Quảng Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ về tư duy phát triển trong quy hoạch đô thị và bảo vệ rừng. Đặc biệt, tỉnh đang quy hoạch lại, đàm phán với các chủ đầu tư để định hình một quy hoạch tổng thể vùng Đông ven biển xứng tầm, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cũng đang thực hiện đề án “Đấu giá, bán Tín chỉ cacbon từ rừng cho các doanh nghiệp, quốc gia phát triển” – một đề án chưa từng có tiền lệ và đầu tiên cả nước.
Vậy các chính sách đột phá này sẽ được triển khai ra sao? Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (ảnh) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
. Phóng viên: Được biết, ông là người rất quan tâm đến rừng. Ông đã có những chuyến lội rừng nhiều ngày liền để tìm giải pháp bảo vệ rừng. Vậy theo ông, chất lượng rừng tự nhiên của Quảng Nam hiện ra sao?
+ Ông Lê Trí Thanh: Quảng Nam luôn xác định việc quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để trở thành địa phương phát triển bền vững và điển hình của cả nước về công tác bảo vệ rừng. Nếu làm tốt thì điều này không chỉ phục vụ cho khu vực phía tây của tỉnh mà còn giúp rất nhiều trong việc bảo vệ an toàn ở hạ du, đóng góp tích cực vào bảo vệ sinh thái, đa dạng sinh học của cả nước.
Năm năm trở lại đây, tỉnh luôn tập trung, nỗ lực để đánh giá, rà soát lại công tác bảo vệ rừng trên địa bàn. Từ đó, chúng tôi quyết định điều chỉnh mô hình để nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Bởi qua đánh giá thực tế, diện tích rừng tự nhiên của Quảng Nam thuộc tốp đầu nhưng chất lượng lại chưa đảm bảo yêu cầu.
. Quảng Nam đã và sẽ làm những gì để nâng cao chất lượng rừng như ông đề cập ở trên, thưa ông?
+ Vấn đề nâng cao chất lượng rừng được thực hiện bằng cách tăng cường sự tham gia bảo vệ của cộng đồng, kiểm lâm và chính quyền địa phương. Đối với những khu vực rừng tự nhiên chất lượng bị suy giảm thì phải phục hồi và chúng tôi đã làm tốt công tác này trong những năm qua.
Điển hình như năm 2020, diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện để công nhận thành rừng ở Quảng Nam đạt 200 ha. Đó là cả một quá trình dài về chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ rừng của người dân và chính quyền.
Chúng tôi cũng xem xét điều chỉnh quy hoạch các loại rừng, xác định những khu vực cần thiết phải bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi. Cùng với đó là rà soát, loại ra khỏi quy hoạch những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhưng không có chức năng phòng hộ hay đặc dụng… Việc giải quyết chuyển đổi loại đất rừng phù hợp sẽ góp phần phát triển đúng mục đích của từng loại rừng, tạo điều kiện để người dân sống dựa vào rừng.
. Tôi được biết, Quảng Nam đang có những kế hoạch rất táo bạo và đặc biệt để bảo vệ và phát triển rừng bền vững mà chưa có nơi nào làm. Ông có thể chia sẻ về những kế hoạch đó?
+ Hiện nay có hai việc chúng tôi đang làm, thứ nhất là sắp xếp lại mô hình quản lý rừng. Thứ hai là nâng cao trữ lượng, chất lượng rừng gắn với sự tham gia của cộng đồng.
Trước đây, đối với một khu rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng thì trưởng ban quản lý (BQL) sẽ kiêm chức danh hạt trưởng hạt kiểm lâm khu vực và BQL rừng này trực thuộc Sở NN&PTNT.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cách làm này sẽ tách rời sự tham gia của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng... Do đó, để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi đã điều chỉnh lại mô hình quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, hạt kiểm lâm sẽ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, còn các BQL rừng sẽ được đưa về trực thuộc UBND cấp huyện. Điều này cũng tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Chúng tôi quy định, mỗi huyện miền núi có một hạt kiểm lâm, khu vực đồng bằng có hạt kiểm lâm liên huyện (được gom từ ba huyện), đồng thời dần bỏ các chốt barie, trạm kiểm lâm ở dọc các tuyến đường.
