Ưu tiên room tín dụng cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Với đợt nới room tín dụng lần này, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, địa chỉ của dòng vốn là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ...
Tỷ lệ phân bổ room tín dụng mới cho từng ngân hàng chưa được Ngân hàng Nhà nước công bố, cơ quan này chỉ nêu nguyên tắc chung là các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng được phân bổ các mức tín dụng khác nhau, tùy khả năng thanh khoản cũng như việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước muốn khuyến khích các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay các doanh nghiệp trong thời gian tới. Nếu như các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn thì sẽ được ưu tiên phân bổ room tín dụng nhiều hơn.
Thực tế, thời gian qua, không ít ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay như ABBank ưu đãi lãi suất cho vay 5,5%/năm dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. SHB triển khai chương trình giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên. VIB giảm lãi suất đến 1,5%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn cho khách hàng vay kinh doanh khi duy trì nguồn tiền trong tài khoản thanh toán. ACB giảm lãi suất cho vay 1%/năm, với hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng. HDBank dành 120 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay VND cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Agribank giảm lãi suất cho vay lên tới 20% đối với các khoản vay cũ và mới. Vietcombank giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm đối với khách hàng hiện hữu. MB giảm 0,5 - 1%/năm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất nhập khẩu...
Tổng giám đốc một ngân hàng khác cho hay, ngân hàng sẽ ưu tiên room tín dụng vừa được cấp thêm vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tiếp tục hạn chế cho vay, chỉ thực hiện hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Dư địa tín dụng tháng 12 khoảng 400.000 tỷ đồng
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/11/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,2% so với cuối năm 2021 và cao hơn so với mức tăng 11,5% cuối tháng 10/2022.
Như vậy, dư địa room tín dụng theo chỉ tiêu cũ của năm 2022 (14%) còn 1,8%, cộng thêm room bổ sung 1,5 - 2%, thì tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 là hơn 400.000 tỷ đồng. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế dịp cuối năm.
Quyết định nới room tín dụng được công bố ngày 5/12, tức tháng cuối cùng của năm 2022, nên số tiền này chủ yếu sẽ được giải ngân cho những hồ sơ vay vốn đã được thực hiện từ trước. Thực tế, không ít hồ sơ vay vốn tồn đọng vì doanh nghiệp và người dân làm sẵn thủ tục, chỉ chờ nới room để được giải ngân.
Tình trạng chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần tín dụng có thể sẽ phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, nhưng các ngân hàng cũng nỗ lực giải ngân khoản vay mới.
Vietcombank cho biết, room tín dụng của Ngân hàng hiện còn khoảng 20.000 tỷ đồng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho khách hàng từ nay đến hết năm 2022, song tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu…
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, tính đến hết tháng 11/2022, Ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 17%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của ngành là 11,5% và cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng này, Vietcombank đã góp phần ổn định dòng vốn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sau 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19.
Tính đến tháng 10/2022, dư nợ tín dụng cho ngành nông lâm thủy sản tăng 7,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,93%, thương mại - dịch vụ tăng 13,63% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng lần lượt 3,45%, 8,42%, 9,64%), tương ứng chiếm 7,64%, 26,57% và 65,79% tổng dư nợ nền kinh tế.
Đối với các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,93%, chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,88%, chiếm 18,5%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức tăng lần lượt là 12,99% và 5,86%.