Học sinh vùng sâu vùng xa tỉnh Kon Tum chăm chú học tập - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Thủ tục lằng nhằng
Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết đầu tháng 3 năm nay, đơn vị đã nhận được hơn 36,3 tỉ đồng từ các đơn vị tài trợ. Trong đó, VietinBank là 25 tỉ, Ngân hàng ACB 10 tỉ và hơn 1,3 tỉ huy động ở tỉnh.
Trong văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục tổ chức mua sắm. Nhưng khi triển khai vướng quyết định số 14/2022 của UBND tỉnh Gia Lai về "quy định phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ".
Quyết định này quy định các gói thầu từ 2 tỉ đồng trở lên do UBND tỉnh quyết định. Do đó, các thủ tục để UBND tỉnh này chính thức có văn bản giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư phải qua Sở Tài chính, kéo dài 45 ngày (từ 1-3 đến 15-4).
Trong thời gian nói trên, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo lập thủ tục "xác lập quyền sở hữu toàn dân" đối với số tiền nhận tài trợ. Từ đó kéo theo nhiều thủ tục khác để nộp tiền vào ngân sách, xác lập quyền sở hữu toàn dân; xuất ngân sách cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo khi UBND tỉnh có quyết định cấp kinh phí cho sở này mua máy tính bảng (kéo dài 60 ngày, từ 15-4 đến 15-6).
"Các tỉnh khác không làm theo kiểu này. Sở đã lập tài khoản ở Kho bạc Nhà nước, tiền tài trợ chuyển về đó, chứ không nộp tiền vào ngân sách. Nhưng Sở Tài chính lại không chịu, bắt buộc nộp vào tài khoản ngân sách tỉnh. Mà nộp vào khi xuất ra cho đơn vị thì phải theo quy chế chi tiêu ngân sách địa phương" - vị lãnh đạo nói.
Vị lãnh đạo cho biết thêm sau khi có quyết định cấp kinh phí nói trên, đơn vị làm tờ trình lên Sở Tài chính theo quy định. Tuy nhiên, sở này yêu cầu cung cấp nhiều loại tài liệu làm rõ kết quả thẩm định giá như: hồ sơ chứng từ, hợp đồng tương tự, hóa đơn bán hàng của các giao dịch tương tự đã có trên thị trường....
Mặc dù, tại thông tư 58 của Bộ Tài chính chỉ yêu cầu điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu là có chứng thư thẩm định giá. Còn các tài liệu hồ sơ làm căn cứ để lập chứng thư là do đơn vị thẩm định giá thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.
"Sở đã cung cấp đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu của Sở Tài chính qua 7 tờ trình (7 lần) nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Do đó, việc thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua máy tính bảng tiếp tục bị dừng lại, chờ chỉ đạo hướng dẫn.
Việc mua máy tính sẽ tiếp tục kéo dài và lập thủ tục xin chuyển nguồn kinh phí sang năm 2023, nếu không sẽ bị hủy vì đã nộp vào ngân sách. Đầu năm 2023 mới triển khai được chương trình Sóng và máy tính cho em" - vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Thầy cô giáo vùng sâu vùng xa ân cần chỉ dạy học sinh - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Muốn nhận máy từ nhà tài trợ
Còn tại Kon Tum, đầu tháng 3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tiếp nhận đầy đủ 35 tỉ đồng từ các ngân hàng tài trợ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với số tiền 35 tỉ đồng, tỉnh Kon Tum sẽ mua được khoảng 14.000 máy tính bảng (giá dự toán được duyệt gần 2,5 triệu đồng/máy) để cấp phát cho học sinh.
Tuy nhiên, hiện sở này mới triển khai đến giai đoạn tổ chức đấu thầu (giai đoạn chấm thầu), lựa chọn nhà thầu mua sắm.
Theo giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum, quá trình tổ chức mua sắm máy tính bảng chương trình Sóng và máy tính cho em đã bị kéo dài, đến nay vẫn chưa hoàn thành do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục. Trong đó có liên quan đến định mức, cấu hình máy theo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bà Phạm Thị Trung - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum - cho biết đến nay sở đang đấu thầu mua máy tính. Sau khi lựa chọn được nhà thầu sẽ nghiệm thu máy tính, nếu 100% máy đảm bảo theo yêu cầu, sở mới bàn giao xuống cho các trường.
"Phấn đấu sang đầu quý 1 (2023), cố gắng lựa chọn được nhà thầu cung ứng tốt, đáp ứng được yêu cầu. Sau đó sẽ tổ chức các bước nghiệm thu, hướng dẫn sử dụng một cách hiệu quả.
Sở cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm đẩy mạnh chương trình Sóng và máy tính cho em ở các cơ sở vùng sâu vùng xa. Trong đó, sở mong muốn được nhận máy từ các đơn vị tài trợ để giảm các bước đấu thầu, đảm bảo sớm đưa máy đến các em học sinh. Sở cũng đã chủ động rồi nhưng khách quan còn nhiều vướng mắc, nằm ngoài thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo" - bà Trung nói.
Đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân gây ra sự chậm trễ
Ngày 20-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" (lần 2).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi.
Nguyên nhân do các cơ quan tham mưu của tỉnh, đặc biệt là Sở Tài chính, đã rất lúng túng, thiếu trách nhiệm, tạo ra nhiều thủ tục rườm rà, không đúng thẩm quyền.
Việc triển khai ở các địa phương lại rất chậm trễ, gây bức xúc cho giáo viên, học sinh, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ phát động.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo khẩn trương tổ chức mua sắm máy tính bảng để bàn giao cho học sinh; đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác tham mưu gây ra sự chậm trễ trong tổ chức mua sắm.
Xem thêm: mth.48965841112212202-iahk-neirt-uas-man-gnahn-gnal-cut-uht-me-ohc-hnit-yam-av-gnos/nv.ertiout