Ngày 20-12, Sở Y tế TP.HCM đã công bố 10 hoạt động nổi bật của ngành y tế TP trong năm 2022. Trong đó, hoạt động nổi bật nhất là phục hồi hệ thống y tế sau thời gian dài ứng phó với đại dịch COVID-19 (từ ngày 1-10-2021 đến nay).
Phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19
Có thể nói năm 2022 TP.HCM luôn trong nguy cơ dịch chồng dịch. Khi cả hệ thống y tế vừa kiểm soát được đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19 thì dịch bệnh sốt xuất huyết lại xuất hiện với số ca mắc và tử vong tăng cao so với mọi năm. Hàng loạt giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết được triển khai, trong đó nhiều giải pháp mang tính sáng tạo như luân phiên các chuyên gia điều trị sốt xuất huyết trực chiến tại các BV quận, huyện có số ca mắc cao, quy trình báo động đỏ trong điều trị sốt xuất huyết… Nhờ đó, dịch bệnh sốt xuất huyết đã được kiểm soát.
Tiếp theo đó là dịch bệnh mới nổi đậu mùa khỉ. Ngay sau khi Bộ Y tế cảnh báo đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã triển khai ngay các giải pháp kiểm soát. Qua đó, phát hiện hai trường hợp mắc bệnh ở nước ngoài (tháng 10-2022) ngay khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Các trường hợp mắc đều cách ly điều trị kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng.
Ca ghép thận từ người hiến chết não không cùng huyết thống cho một bệnh nhi vào tháng 8-2022. Ảnh: SYT |
TP cũng ưu tiên nguồn lực triển khai chương trình sức khỏe“Gói can thiệp thiết yếu đối với các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO” (gọi tắt là WHO PEN). Theo các chuyên gia của WHO, chăm sóc và quản lý bệnh không lây nhiễm dựa vào hệ thống y tế cộng đồng là hướng đi đúng, không nhất thiết phải đưa các bác sĩ (BS) chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa nội tiết của các BV về y tế cơ sở. Thay vào đó, HCDC sẽ chịu trách nhiệm điều phối, giám sát, lượng giá kết quả chương trình. Nhân viên trạm y tế phường, xã cùng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là lực lượng chính triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân
Đáng lưu ý, ngành y tế TP còn triển khai hoạt động phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm - đang có khuynh hướng gia tăng tỉ lệ mắc sau đại dịch COVID-19. Xác định yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công khi triển khai chăm sóc các bệnh không lây nhiễm là đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho các trạm y tế, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng đấu thầu tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng hướng về y tế cơ sở. Trong đó, bổ sung danh mục thuốc cho các bệnh không lây nhiễm tương tự như danh mục thuốc của các BV tuyến huyện.
Hiện đã có 100% (103/103) thủ tục hành chính công của Sở Y tế được đưa lên cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế (liên thông với cổng dịch vụ công của TP).
Tác động của dịch COVID-19 lên sức khỏe tâm thần của người dân đã được nhiều báo cáo khoa học trên thế giới ghi nhận. Theo WHO, trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.
Do đó, TP.HCM đã đưa vào hoạt động dịch vụ “cấp cứu trầm cảm” của Trung tâm Cấp cứu 115. Mục đích nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh có biểu hiện trầm cảm nặng để đưa họ đến cơ sở điều trị chuyên khoa. Mô hình được triển khai thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Cấp cứu 115 và BV Tâm thần TP.HCM. Ngoài ra, người dân còn có thể gọi đến hotline “1900 1267” để kết nối nhanh với các chuyên gia tâm thần.
Sau hơn bốn tháng triển khai, “cấp cứu trầm cảm” đã tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần, đã có 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến BV Tâm thần điều trị.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở
Tháng 2-2022, ngành y tế TP bắt đầu thí điểm đưa các BS mới tốt nghiệp tham gia thực hành tại trạm y tế, giúp củng cố nguồn nhân lực công tác tại y tế cơ sở vốn rất khó khăn lại càng khó hơn sau đại dịch COVID-19. Hiện đã có 286 BS đang được đào tạo theo chương trình này, trung bình mỗi trạm y tế sẽ được phân bổ một BS trẻ đến tham gia thực hành công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm.
Sau sáu tháng triển khai, hơn 90% BS đạt các chỉ tiêu về thực hành lâm sàng tại BV và trạm y tế. Sở Y tế cũng vừa tiếp nhận thêm 212 BS mới tốt nghiệp đăng ký khóa đào tạo thực hành thứ hai (bao gồm 168 BS từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 43 BS từ Trường ĐH Y Dược TP.HCM, một BS từ Học viện Quân y). Như vậy sẽ có thêm 212 BS về thực hành tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn (tổng cộng có 480 BS trẻ thực hành tại trạm y tế trong thời gian từ nay đến tháng 8-2023).
Ngoài ra, TP cũng luân phiên BS trẻ tình nguyện và X-quang phổi có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) về xã đảo Thạnh An,huyện Cần Giờ. Với chương trình này, người dân xã đảo khi đi khám bệnh, chụp X-quang sẽ không phải vất vả vào đất liền như trước. Nhờ ứng dụng AI được tích hợp trên máy X-quang, các BS dễ dàng đọc được các thương tổn. Cùng với đó, do được kết nối hệ thống PACs nên khi cần hội chẩn và xin ý kiến các BS chuyên khoa, chỉ cần 15 phút là các BS trên đảo đã có chẩn đoán chính xác và có kế hoạch điều trị cho người bệnh.
Không chỉ vậy, ngành y tế sẽ triển khai khám và lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân xã đảo Thạnh An, qua đó sàng lọc và phát hiện người mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Lần đầu tiên tổ chức hội thi “Trưởng trạm y tế giỏi”
Năm 2022, ngành y tế TP tổ chức hội thi “Trưởng trạm y tế giỏi”. Hội thi đã thu hút 374 cán bộ y tế đang công tác tại 310 trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP tham gia. Các câu hỏi tập trung vào các nhiệm vụ của trạm y tế như: Phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý các chương trình sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu…