Chiều 23/12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang (trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa).
Chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu
Mở đầu phiên xét hỏi, HĐXX đã hỏi bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về các nội dung liên quan.
Theo cáo trạng, với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng đã chỉ đạo thực hiện các sai phạm trong việc khai thác quỹ đất cơ sở cũ của Trường chính trị để thực hiện dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.
Cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo Thắng là người chịu trách nhiệm chính khi là người trực tiếp ký các quyết định giao dự án cho Công ty Hoàn Cầu (sau này là Công ty CP Thanh Yến) khi không qua đấu thầu, đấu giá gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
HĐXX hỏi về việc vì sao chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn? Bị cáo Thắng cho biết khi thông báo mời thầu dự án thì có 2 công ty đăng ký tham gia.
Tuy nhiên, khi so sánh 2 doanh nghiệp thì Công ty TNHH Đông Đô ở tận Hà Nội, chưa thực hiện dự án đầu tư nào ở tỉnh; còn Công ty TNHH Hoàn Cầu có kinh nghiệm đầu tư những công trình lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, từng tài trợ 8 triệu USD khi tỉnh đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ nên đã chọn công ty này.
Bên cạnh đó, trong cuộc họp mọi người đều thống nhất như vậy. “Thẩm quyền chỉ định thầu là của mình nên bị cáo chọn đơn vị nào có năng lực thì chỉ định”, bị cáo Thắng nói.
HĐXX nói rằng theo quy định nếu có 2 nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký thực hiện dự án thì phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
“Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa được xem xét quyết định việc chỉ định nhà thầu theo quy định hiện hành. Có quyền chỉ định thầu nhưng phải theo quy định. Và quy định ở đây là có 2 nhà đầu tư trở lên thì phải tổ chức đấu thầu chứ không được chỉ định”, đại diện HĐXX nói.
Bị cáo Thắng nói rằng, trong trường hợp chỉ định thầu bình thường thì làm như vậy. Còn nếu chỉ định thầu theo thẩm quyền Thủ tướng thì không cần phải như vậy, trong trường hợp cấp bách là được chỉ định thầu.
Theo bị cáo Thắng, dự án này thể hiện cấp bách là do công trình Trường Chính trị cũ được xây dựng từ năm 1965, đến năm 2015 thì hết niên hạn sử dụng; kết cấu chính của công trình bị gỉ sét, mục nát, mối mọt. Cho nên nếu tiếp tục sử dụng nữa sẽ gây nguy hiểm tính mạng con người.
Từ đó, bị cáo áp dụng tính cấp bách theo quy định tại Thông tư 03 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 108 của Chính phủ để lập dự án, chỉ định nhà đầu tư thực hiện.
Về vấn đề này, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đã phản bác khi cho rằng tính cấp bách chỉ áp dụng cho các trường hợp: Dự án cần thực hiện sớm để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ sự kiện quan trọng của quốc gia, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới hải đảo...
Còn Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa xuống cấp như bị cáo viện dẫn không thuộc các trường hợp theo quy định.
Giải thích về việc ấn định giá trị khu đất được cố định, ổn định trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng, bị cáo Thắng cho biết làm theo Thông tư của Bộ Tài chính về nguyên tắc thanh toán.
Thông tư hướng dẫn xác định giá trị khu đất trước khi dự án BT hoàn thành thì tỉnh và nhà đầu tư phải tính toán điều kiện thanh toán để đảm bảo cho lợi ích cả hai bên.
Vận dụng quy định này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng quy chế, được Tỉnh ủy đồng ý và HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết giá đất hoàn vốn dự án BT được giữ ổn định trong quá trình thực hiện dự án.
Ký giấy chứng nhận đầu tư ngược quy hoạch
Về việc ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp, bị cáo Thắng thừa nhận thời điểm tháng 6/2015, khi ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thanh Yến thực hiện dự án khu phức hợp gồm trung tâm thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư - Nha Trang Center 2 (nay là Gold Coast), là không đúng với kế hoạch sử dụng đất Tp.Nha Trang.
Tuy nhiên, bị cáo Thắng cho rằng đã ký giấy đầu tư cho Công ty Cổ phần Thanh Yến phù hợp với quy hoạch đô thị của Tp.Nha Trang đến năm 2025 đã được phê duyệt.
“Theo quy hoạch, khu đất số 1 Trần Hưng Đạo sẽ là trung tâm đa năng, không còn là đất trụ sở cơ quan nữa. Tuy nhiên, lúc đó (thời điểm cấp giấy phép đầu tư) tạm thời chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Tp.Nha Trang. Bởi vì, Tp.Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực”, bị cáo Thắng nói.
HĐXX hỏi vì sao biết chưa phù hợp mà sao vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư?
Bị cáo Thắng cho rằng, vì theo Luật Đất đai 2013 có quy định đối với những địa phương nào mà quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì được phép bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy hoạch. Sau đó, làm các thủ tục trình Chính phủ phê duyệt.
Thế nhưng, HĐXX đã chỉ ra việc bị cáo đã làm ngược quy trình. Theo đó, bị cáo đã giao dự án, cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp trước rồi mới thực hiện việc bổ sung quy hoạch để phù hợp với dự án.
Trả lời HĐXX về nhận thức của bị cáo về các hành vi, việc làm của mình sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bị cáo Thắng nói rằng việc làm của mình là không sai. Bị cáo cho rằng đã làm việc theo khuôn khổ pháp luật.
Đồng thời, bị cáo cũng nói rằng khi ký cấp dự án bị cáo đã căn cứ đầy đủ các văn bản pháp luật và cũng tham vấn ý kiến các sở, ngành liên quan, Thường trực UBND tỉnh và báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy trước khi quyết định chỉ định thầu, giao dự án, cấp giấy phép đầu tư.
Vì vậy, nếu căn cứ theo quy định pháp luật thời đó, bị cáo thấy có phần oan ức, chưa phù hợp.
Chiều cùng ngày, HĐXX, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng đã đặt nhiều câu hỏi với bị cáo Thắng để làm rõ nội dung vụ án.
Tiếp sau bị cáo Thắng, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, phiên tòa sau đó kết thúc sớm hơn dự kiến do bị cáo Thiên có vấn đề về sức khỏe.
Phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử vào ngày mai (24/12).
Châu Tường