San hô Hòn Yến - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Ông Nguyễn Quang Hùng, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh như vậy tại hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức mới đây.
Phát triển kinh tế biển xanh
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng "Vấn đề khó khăn nhất trong việc bảo tồn biển đó là xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể khai thác, giữa việc bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế".
"Xét trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường, chúng ta muốn tăng trưởng nhanh nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào cho hiệu quả và bền vững chính là điều mà các vùng biển cần phải có bước đi rõ ràng".
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, để tránh xung đột trong việc bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế đó là phát triển kinh tế biển xanh. Nếu đi theo hướng này vừa có thể bào tồn biển vừa phát triển kinh tế.
"Vấn đề khẩn trương hiện nay theo tôi là quy hoạch không gian biển, trong đó có quy hoạch vùng bờ. Các bên cũng cần ngồi lại với nhau nhằm đảm bảo tránh xung đột kinh tế giữa các ngành và duy trì hệ sinh thái biển" - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thu Huệ, giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cho rằng nếu coi công tác bảo tồn là đầu vào cho phát triển kinh tế, thì chúng ta không thấy đây là gánh nặng.
Bà Huệ cho biết, sau khi có luật thủy sản, Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đang hỗ trợ 3 tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam và Bình Định.
"Dù đi sau nhưng các địa phương này làm rất quyết liệt. Đây là một đầu vào để những người quản lý ở Thanh Hóa suy nghĩ để quyết định giao cho tổ đồng quản lý ở khu bảo tồn Hòn Mê (nơi đang có "xung đột" giữa kinh tế biển và bảo tồn biển-PV)", bà Huệ nói.
Cũng theo bà Huệ, những tỉnh đã có tổ đồng quản lý, những tỉnh chưa có tổ đồng quản lý, những tỉnh đã có nhưng chưa theo tinh thần Luật thủy sản đều có cơ hội thực hành đồng quản lý.
"Trước khi có luật, các tổ chức bên ngoài đến làm các tổ đồng quản lý bà con, cơ quan quản lý nhà nước rất hào hứng, nhưng khi chúng tôi rút đi thì rất khó để duy trì. Nhưng khi có luật, thì kể cả tổ chức nước ngoài đến hỗ trợ xong rút đi thì địa phương vẫn phải tiếp tục vì Luật đã quy định rất rõ ràng".
Theo bà Huệ, để tham gia đồng quản lý cần tiến trình đòi hỏi sự tham gia và cam kết của nhiều bên đặc biệt của địa phương, sự kết nối, hợp tác của trung ương và địa phương, còn các tổ chức hỗ trợ đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy.
"Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức là hết sức quan trọng. Cần không ngừng nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ địa phương, cộng đồng dân cư về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, cơ chế chính sách phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là theo tinh thần luật thủy sản 2017…", bà Huệ chia sẻ kinh nghiệm.
Một góc khu bảo tồn biển Đảo Trần - Quảng Ninh - Ảnh: NAM TRẦN
Nhiều hỗ trợ cho tổ cộng đồng
Ông Nguyễn Quang Hùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và nhiều tổ chức quốc tế khác rất tích cực hỗ trợ các tổ đồng quản lý.
Dự án đồng quản lý trước đây chưa đưa vào Luật thủy sản và từng triển khai hơn 100 khu đồng quản lý. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay đánh giá lại thì gần như thất bại, còn lại rất ít.
Theo ông Hùng, điều 10, Luật thủy sản quy định rõ về đồng quản lý gồm thành lập tổ cộng đồng, trao quyền, thẩm quyền, tỉnh quyết định giao đồng quản lý giữa hai huyện và giữa hai tỉnh thì hai tỉnh hiệp thương,… trong đó cũng nêu trách nhiệm và quyền của tổ cộng đồng.
Về hỗ trợ, ông Hùng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Nghị định 67 sửa đổi và đang trình Chính phủ ban hành.
Trong đó có hỗ trợ đồng quản lý gồm nhà nước hỗ trợ lập hồ sơ thành lập tổ cộng đồng và hỗ trợ cho tổ cộng đồng kinh phí thường xuyên 3 năm hoạt động, miễn hạ tầng thiết yếu cho tổ cộng đồng hoạt động, cơ quan nhà nước tham gia đồng quản lý để hỗ trợ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
"Nếu nghị định ban hành thì đồng quản lý sẽ triển khai rất tốt. Hiện một số địa phương đã có mô hình đồng quản lý rất hiệu quả, thời gian tới chúng ta sẽ phải triển khai nhân rộng. Đây là một trong những biện pháp rất quan trọng để bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, cộng đồng được chia sẻ lợi ích ở trong đó thì sẽ bền vững hơn", ông Hùng nhấn mạnh.
'Nhiều khu bảo tồn biển hiện nay vẫn trong tình trạng 'bốn không', không tiền, không có người, không phương tiện và không có thẩm quyền. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm'.