Rạn san hô Great Barrier của Úc - Ảnh: STOCK.ADOBE.COM
* Úc tìm ra phương pháp đóng băng và lưu trữ ấu trùng san hô. Theo Hãng tin Reuters ngày 19-12, các nhà khoa học làm việc tại rạn san hô Great Barrier của Úc đã thử nghiệm thành công một phương pháp mới nhằm đóng băng và lưu trữ ấu trùng san hô.
Theo nhóm chuyên gia, biện pháp này có thể giúp tái tạo các rạn san hô bị đe dọa do biến đổi khí hậu.
Rạn san hô Great Barrier ở Úc đã bị chết hàng loạt trong bảy năm qua do nhiệt độ đại dương tăng lên và các nhà khoa học đã nỗ lực để ngăn chặn điều này.
Theo quy trình hiện tại, ấu trùng san hô có thể đông lạnh và lưu trữ để sau đó đưa trở lại tự nhiên nhưng đòi hỏi nhiều thiết bị tinh vi và tốn kém. Phương pháp mới có giá rẻ nhưng giúp bảo quản san hô tốt hơn.
* Mỹ sẽ theo dõi nếu Belarus có hỗ trợ thêm Nga trong chiến sự với Ukraine. Ngày 19-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc không muốn lôi Belarus vào chiến sự Ukraine là "đỉnh cao của sự mỉa mai".
Phát biểu tại một cuộc họp báo hằng ngày, ông Price cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao liệu Belarus có hỗ trợ thêm Nga trong cuộc chiến với Ukraine hay không và sẽ đáp trả "thích đáng" nếu điều đó xảy ra.
* Hàng chục ngàn người di cư đang chờ cơ hội vượt biên vào Mỹ. Chính quyền liên bang và tiểu bang dọc theo biên giới Mỹ - Mexico đang sẵn sàng với khả năng lượng người di cư - vốn đã cao kỷ lục - sẽ tăng lên nếu các hạn chế qua biên giới từ giai đoạn COVID-19 được gỡ bỏ trong tuần này.
Người di cư Venezuela tại một nhà thờ ở Ciudad Juarez (Mexico) ngày 18-12-2022 chờ thông báo về việc chấm dứt điều khoản 42 để tìm cách sang biên giới Mỹ - Ảnh: REUTERS
Điều khoản gọi là Title 42 có nội dung cho phép nhanh chóng trục xuất người di cư do lo ngại về việc lây lan COVID-19 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 21-12 theo lệnh của tòa án liên bang Mỹ.
Theo số liệu của các cơ quan biên giới Mỹ, ước tính có khoảng 50.000 người đang chờ ở Mexico để có cơ hội vượt biên sau khi điều khoản Title 42 hết hiệu lực.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho khả năng có từ 9.000-14.000 người di cư cố gắng vượt biên mỗi ngày, khoảng gấp đôi tỉ lệ hằng ngày gần đây, khi các hạn chế quy định trong điều khoản Title 42 bị bãi bỏ.
* Cơ sở hạ tầng quan trọng trong và quanh Kiev bị tấn công. Chính quyền Ukraine cho biết các cuộc tấn công mới nhất của Nga đã nhắm vào "cơ sở hạ tầng quan trọng" trong và xung quanh Kiev từ sáng sớm 19-12.
Như vậy sau cuộc tấn công rộng khắp bằng 70 tên lửa trong ngày 16-12 - một trong những cuộc tấn công lớn nhất của Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh, lực lượng Nga vẫn duy trì nhịp điệu.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đã bắn hạ 4 tên lửa chống bức xạ HARM do Mỹ sản xuất trên khu vực Belgorod, giáp Ukraine, trong vòng 24 giờ, Hãng thông tấn TASS đưa tin.
Công ty điện Ukrenergo xác nhận tình hình cung cấp điện của Ukraine vẫn "khó khăn" với khu vực Dnipropetrovsk và các khu vực ở trung tâm và phía đông đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mất điện khẩn cấp xảy ra ở nhiều nơi, gồm thành phố Kiev và khu vực lân cận như Kharkiv, Sumy, Poltava và Zaporizhzhia.
Người phụ nữ hát bài thánh ca trước cây thông Noel, giữa lúc Nga tấn công Ukraine, tại quảng trường Sofiyska ở Kiev, Ukraine ngày 19-12-2022 - Ảnh REUTERS
* EU thống nhất về giá trần khí đốt. Cộng hòa Czech - chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), thông báo EU đã thống nhất giá trần khí đốt là 180 euro (khoảng 191 USD) mỗi megawatt giờ.
Quyết định về mức giá trần khí đốt được thống nhất trong cuộc họp các bộ trưởng năng lượng EU diễn ra tại Brussels, Bỉ ngày 19-12.
Biện pháp này sẽ áp dụng từ ngày 15-2-2023. Giá trần được kích hoạt nếu giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan (được xem là tiêu chuẩn châu Âu) vượt quá mức 180 euro/megawatt giờ trong ba ngày.
Theo Hãng tin Reuters, Ủy ban châu Âu sẵn sàng đình chỉ trần giá khí đốt đã được EU đồng ý, nếu phân tích của các nhà quản lý cho thấy việc này có hại nhiều hơn lợi.
