Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: “Năm 2022, xuất khẩu nông sản Việt Nam dự kiến chạm mốc 50 tỉ USD. Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nông nghiệp vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo. Về lâu dài, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất nông nghiệp, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Do đó, yếu tố xanh, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn… đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021-2030”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp - ẢNH: H.L. |
Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - hiện đại, tuần hoàn và phát thải thấp là xu hướng tất yếu của ngành lúa gạo. Cần hạn chế, cấm các loại thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng đã được một số nước cảnh báo.
Ông Li Guo - chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cam kết đồng hành, hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng “hiện đại - bền vững - phát thải thấp". Ông cho rằng, sự suy giảm môi trường bởi sử dụng nhiều nước, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật và tác động biến đổi khí hậu… đang đe dọa sự phát triển của ngành nông nghiệp; do đó cần có định hướng, chính sách cụ thể để giải quyết thách thức này.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nước ta có 10 nhóm hàng nông nghiệp nằm trong top 10 về xuất khẩu thế giới như, tôm, cá tra, cà phê, gạo, chè, các sản phẩm từ lâm nghiệp... Việt Nam có những cam kết, kế hoạch quốc gia hướng đến nền nông nghiệp bền vững, giảm phát thải. Điều này cho thấy Việt Nam có trách nhiệm về môi trường đối với thế giới. Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh ĐBSCL có định hướng sử dụng quỹ đất, giống cây trồng, nâng giá trị nông sản. Cần có các chính sách đầu tư khai thác triệt để, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ ngành chức năng và các tỉnh ĐBSCL đã cùng cam kết thực hiện nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 2023, chuyển dịch mạnh mẽ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi ở ĐBSCL theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch. Từ năm 2024, chấm dứt việc đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua việc cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình công nghệ…
Huỳnh Lợi