Tỉnh cũng thành lập BQL rừng chuyên trách mà nguồn nhân lực chính được tuyển chọn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội, công an xuất ngũ. Ngoài ra, mô hình này còn có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Tiền chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được chi từ nhiều nguồn, ngoài ngân sách thì còn có nguồn từ bảo vệ môi trường rừng, dịch vụ môi trường rừng…
. Chúng tôi được biết tỉnh đang tính tới việc đấu giá quốc tế để bán Tín chỉ cacbon? Vậy việc này được thực hiện bằng cách nào và liệu đề án này có hiệu quả?
+ Đúng vậy. Chúng tôi đã đăng ký với Bộ NN&PTNN, Chính phủ cho phép Quảng Nam xây dựng Đề án thí điểm làm đơn vị bán Tín chỉ cacbon.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiến thêm một bước nữa là lập đề án bảo vệ, phát triển, nâng cao trữ lượng rừng. Trong đó, các BQL rừng, cộng đồng cùng tham gia nhằm xác định các khu vực của tỉnh đăng ký với Chính phủ để làm khu dự trữ và hấp thụ cacbon.
Hiện đề án đã được lấy ý kiến của Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành và đang làm thủ tục hoàn thiện lại lần cuối cùng trình Chính phủ. Để làm việc này, chúng tôi đã thuê một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp quốc tế làm. Trong quá trình làm đề án, đơn vị tư vấn sẽ đồng hành tìm các đối tác nước ngoài mua Tín chỉ cacbon theo hình thức đấu giá.
Khi đề án được thông qua, Quảng Nam sẽ tham gia sàn giao dịch bán Tín chỉ cacbon quốc tế. Nếu làm tốt, ban đầu chúng tôi có thể thu về khoảng 5 triệu USD/năm. Kinh phí thu từ nguồn bán Tín chỉ cacbon sẽ được tái sử dụng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
. Sau khi bán Tín chỉ cacbon thành công, phát triển rừng sẽ hướng đến vấn đề gì cho sinh kế của người dân? Ông thường tiếp xúc với đồng bào miền núi, điều gì làm ông trăn trở và mong muốn thực hiện nhất cho họ?
+ Tôi có một hy vọng và cũng là mong ước, làm sao hệ sinh thái tự nhiên không chỉ là rừng mà còn các hệ sinh thái động - thực vật ở trong rừng của khu vực Quảng Nam phát triển tốt và người dân sẽ dần từ bỏ thói quen xâm phạm vào rừng.
Khi nhà nước có cơ chế, tạo điều kiện để người dân, nhất là đồng bào dân tộc miền núi tham gia vào việc tuần tra bảo vệ rừng, cùng trồng rừng và giúp tạo nguồn thu nhập ổn định từ rừng thì người dân sẽ xem đó là môi trường sống tất yếu, cùng tham gia, giữ gìn rừng một cách tự giác và chủ động.
Khi đi thực tế, tôi thấy có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Chẳng hạn, người dân họ đã sống và gắn bó trên những khu rừng từ nhiều đời nay. Bây giờ do yêu cầu về quản lý phát triển, chúng ta xác lập các khu rừng theo các chức năng thì phải làm sao tạo điều kiện cho họ tiếp tục gắn bó, sinh sống ổn định lâu dài.
Tôi cũng luôn suy nghĩ là phải làm thế nào để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Để giải quyết vấn đề này thì mô hình quản lý bảo vệ rừng đưa người dân cùng tham gia phải thực hiện bài bản. Cùng với đó, Quảng Nam sẽ tập trung nỗ lực phát triển các hình thức kinh tế gắn với rừng để người dân tham gia sản xuất các loại dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi…
. Ông đánh giá tiềm năng phát triển của vùng Đông Quảng Nam và bài học rút ra từ quá trình phát triển trong quá khứ như thế nào, thưa ông?