* Ủy ban điều tra Hạ viện Mỹ khuyến nghị điều tra hình sự cựu tổng thống Donald Trump. Ngày 19-12, Ủy ban điều tra vụ bạo loạn ở Đồi Capitol của Hạ viện Mỹ đã công bố các kết luận điều tra, khuyến nghị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra hình sự cựu tổng thống Donald Trump về các tội kích động bạo loạn, âm mưu lừa gạt, đưa ra tuyên bố sai sự thật và cản trở tiến trình chuyển giao quyền lực.
Các kiến nghị là kết quả sau 18 tháng điều tra của Ủy ban điều tra Hạ viện Mỹ về vụ bạo loạn này và vai trò của ông Trump trước, trong và sau vụ bạo loạn. Các điều tra viên của ủy ban cho biết họ kiến nghị điều tra hình sự đối với cựu tổng thống Trump dựa trên các bằng chứng đầy đủ cho thấy ông đã vi phạm các đạo luật khác nhau như: xúi giục, hỗ trợ và kích động bạo loạn; cản trở tiến trình chuyển giao quyền lực; âm mưu lừa gạt, đưa ra tuyên bố sai sự thật; và các đạo luật khác.
Tuy nhiên, các khuyến nghị trên phần lớn chỉ mang tính tượng trưng vì Bộ Tư pháp Mỹ không bắt buộc phải xem xét các khuyến nghị từ các ủy ban của Quốc hội. Bộ Tư pháp Mỹ hiện cũng đang tiến hành cuộc điều tra riêng về vụ bạo loạn này và chưa rõ cơ quan này có thực hiện bất kỳ cuộc điều tra nào khác theo các khuyến nghị của Ủy ban điều tra Hạ viện Mỹ hay không.
Phiên họp ngày 19-12 của Ủy ban điều tra Hạ viện Mỹ về vụ bạo loạn Đồi Capitol với hình ảnh Tổng thống Trump gọi điện thoại từ Phòng Bầu dục vào ngày 6-1-2021 - Ảnh: REUTERS
* Nga sẽ đáp trả phương Tây về việc áp trần giá khí đốt. Theo Hãng tin Tass, ngay sau khi EU thông qua trần giá khí đốt, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng nỗ lực của phương Tây trong việc áp đặt trần giá khí đốt của Nga đang vi phạm cơ chế thị trường.
Ông Peskov cho biết Nga sẽ cần thời gian để cân nhắc những ưu và nhược điểm của các biện pháp đối phó và chọn cách đáp trả việc áp dụng trần giá khí đốt mới.
* Đạt thỏa thuận lịch sử về bảo vệ đa dạng sinh học. Ngày 19-12-2022, đại diện Chính phủ của khoảng 190 quốc gia đã thông qua một thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị đa dạng sinh học COP15 ở Montréal, Canada.
Hội nghị COP15 đạt được thỏa thuận nhằm bảo vệ hiệu quả 30% diện tích đất liền, nước trong đất liền, vùng ven biển và các vùng biển có tầm quan trọng đặc biệt với chức năng và sự vận hành của hệ sinh thái và đa dạng sinh học đến năm 2030. Hiện tại, chỉ có 17% đất liền và 8% vùng biển là được bảo vệ.
Theo đó, các nước cũng cam kết huy động ít nhất 20 tỉ USD hằng năm từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển (gấp đôi con số hiện nay) về công tác bảo tồn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa. Con số này sẽ tăng lên 30 tỉ USD/năm vào năm 2030.
Tuyên bố chung cam kết bảo vệ quyền của người bản địa với tư cách là người quản lý vùng đất của họ, cắt giảm các khoản trợ cấp nông nghiệp gây hại cho môi trường, giảm rủi ro từ thuốc trừ sâu và giải quyết các loài xâm lấn.
Đây được xem là một thỏa thuận có ý nghĩa nhất trong việc bảo vệ đất liền và các đại dương, cũng như cung cấp nguồn tài chính để cứu đa dạng sinh học ở các nước đang phát triển.
Cần khẩn cấp bảo vệ đa dạng sinh học
Ảnh: REUTERS
Ông Egbontoluwa Marigi, 61 tuổi, làm nghề khai thác gỗ, khéo léo đưa những khúc gỗ ra khỏi khu rừng ngập nước ở Ipare, bang Ondo, Nigeria, ngày 14-10-2021. Ông cho biết rừng chỉ còn những cây nhỏ và thậm chí cây không kịp lớn đã bị chặt hạ. Theo Global Forest Watch, tổ chức cung cấp dữ liệu và giám sát rừng, từ năm 2001 - 2021, Nigeria mất 1,14 triệu hecta diện tích rừng, tương đương giảm 11% về độ che phủ của cây kể từ năm 2000. Chặt cây để khai thác gỗ, mở rộng đất canh tác hoặc để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho dân số ngày càng tăng đang gây áp lực lên các khu rừng tự nhiên của Nigeria.
TTO - Ông Henry Kissinger bị Ukraine chỉ trích mạnh mẽ; Twitter cấm quảng bá các mạng xã hội khác; Anh chuẩn bị gói viện trợ đạn pháo khủng cho Ukraine; Triều Tiên thử vệ tinh do thám tuyệt mật... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 19-12.