Sau gần 1 năm nộp đơn khởi kiện, chiều 22-12, vụ tranh chấp lao động giữa bà Trần Thị Ngọc Thu và Công ty TNHH Vagabond Việt Nam (100% vốn nước ngoài, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) đã được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hóc Môn đưa ra xét xử phiên sơ thẩm.
Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Nga, 2 Hội thẩm nhân dân và phía đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hóc Môn là Kiểm sát viên Hồ Thị Hiền.
Theo đơn khởi kiện, bà Thu đã ký hợp đồng lao động không xác định với công ty từ tháng 1-2014. Từ 24-7-2021, công ty toàn thể công nhân tạm nghỉ việc để phòng chống dịch COVID-19. Đến ngày 2-11-2021, bà Thu nhận được thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của công ty đề ngày 23-8-2021 và Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1-10-2021, lý do công ty gặp khó khăn do dịch bệnh. Cho rằng đã bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật, bà Thu khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường hơn 300 triệu đồng.
Hình ảnh tại phiên tòa xử vụ án tranh chấp lao động giữa bà Trần Thị Ngọc Thu và Công ty TNHH Vagabond Việt Nam
Phiên tòa diễn ra bình thường, đúng trình tự cho đến khi kết thúc phần hỏi, chủ tọa phiên tòa tuyên bố "nếu không ai yêu cầu Hội đồng xét xử hỏi thêm vấn đề gì khác thì tôi xin kết thúc phần hỏi, chuyển sang đại diện Viện kiểm sát phát biểu".
Trong phát biểu của mình, ngoài yêu cầu thẩm phán rút kinh nghiệm vì vi phạm thời gian đưa vụ án ra xét xử, đại diện Viện kiểm sát khẳng định Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng quy định Bộ Luật Tố tụng Dân sự trong quá trình xét xử vụ án. Đồng thời, không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của bà Thu.
Lúc này, Luật sư Đinh Ngọc Anh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thu tại tòa, đã phản ứng vì cho rằng Hội đồng xét xử đã không tuân thủ trình tự xét xử vụ án theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự.
Theo ông Anh, sau khi kết thúc phần hỏi sẽ đến phần tranh luận, đối đáp giữa các đương sự, trong đó có phần trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn rồi mới đến phần phát biểu của đại diện Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã bỏ qua phần quan trọng của phiên tòa. Đáng nói hơn, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra quan điểm khi chưa nghe phần tranh luận, trình bày của nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là chưa khách quan.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng đã có sự "nhầm lẫn" về trình tự, sẽ quay lại phần hỏi và thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, Luật sư Anh không đồng ý và cho rằng đại diện Viện kiểm sát đã không vô tư trong phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi kiểm sát viên.
Phía công ty cũng cho rằng đại diện Viện kiểm sát chưa thực sự khách quan để tiếp tục phiên tòa nên cũng đề nghị đổi kiểm sát viên khác
Kiểm sát viên Hồ Thị Hiền giải thích đã "hiểu nhầm" là 2 bên không có tranh luận gì và Hội đồng xét xử chuyển qua phần Kiểm sát viên phát biểu nên mới đứng lên phát biểu, chứ không phải không nắm quy trình. Sau vụ việc trên, Hội đồng xét xử đã phải quyết định tạm hoãn phiên tòa.
Chia sẻ sau phiên tòa, bà Thu nói người lao đông kiến thức pháp luật có hạn, nên việc khởi kiện đòi quyền lợi vô cùng khó khăn. Nếu không có luật sư, bà không thể không phát hiện ra sai sót của Hội đồng xét xử.
Xem thêm: mth.17631515132212202-mch-pt-nom-coh-neyuh-dnat-iat-gnouht-tab-ux-tex-neihp/nv.ahos