+ Vùng Đông Quảng Nam là khu vực giàu tiềm năng phát triển. Nếu chúng ta có tầm nhìn và phương pháp triển khai tốt thì chắc chắn nơi đây sẽ là một trong những nơi rất nổi trội về không gian sống và phát triển.
Khu vực vùng Đông có thị xã Điện Bàn thuộc khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, nơi đây tiếp giáp với TP Đà Nẵng nên đã có thời gian rất dài đầu tư phát triển. Tuy nhiên, khi đó do chưa thấy được lợi ích của khu vực này trong mối quan hệ vùng nên đã để quá nhiều nhà đầu tư quy mô nhỏ, diện tích nhỏ đến đầu tư. Điều này dẫn đến việc xử lý khớp nối hạ tầng, đồng bộ giữa các dự án gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực điều chỉnh quy hoạch và tổ chức quản lý, điều hành các hoạt động sao cho giảm thiểu thấp nhất các mặt hạn chế để có được một đô thị tương đối hoàn chỉnh.
Cũng từ những kinh nghiệm đó, khi mở cầu Cửa Đại, đường Võ Chí Công kết nối Hội An đến sân bay Chu Lai, chúng tôi đã tư duy lại theo hướng phát triển bền vững hơn, quy hoạch bài bản hơn.
. Vậy tỉnh Quảng Nam quy hoạch vùng Đông theo hướng nào?
+ Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế mở Chu Lai. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng không gian, điều chỉnh toàn bộ quy hoạch của chín huyện, TP, thị xã ở khu vực vùng Đông Quảng Nam. Kết nối đồng bộ, có tầm nhìn chiến lược dài hạn để có một đô thị đẹp, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giàu bản sắc, văn hóa, môi trường thiên nhiên.
Trong đó, các không gian công cộng phục vụ người dân, du khách phải đặt lên hàng đầu. Lựa chọn vị trí phát triển các ngành công nghiệp không được xung đột với phát triển du lịch và đô thị. Trong phát triển nông nghiệp cũng phải tính toán thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ nhu cầu người dân.
. Thưa ông, sông Cổ Cò và Trường Giang có phải tài sản quý ở vùng Đông Quảng Nam?
+ Khu vực vùng Đông Quảng Nam có hai hệ thống sông. Hệ thống sông động là Thu Bồn và Vu Gia. Hệ thống sông tĩnh gồm sông Cổ Cò và Trường Giang chạy dọc theo bờ biển và sông Tam Kỳ. Đối với hệ thống sông này, ngay từ đầu chúng tôi định hướng quy hoạch khoa học, nhất là đối với sông Trường Giang.
Cụ thể, quản lý phát triển hai bên sông, lưu vực, hệ thống hạ tầng cầu qua sông và các khu vực kết nối, phục hồi hệ thống sinh thái động thực vật... Tuy nhiên, việc đầu tiên là chúng tôi đi từ quy hoạch không gian, cảnh quan đến kiến trúc ven sông.
. Vậy việc quy hoạch cảnh quan hai bên con sông này như thế nào?
+ Chúng tôi đã hoàn chỉnh lần cuối cùng bản quy hoạch để chính thức ban hành trên cơ sở điều chỉnh đối với sông Cổ Cò, còn sông Trường Giang là làm mới. Tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng làm thủ tục, lựa chọn đơn vị tư vấn để đưa ra các phương án lập không gian kiến trúc hai bên sông Trường Giang, Thu Bồn và sắp tới là sông Tam Kỳ.
Tất nhiên, mỗi phương án đưa ra sẽ có mặt được và chưa được nhưng chúng tôi sẽ chọn phương án tối ưu nhất. Chúng tôi hoạch định đến hết năm 2022 cơ bản kiểm soát được quy hoạch các dòng sông, sau đó hoàn chỉnh toàn bộ quy hoạch vùng Đông Quảng Nam.
