Bà Đỗ Nguyệt Ánh - chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - Ảnh: N.K.
Thông tin trên được bà Đỗ Nguyệt Ánh - chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.
Nhắc lại phát biểu năm 2021 khi bày tỏ những băn khoăn trong đảm bảo cung ứng điện, bà Ánh cho rằng thực tế đã khó khăn hơn rất nhiều và vượt xa dự tính khi phải đến vài chục năm trở lại đây ngành điện mới phải đối mặt với những thách thức lớn như vậy.
Bởi không chỉ là cung ứng điện mà việc giá mua điện tăng cao đã khiến cho EVNNPC chịu áp lực về chi phí đầu vào. Dẫn chứng, so sánh với đơn giá trong kế hoạch, bà cho biết giá mua điện trên thị trường đã tăng 685 đồng/kWh, khiến cho chi phí bỏ ra tăng thêm là 3.700 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tăng trưởng thương phẩm thấp kỷ lục. Rà soát lại suốt 15 năm qua, bà Ánh cho biết chỉ duy nhất năm 2020 do ảnh hưởng COVID-19 nên tăng trưởng điện thương phẩm là 6,7%, còn lại các năm đều tăng trưởng khoảng 10%. Tuy vậy, năm nay dù COVID-19 đã được kiểm soát nhưng mức tăng trưởng mà tổng công ty đạt được chỉ là 5,42%.
Đặc biệt, chủ tịch EVNNPC cho hay là những ngày cuối cùng năm 2022 càng bộc lộ rõ mức độ suy thoái, suy giảm trong sản xuất công nghiệp. Theo đó, các hộ tiêu thụ lớn nhất trong ngành như sắt thép, điển hình là Hòa Thép đã dừng 4-5 lò, xi măng cắt giảm các ca, chỉ sản xuất cầm chừng; hay với lĩnh vực linh kiện điện tử, Samsung là hộ tiêu thụ lớn đã dừng toàn bộ hoạt động tới 15 ngày, gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu phụ tải (tiêu thụ điện) lên tới 300 triệu kWh.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, bà Ánh cho biết việc cắt giảm hoạt động sản xuất của Samsung diễn ra vào những ngày cuối năm và mức độ lớn hơn năm trước. Bởi như mọi năm, công ty này dù cũng có thời gian ngừng hoặc giảm hoạt động nhưng để bảo dưỡng duy tu, chỉ 5-7 ngày, trong khi năm nay dừng hoạt động toàn bộ lên tới 15 ngày. Việc Samsung cắt giảm đã khiến cho mọi vệ tinh xung quanh cũng bị cắt giảm hết, khiến tổng lượng điện giảm là 300 triệu kWh.
Bà Ánh cho biết thêm, tình trạng giảm tiêu thụ điện của các hộ sản xuất không phải chỉ diễn ra ở tháng trước Tết, mà từ trước đó khoảng đầu quý 4, các nhà máy đã bắt đầu cắt giảm. Dẫn tới trong năm nay tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến đạt là 89,2 tỉ kWh, thì hiện chỉ đạt 86,3 tỉ kWh (đã bao gồm khoảng 1 tỉ kWh do dịch chuyển ngày ghi chỉ số). Như vậy, sản lượng điện thương phẩm giảm tới 4 tỉ kWh so với kế hoạch ban đầu.
"Đầu năm không đến nỗi, đặc biệt nửa đầu năm việc đầu tư, sản xuất vẫn tốt nhưng bắt đầu suy giảm từ quý 3, thậm chí tháng 11 tăng trưởng âm. Tại miền Bắc, điện cho sản xuất công nghiệp chiếm 65% nên càng thấy rõ nền kinh tế cực kỳ khó khăn, đặc biệt là những nhà sản xuất công nghiệp miền Bắc" - bà Ánh nói.
Chủ tịch EVNNPC cũng thông tin thêm là với những doanh nghiệp đầu tư mới, dù đăng ký vào đầu năm nhưng hiện nay cơ bản các dự án đều bị giãn, chậm tiến độ. Do đó, số lượng dự án mới vào và đăng ký mua điện là rất ít, song EVNNPC vẫn phải tập trung đầu tư cải thiện hệ thống lưới điện để đáp ứng nhu cầu.
Từ thực tế trên, bà Ánh cho biết trong năm nay EVNNPC lỗ tới 4.700 tỉ đồng do sản xuất, kinh doanh điện. Tình hình tài chính khó khăn nên kéo theo đó, tiền lương cán bộ, công nhân viên ngành điện cũng bị cắt giảm, chỉ bằng 62% so với năm 2021, đi kèm với các khoản chi phí được tiết giảm tối đa như chi phí sửa chữa lớn giảm 40%.
Theo đó, bà kiến nghị xem xét đảm bảo thu nhập cho người lao động, giải quyết những khó khăn do tăng giá mua điện trên thị trường, bởi với những khoản thua lỗ sẽ ảnh hưởng tới báo cáo tài chính khiến các ngân hàng yêu cầu ngừng giải ngân; đẩy nhanh tiến độ nguồn và lưới điện để giải quyết bài toán thiếu điện miền Bắc.
EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định để giảm bớt khó khăn, đảm bảo cân bằng tài chính, áp dụng cơ chế thị trường, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.