Tờ South China Morning Post ngày 23-12 đưa tin Uỷ ban điều tra Hạ viện Mỹ về vụ bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6-1-2021 đã công bố bản báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra, trong đó khuyến nghị cựu Tổng thống Donald Trump vĩnh viễn không được phép ra tranh cử.
Khuyến nghị trên là một trong hàng loạt các đề nghị trong bản báo cáo dài 845 trang được Uỷ ban điều tra Hạ viện Mỹ công bố vào cuối ngày 22-12, để đảm bảo sẽ không lặp lại cuộc bạo loạn chết người mà ông Trump bị cáo buộc là người đã xúi giục trong một nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: José Luis Villegas/AP |
Nhiều khuyến nghị quan trọng
Báo cáo khuyến nghị các nhà lập pháp soạn thảo luật cấm cựu Tổng thống Trump và những người “tham gia cuộc bạo loạn” nắm giữ các chức vụ “dù là ở liên bang hay tiểu bang, dân sự hay quân đội”.
"Đất nước của chúng ta đã đi quá xa khi cho phép một tổng thống thất bại tự biến mình thành một nhà độc tài thành công bằng cách phá hoại các thể chế dân chủ và kích động bạo lực” - ông Bennie Thompson, chủ tịch Uỷ ban điều tra, cho biết trong phần giới thiệu của bản báo cáo.
Báo cáo nêu rõ: “Các bằng chứng dẫn tới một kết luận quan trọng và thẳng thắn: nguyên nhân chính của cuộc bạo loạn ngày 6-1 đến từ một người là cựu Tổng thống Trump. Sẽ không có sự kiện gì xảy ra vào ngày 6-1 nếu như không có ông ấy".
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị quan trọng, bao gồm cải cách luật bầu cử, đưa ra các biện pháp trừng phạt liên bang đối với các nhóm cực đoan cũng như chỉ định ngày quốc hội chứng nhận kết quả phiếu đại cử tri và xác nhận tổng thống đắc cử là "một sự kiện an ninh đặc biệt của quốc gia”, ngang bằng với mức độ an ninh của sự kiện tổng thống Mỹ đọc Thông điệp liên bang hàng năm trước quốc hội.
Bản báo cáo là kết quả của cuộc điều tra ròng rã kéo dài 18 tháng của Uỷ ban điều tra Hạ viện Mỹ, bao gồm việc phỏng vấn khoảng 1.000 nhân chứng và phân tích hơn một triệu tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân chính của cuộc bạo loạn năm ngoái. Đây cũng được xem là nỗ lực cuối cùng của Uỷ ban điều tra do đảng Dân chủ dẫn đầu trước khi bị giải tán và đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện vào năm sau.
Uỷ ban điều tra đã bắt đầu chuyển các tài liệu liên quan về cuộc bạo loạn tới công tố viên độc lập Jack Smith, người đang phụ trách một cuộc điều tra liên bang về vai trò của ông Trump trong cuộc bạo loạn ngày 6-1 cũng như việc ông xử lý các tài liệu mật. Theo lời của ông Thompson, "nếu các bằng chứng đúng như những gì chúng tôi trình bày thì tôi tin rằng Bộ Tư pháp sẽ buộc tội ông Trump".
Trước đó, trong ngày họp cuối cùng hôm 19-12, Uỷ ban điều tra Hạ viện đã đề nghị các công tố viên liên bang truy tố cựu Tổng thống Trump với bốn cáo buộc, bao gồm cản trở một cuộc tố tụng chính thức, âm mưu lừa gạt nước Mỹ, đưa ra tuyên bố sai sự thật và hỗ trợ hoặc xúi giục nổi loạn.
Bình luận về bản báo cáo cuối cùng nói trên, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social do ông sáng lập, chỉ trích vai trò lãnh đạo của đảng Dân chủ trong việc chuẩn bị an ninh trước cuộc bạo loạn và gọi đây là “một cuộc săn phù thuỷ".
Uỷ ban điều tra Hạ viện Mỹ về cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6-1-2021. Ảnh: J. Scott Applewhite/AP |
Quốc hội Mỹ hành động
Đài CNN ngày 23-12 đưa tin Quốc hội Mỹ đã thông qua một số biện pháp nhằm khiến các nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống đã được cơ quan lập pháp chứng nhận trở nên khó khăn hơn. Động thái này đánh dấu phản ứng đầu tiên của quốc hội về cuộc bạo loạn hồi năm ngoái.
Theo đó, dự luật sẽ sửa đổi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, luật quy định về cách thức kiểm phiếu đại cử tri và xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Các biện pháp sửa đổi sẽ bao gồm việc làm rõ rằng phó tổng thống chỉ có vai trò hình thức trong quá trình giám sát việc xác nhận kết quả bầu cử tại quốc hội và không có quyền đơn phương chấp nhận, từ chối và giải quyết các tranh chấp về phiếu đại cử tri.
Ngoài ra, dự luật sẽ gây khó khăn hơn đối với các nghị sĩ trong việc cố gắng lật ngược kết quả đã được xác nhận ở các tiểu bang bằng cách nâng ngưỡng số lượng các thành viên ở mỗi viện ủng hộ lên 20% để có thể đưa ra yêu phản đối về kết quả bầu cử trong phiên họp chứng nhận phiếu đại cử tri. Luật hiện tại quy định việc xem xét phản đối chỉ cần sự ủng hộ của ít nhất một thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ.
Dự luật cũng bao gồm những thay đổi nhằm ngăn chặn nỗ lực gửi danh sách đại cử tri giả mạo bằng việc quy định các thống đốc bang chịu trách nhiệm gửi danh sách đại cử tri đã được phê chuẩn lên quốc hội và quốc hội sẽ không chấp nhận danh sách đại cử tri do bất kỳ quan chức nào khác đệ trình.
Dự luật trên là một phần trong dự luật chi tiêu khổng lồ 1.7 nghìn tỉ USD mà cả Hạ viện và Thượng viện vừa mới thông qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ sớm ký dự luật này.