Chúng tôi sẽ mời các đơn vị tư vấn có uy tín cả trong nước và quốc tế để giúp Quảng Nam có cái nhìn quy hoạch tổng thể khu vực này. Và phải đặt trong bối cảnh kết nối không gian phát triển với Đà Nẵng, Dung Quất và vùng phía Tây Quảng Nam. Như thế chúng tôi sẽ vừa phát triển được ở hiện tại, vừa nhìn nhận được cả chuỗi phát triển lâu dài cả khu vực.
. Chuyện quy hoạch, sắp xếp lại các dự án ven sông Cổ Cò có mâu thuẫn với các nhà đầu tư không, họ có ý kiến như thế nào với chính sách, chủ trương mới của Quảng Nam?
+ Khi đặt vấn đề điều chỉnh vào lúc các dự án đã được phê duyệt, triển khai thì không thể tránh khỏi tác động đến nhà đầu tư. Do đó các bên phải ngồi lại, cùng nhau bàn bạc để có thể mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội, trong đó có các nhà đầu tư.
Và khi nói vấn đề này một cách minh bạch, rõ ràng với sự chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của các bên thì tôi nghĩ điều này không phải là quá lớn để tạo nên sự đồng thuận giữa các bên. Trên thực tế, khi thuyết minh định hướng quy hoạch cảnh quan sông Cổ Cò, định hướng không gian công cộng hai bên sông, hạ tầng giao thông,… chúng tôi đã mời các nhà đầu tư đến để trao đổi làm việc.
Quá trình này, chính các nhà đầu tư đã thấy được lợi ích của họ lồng trong lợi ích chung của câu chuyện mà Quảng Nam đang bàn. Rõ ràng một dòng sông đẹp, phát triển tốt thì giá trị của họ cũng được nâng lên và xã hội cũng có một sản phẩm tốt.
Tại một số khu vực, chúng tôi đề nghị với họ cùng đầu tư các công trình hạ tầng công cộng để phục vụ cho việc phát triển công cộng và cho chính lợi ích dự án của họ.
Câu chuyện đặt ra ở đây là lợi ích của tất cả các bên chứ không phải “ném lao theo lao”. Phải nhìn nhận, thấy được và quyết tâm làm để các nhà đầu tư cũng như những người hưởng lợi, kể cả cộng đồng dân cư ở khu vực đó thấy được sự thay đổi là cần thiết, không gây tổn hại đến ai.
. Quảng Nam đang hướng đến những nhà đầu tư như thế nào đầu tư vào khu vực vùng Đông?
+ Để có được cơ sở hạ tầng đồng bộ thì các dự án đầu tư phát triển vùng Đông sắp tới sẽ là những dự án quy mô lớn, lên đến vài trăm ha. Do đó, Quảng Nam sẽ lựa chọn những nhà đầu tư lớn, có năng lực và được kiểm chứng trên thực tế ở những dự án tương tự. Có như vậy mới hạn chế được những bất cập trong việc phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng ở quá nhiều khu vực nhỏ, trong áp giá bồi thường…
Quảng Nam cũng sẽ ban hành quy định lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn sẽ được công bố công khai.
. Những cách làm như vậy có gặp vướng mắc về mặt chính sách, pháp luật?
+ Nếu gọi là điều chỉnh về mặt chính sách để làm tốt hơn việc này thì tôi nghĩ phải ở tầm vĩ mô. Từ vấn đề Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai cho đến Luật Bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, hiện Quảng Nam sẽ làm theo hai cách.
Thứ nhất, làm trong hành lang pháp luật cho phép, cố gắng ở mức tối đa có thể. Thứ hai, tổng hợp các bất cập để kiến nghị các bộ, ngành, trung ương giải quyết giúp cho tỉnh. Còn về lâu dài thì chính thực tiễn sẽ kiểm chứng để có thể xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
. Xin cám ơn ông.
Thực hiện: Nội dung + Clip: LÊ PHI - THANH NHẬT - BÙI TOÀN - Đồ họa: HOÀNG QUYÊN