báo chỉ là "hoạt động điều chỉnh bình thường". Nhưng rồi nhân vật này lại rút tiếp 100 triệu BUSD - stablecoin của Binance - về ví riêng.
Đến ngày 13/12, theo công ty nghiên cứu CryptoQuant, Binance đã ghi nhận việc rút ròng khoảng 1,14 tỷ USD, trong đó gồm 40.353 Bitcoin và 278.017 Ether. Trong bối cảnh đó, CZ vẫn khẳng định: "Mọi người có thể rút 100% tài sản của họ có trên Binance, chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì vào bất kỳ ngày nào".
Tính chung ba ngày cuối tuần rồi, có khoảng 6 tỷ USD tài sản số được rút ra khỏi sàn giao dịch lớn nhất thế giới. CZ lúc bấy giờ đăng tải trên mạng xã hội rằng: "FUD (sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ) chỉ là tạm thời, niềm tin mới bền lâu".
Nhưng sang đầu tuần này, thị trường lại nhiễu loạn trước tin Mazars Group - công ty kiểm toán được nhiều gã khổng lồ tiền số sử dụng, vừa thông báo tạm dừng tất cả công việc liên quan đến Binance và các khách hàng trong lĩnh vực tiền số. Theo Bloomberg, điều này giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp đang tìm cách củng cố niềm tin sau sự sụp đổ của FTX. BNB (token của sàn giao dịch này) có lúc rớt xuống sát 245 USD một đơn vị, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7, nếu bỏ qua đợt mất giá kỷ lục vào ngày 12/7 - thời điểm nhiều nhà đầu tư kéo nhau rút tiền.
Đại diện công ty kiểm toán cho biết thị trường chưa được trấn an bởi các báo cáo "bằng chứng dự trữ" mà đơn vị đã công bố. Công ty cũng lo ngại về sự giám sát chặt chẽ của giới truyền thông ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Một phát ngôn viên của Mazars sau đó cho biết việc tạm dừng kiểm toán bằng chứng dự trữ của các công ty tiền số vì "lo ngại về cách công chúng hiểu các báo cáo này".
Bằng chứng dự trữ (proof-of-reserves) là một danh sách các địa chỉ ví thuộc nhiều blockchain khác nhau được các sàn giao dịch công bố. Các ví này là nơi các sàn lưu trữ tiền của người dùng. Bằng chứng dự trữ được xem có thể giúp người dùng nắm được tổng lượng tài sản đang lưu trữ trên sàn và theo dõi những biến động lớn về số dư.
Thời gian trước, Binance cũng công bố báo cáo bằng chứng dự trữ do Mazars Group và bị WJS và nhiều chuyên gia trong ngành chỉ ra nhiều điều mờ ám. Quyết định dừng dịch vụ của công ty kiểm toán là trở ngại đối với Binance và ngành công nghiệp tiền số vốn đang cố gắng củng cố uy tín của mình với các nhà đầu tư sau sự sụp đổ của FTX sau cáo buộc lạm dụng tiền của khách hàng. Các kiểm toán viên đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội tương tự trong những tuần gần đây vì chính FTX cũng thuê dịch vụ kiểm toán bằng chứng cụ thể trước khi sụp đổ.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư mặc định báo cáo bằng chứng dự trữ chính là báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, bằng chứng dự trữ không thể so sánh với một cuộc kiểm toán đầy đủ vì chúng chỉ cho thấy tài sản của một công ty, còn các khoản nợ không được đề cập. Các báo cáo này đóng vai trò là "ảnh chụp nhanh" kịp thời cho khách hàng biết các thông tin về dự trữ tài sản của sàn giao dịch.
Vì lý do trên, bằng chứng dự trữ không thể xoa dịu các nhà đầu tư khi làn sóng rút tiền tiếp tục diễn ra. Người phát ngôn của Binance cho biết sàn giao dịch này đang tìm cách cung cấp thêm sự minh bạch về dự trữ của mình trong những tháng tới.
Dẫu nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ, nhà sáng lập CZ cho rằng dòng tiền chảy ra từ sàn giao dịch của ông đã "ổn định" và "tiền gửi đang quay trở lại". Binance có ít nhất 60 tỷ USD dự trữ trên blockchain, theo dữ liệu từ công ty phân tích chuỗi khối Nansen.
"Mọi người bị tổn thương bởi một cuộc đổi chác và mất tiền ở đó, rồi họ khái quát hóa điều đó lên ứng với mọi thứ tương tự. Đó chỉ là hành vi của con người. Không có lượng rút tiền nào có thể khiến chúng tôi chịu áp lực", CZ nói.
Tỷ phú tiền số cũng tìm cách trấn an nhân viên của mình. Ông nói Binance đang ở trong tình trạng tài chính vững mạnh và sẽ tồn tại qua bất kỳ mùa đông tiền số nào. "Mặc dù vài tháng tới sẽ gập ghềnh, nhưng chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn thử thách này và chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn vì đã vượt qua nó", ông gửi lời đến nhân viên.
Cũng theo CryptoQuant, lượng tài sản dự trữ của Binance có độ "sạch" đến 89%. Tuy nhiên Caue Oliveria - nhà phân tích của công ty dữ liệu này, lưu ý nếu sàn giao dịch không sử dụng tài sản thế chấp để vay tiền, lượng dự trữ sạch là bao nhiêu cũng không thực sự quan trọng. Tương tự, người dùng cũng không nên quan tâm về con số trên khi tài sản của họ được giữ hoàn toàn với tỷ lệ 1:1 trong các ví thích hợp.
"Điều quan trọng hơn là biết số tiền phải trả của sàn giao dịch. Biết các khoản dự trữ là một phần, nhưng quan trọng hơn, các khoản nợ phải trả là gì", nhà phân tích này nói.
Tiểu Gu (theo Bloomberg, CoinDesk)