Tài khoản Zalo của kẻ đòi nợ thuê đã bị khóa sau một thời gian hăm dọa những người không hề vay nợ - Ảnh: TÂM LÊ
Về phía cơ quan công an cần kịp thời xác minh, điều tra và xử lý ngay khi nhận nguồn tin tố giác của người dân" - luật sư Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Ngày càng biến tướng đòi nợ "khủng bố"
Nhiều nạn nhân tự dưng bị đòi nợ dù không hề vay mượn ai mà chúng tôi gặp đã rất hoang mang, lo sợ bị trả thù oan.
Có người bực dọc khi bị quấy rầy, thậm chí bị đe dọa sinh mạng để phải trả tiền cho người khác. Họ đi ra khỏi nhà cũng lo lắng bị theo dõi, làm hại, ở nhà thì bị gia đình hiểu nhầm dính dáng đến nợ nần nên mới bị đòi nợ.
Nhiều nạn nhân đã bị khủng hoảng thật sự cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Chị Lê Thị Hoa ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, đến thăm chị gái cũng bị người lạ mặt theo dõi, không dám nhận người thân. Dù đã báo công an việc mình bị theo dõi, nhưng chị vẫn sợ mỗi khi ra ngoài làm việc.
Cùng xã nhưng khác thôn, chị Lê Thị Thanh cũng bị nhóm đòi nợ gọi điện yêu cầu bán đất để trả nợ cho người cháu.
"Không biết nhóm đòi nợ làm sao có được số điện thoại của tôi, họ gọi điện cả ngày, tắt máy thì họ nhắn tin. Tôi báo với công an xã nhưng họ vẫn tiếp tục gọi điện đòi trả, nếu không họ sẽ cho người tìm đến "hỏi thăm". Tôi phải thay số điện thoại mới" - chị Thanh bức xúc.
Còn chị Lê Thị Tuyết, một cán bộ của xã Thiệu Chính, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, cũng bị số điện thoại đòi nợ "khủng bố".
Chị Tuyết cho biết người lạ gọi đến yêu cầu chị phải ép gia đình ông X. đang làm trong hội đồng nhân dân xã phải trả số nợ 5 triệu đồng, nếu không sẽ đưa thông tin lên mạng vì bao che người trốn nợ. Kẻ gọi điện dùng lời lẽ thô tục, vu khống chị ngoại tình ở nơi làm việc, dọa biết con cái đang học ở trường nào...
Thậm chí, kẻ đòi nợ không chỉ đe dọa chị Tuyết mà còn gọi đe dọa nhiều cán bộ trong hội đồng nhân dân xã. Những người này không liên quan đến số nợ, không biết ai nợ và nợ bao nhiêu. Sự việc sau đó được chủ tịch xã đưa ra cuộc họp, lưu ý các thành viên hội đồng nhân dân cảnh giác với cuộc gọi lừa đảo hoặc báo với công an khi gặp phải tình huống tương tự...
Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng - phó trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự - ngày 17-6-2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đầu tư, bổ sung ngành nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Điều luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, nhưng thực tế việc đòi nợ thuê không chấm dứt mà biến tướng sang nhiều hình thức mới tinh vi hơn.
"Những người vay nợ bị nhóm đòi nợ đe dọa vẫn còn, tôi không ngạc nhiên, nhưng trường hợp người không vay nợ bỗng dưng bị đòi nợ thì gần đây xảy ra nhiều.
Ngay anh bạn thân của tôi mới than bị gọi điện đòi nợ nên bức xúc, không vay của ai đồng nào mà bị làm phiền cả ngày. Những kiểu đòi nợ bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo công ty, những người không liên quan đến khoản vay diễn ra ngày càng phức tạp" - luật sư Tùng cho biết.
Những cách thức đòi nợ như vậy đều sai quy định, làm ảnh hưởng tinh thần và đảo lộn cuộc sống của người dân. Việc bên cho vay đòi cung cấp thông tin cá nhân của bạn bè, người thân là điều vô lý. Kể cả khi những người này đồng ý cung cấp thông tin thì bên cho vay cũng không được phép gọi điện đòi nợ, quấy rầy họ hay sử dụng thông tin cá nhân đó với mục đích trái luật.
Những kẻ đòi nợ thuê ngang nhiên đến ăn ở ngay tại nhà nạn nhân - Ảnh: NVCC
Ngăn chặn nạn đòi nợ "quýt làm, cam chịu"
Luật sư Tùng nêu giải pháp: "Nếu gặp tình huống bị đòi nợ oan, người dân nên yêu cầu bên đòi nợ cung cấp biên bản vay nợ, văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ nợ, nếu bên đòi nợ không cung cấp được thì nên từ chối làm việc.
Trong trường hợp bị "khủng bố" đòi nợ, người dân nên lưu giữ lại các chứng cứ đồng thời đến cơ quan công an để trình báo, tố giác tội phạm. Đặc biệt, nếu thấy bản thân bị đe dọa thì đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật".
