Khảo sát mới đây của CNBC và hãng nghiên cứu thị trường Momentive cho thấy, phần lớn người Mỹ ngày càng coi tiền số là một khoản đầu tư may rủi. Khoảng 60% người tham gia tin rằng đầu tư vào tài sản kỹ thuật số có rủi ro cao, tỷ lệ này tăng so với 45% vào năm 2021. Bên cạnh đó, 26% khác tin rằng kênh này có rủi ro vừa phải.
Dẫu mặt bằng chung là thế, thế hệ trẻ vẫn sẵn sàng nắm bắt cơ hội đầu tư vào tiền số hơn những người lớn tuổi. Khoảng 38% Gen Z (từ 25 tuổi trở xuống) và 46% Millennials (26-41 tuổi) cho biết đầu tư vào tiền số có rủi ro cao. Trong khi đó, tỷ lệ trên là hơn 60% ở Gen X (42-57 tuổi) và khoảng 80% với những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số và thế hệ im lặng - baby boomers và silent generation (58 tuổi trở lên).
Giới trẻ Mỹ vẫn khá lạc quan về tiền số sau nhiều biến cố lớn gần đây. Thị trường này đã mất hơn 2.000 tỷ USD so với mức đỉnh vốn hóa năm ngoái. Trên hết, một trong những nền tảng trao đổi tiền số lớn nhất thế giới - FTX, từ mức định giá 32 tỷ USD vào tháng 1 đã phải nộp đơn xin phá sản vào giữa tháng 11. Blockfi - một công ty tiền số gặp khó khăn khác, cũng nộp đơn xin phá sản ngay sau đó vào cuối tháng 11.
James Royal - nhà phân tích của công ty tài chính tiêu dùng Bankrate (Mỹ), nói: "Đối với nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi, sự quan tâm đến tiền số là do bầu không khí xung quanh ảnh hưởng, khiến các bạn có cảm giác có thể làm giàu nhanh chóng".
Tuy nhiên, với giá Bitcoin đang ở mức thấp đáng kể so với vùng đỉnh, niềm tin vào đầu tư tiền số cũng đang giảm dần với các nhà đầu tư ở mọi lứa tuổi. Royal cho biết: "Các loại tiền số lớn như Bitcoin và Ethereum giảm hơn 70% so với mức cao nhất mọi thời đại, không có gì ngạc nhiên khi ánh hào quang đã tắt với những đồng tiền này".
Thực tế tiền số vẫn là khoản đầu tư ít phổ biến nhất. Chỉ 10% người Mỹ từng tham gia vào kênh này. Trong số những nhà đầu tư, thế hệ Millennials là những người "hâm mộ" tiền số nhiều nhất. Khoảng 15% người được hỏi thuộc Gen Y nói rằng họ sở hữu tiền số, so với 12% của Gen Z và Gen X. Trong khi đó, thế hệ bùng nổ trẻ em và thế hệ im lặng chỉ có tỷ lệ 5%.
Khác cổ phiếu và trái phiếu, tiền số không lấy được giá trị từ một thực thể vật lý. Vì đây được coi là tài sản có tính biến động cao và thị giá thất thường, các chuyên gia tài chính thường khuyên không nên đầu tư nhiều hơn số tiền sẵn sàng để mất.
"Với tiền số, bạn không mua lợi nhuận từ một doanh nghiệp. Thay vào đó, nó giống như bạn đang mua một mã thông báo trò chơi điện tử và hy vọng ai đó sẽ trả nhiều tiền hơn cho bạn sau này", Royal nói.
Bên cạnh tiền số, khảo sát của CNBC còn chỉ ra rằng, khoảng 38% tin việc sở hữu tài sản cho thuê là cách tốt nhất để đầu tư Gần một phần ba số người tìm cách đầu tư vào cổ phiếu trả cổ tức (15%) hoặc tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu (11%). Còn lại, người Mỹ kiếm thu nhập thụ động từ làm nội dung trên kênh Youtube, tiếp thị liên kết, xuất bản sách điện tử hoặc tạo khóa học trực tuyến.
Trong năm tới, nhìn chung nỗi lo lạm phát gia tăng khi mối lo ngại về Covid-19 không còn. Số người Mỹ cho rằng lạm phát là rủi ro lớn nhất với tài chính cá nhân của họ trong 12 tháng tới đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, từ 20% (vào tháng 8/2021) lên 40% trong nghiên cứu mới đây. Mối lo ngại về lạm phát tăng cao với tất cả người Mỹ bất kể tuổi tác, chủng tộc hay tình trạng thu nhập.
Trong bối cảnh lo ngại về lạm phát đang diễn ra, khoảng một nửa số người trưởng thành (51%) cho biết họ đã cắt giảm chi tiêu trong gia đình. Ít hơn rất nhiều (khoảng 19%) nói rằng họ đã gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn có 17% người tham gia khảo sát vẫn chưa làm gì để chống lại lạm phát.
Tiểu Gu (theo CNBC)