Theo luật sư Tùng, để ngăn chặn tình trạng đòi nợ "quýt làm, cam chịu" thì ngoài việc vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để bảo vệ người dân, xử lý các đối tượng đòi nợ thuê theo quy định đã ban hành, thì người vay nợ cũng cần tìm hiểu rõ nội dung, điều khoản cho vay để tránh mất khả năng trả nợ. Việc sửa đổi pháp luật là cần thiết nhằm điều chỉnh quan hệ vay mượn theo kịp thực tiễn, đạt được tính hiệu quả trước diễn biến phức tạp của việc đòi nợ hiện nay.
Hình thức vay càng đơn giản, nguy cơ sập bẫy nợ càng lớn. Bên cho vay liên tục quảng cáo trên các trang mạng xã hội, tạo ra các app vay. Với điều kiện vay hấp dẫn như yêu cầu người vay chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và "cho vay nhanh, lãi suất thấp".
Ở thời điểm kinh tế khó khăn hoặc gặp biến cố trong đời sống, nhiều người tìm đến các khoản vay nhanh, vay nóng này. Bởi vì nếu làm thủ tục vay ở ngân hàng mất nhiều thời gian và điều kiện vay không dễ được thẩm định.
Tuy nhiên, việc vay nhanh, vay nóng có như quảng cáo? Thực tế những người từng phải vay theo cách này cho biết: Mọi việc không đơn giản như vậy. Sau khi đáp ứng các yêu cầu cho vay, bên cho vay còn yêu cầu cung cấp địa chỉ, số điện thoại người thân của người vay.
Chưa hết, chúng còn yêu cầu cung cấp địa chỉ Zalo, Facebook của người có liên quan. Từ Facebook một người, chúng sẽ tìm ra thông tin của nhiều người khác để bôi nhọ, đe dọa đòi nợ một cách công khai.
Một nạn nhân từng bị đòi nợ thuê cho biết khi vay nhiều người cứ nghĩ việc trả lãi đơn giản. Nhưng trong trường hợp nguồn tiền bị đứt đoạn, không theo đúng kế hoạch thì lãi suất lên rất nhanh. Bên cho vay sẽ ép lãi theo tuần, theo ngày, thậm chí theo giờ. Vì thế 10 triệu sẽ lên 100 triệu rất nhanh. Nếu lãi suất vượt quá 100% một năm, bên cho vay mới bị xử lý hình sự, còn nếu dưới thì họ vẫn thoát tội được.
Theo luật sư Tùng, "về lâu dài, để chấm dứt tình trạng vỡ nợ kéo theo hệ lụy xã hội cần đưa hợp đồng vay vào nhóm hợp đồng có điều kiện, qua đó tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động vay mượn. Từng bước điều chỉnh pháp luật hướng tới sự minh bạch trong quan hệ vay mượn, đồng thời xử lý nghiêm các hình thức mua nợ, đòi nợ trái quy định pháp luật".
Các kiểu đòi nợ "khủng bố"
Khi người vay mất khả năng trả nợ hoặc bỏ trốn, phía cho vay kiểu tín dụng đen sẽ nhanh chóng gây áp lực dữ dội lên người thân hoặc những ai đó có liên quan đến con nợ.
Cha mẹ hoặc vợ/chồng của người vay sẽ bị gây áp lực đầu tiên để đòi nợ. Sau đó sẽ đến những người thân khác như con cái (nếu đã lớn), anh em, dòng họ, đồng nghiệp, sếp cơ quan, thậm chí cả hàng xóm...
Phía đòi nợ sẽ vừa gọi điện thoại, nhắn tin, vừa đến nhà những người này để gây áp lực trả nợ thay hoặc khiến họ liên hệ con nợ phải tìm cách trả nợ để không gây phiền phức đến mình.
Các hình thức gây áp lực thường là cử nhiều thanh niên có vẻ ngoài hung hãn đến nhà la lối, đe dọa để đòi nợ, thậm chí họ cứ ngồi lì mãi trước cửa để "khủng bố" tinh thần nạn nhân. Đồng thời, họ dán giấy đòi nợ trước cửa nhà và rải ra cả vỉa hè lối xóm để làm "mất mặt" nạn nhân khiến phải trả nợ.
Ngoài ra, họ còn đến cơ quan, công ty làm việc của nạn nân để gây rối, khiến nạn nhân xấu hổ hoặc bị khiển trách, kỷ luật, ảnh hưởng đến công việc, thu nhập.
Áp lực cao hơn nữa là nhà nạn nhân bị tạt sơn, mắm tôm, các chất thải bẩn, ghép hình khỏa thân lên mạng; rồi vu khống lừa đảo, ngoại tình, trộm cướp... Cuối cùng là đe dọa gây hại tính mạng nạn nhân, con cháu nhỏ bằng nhiều hình thức như "chúng tao không làm, nhưng coi chừng con mày đi học sẽ bị đụng xe"...
Đặc biệt đã có cả nhiều trường hợp bắt giữ người trái pháp luật và hành hung, sát hại để đòi nợ.
MẠNH DŨNG
Những ngày này, bà Thi mất ăn mất ngủ, có nhà không dám về vì nhóm đòi nợ con trai thường xuyên kéo đến gây rối. Điều làm bà khổ tâm hơn là gia đình thông gia tốt cũng bị vạ lây, bị bọn đòi nợ ném cả bom xăng và tạt sơn mắm tôm đầy ngõ.