Ông Thomas Eugene Wilber xem lại bức ảnh cha mình tại trưng bày của khu di tích nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: CHU HÀ LINH
Ông từng ước có dịp trở lại Việt Nam, và ước mơ đó do người con trai của ông - Thomas Eugene Wilber - thay cha thực hiện.
Giữa tháng 12-2022, tại cuộc trưng bày có tên "Khoảng lặng" ở Hỏa Lò nhân dịp kỷ niệm sự kiện "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và sự kiện trao trả phi công Mỹ từng bị giam giữ tại Hỏa Lò, ông THOMAS EUGENE WILBER có mặt.
Ông trò chuyện thoải mái với các cựu phi công của Việt Nam và chụp ảnh với các ảnh tư liệu về những ứng xử nhân văn của người Việt với phi công Mỹ tại Hỏa Lò năm xưa. Trong những bức ảnh đó, có ảnh của người cha khi đó mới 45 tuổi.
Đã đến Việt Nam và còn trở lại
* Hình như ông là một vị khách đặc biệt và khá quen thuộc ở Hỏa Lò?
- Đúng thế, tôi có cảm giác như đang ở nhà. Tôi đến Việt Nam lần đầu từ năm 2014 để thực hiện ý nguyện của cha tôi. Từ đó tới nay, tôi đã trở lại đây nhiều lần. Việt Nam và Hỏa Lò đã trở thành quen thuộc với tôi.
Ngay khi cha tôi bị giam giữ tại Hỏa Lò, chúng tôi đã biết ông được đối xử tử tế. Chúng tôi luôn cảm ơn vì điều đó. Trong hành trình trở lại Việt Nam để hoàn thành ý nguyện của cha, tôi biết thêm nhiều điều tốt đẹp khác. Điều đó mang lại cho tôi cảm giác bình yên khi đến đây.
* Người Việt Nam không quên quá khứ đau thương do chiến tranh, nhưng không giữ sự hận thù mà mong muốn hòa bình.
- Tôi có thể cảm nhận được điều đó. Tôi đã học được từ người Việt Nam rằng chiến tranh đã là quá khứ. Nhờ đó mà tôi được giải thoát khỏi quá khứ mà tôi vẫn ám ảnh, lo lắng bấy lâu.
Trải nghiệm cũng cho tôi thấy điều hạnh phúc nhất chính là hiện tại. Hôm nay tôi đã gặp lại những người mà tôi đã tìm gặp ở Việt Nam trong hơn một thập niên qua, những người cùng tôi chung tay vun đắp mối quan hệ tốt đẹp của hiện tại.
* Lần đầu ông đến Việt Nam vì cha mình ư?
- Thực ra tôi đến đây nhiều lần vì chính bản thân tôi. Lần đầu là năm 2014, khi đó tôi đã 59 tuổi. Tôi từng dự định sẽ đến Việt Nam cùng cha, nhưng vì sức khỏe yếu nên ông không thể đi cùng tôi.
Ban đầu tôi đến đây vì cha tôi, ông muốn tìm lại người đã bắt giữ ông khi máy bay bị bắn hạ trên một cánh đồng ở Nghệ An.
Cha tôi hy vọng từ người đó có thể biết nơi nằm lại của người bạn là phi công cùng bay với ông hôm đó. Nếu có thể tìm được hài cốt của ông ấy thì báo cho gia đình để họ yên lòng. Nhưng tôi không ngờ mình lại nhận được nhiều thứ như thế từ chuyến đi.
Tôi đã quay lại Việt Nam nhiều lần, thực ra là vì chính bản thân mình. Tôi tham gia các nghiên cứu, giảng dạy ở đại học, nói chuyện với các bạn trẻ, làm phim tài liệu... và rất nhiều điều ở Việt Nam mà tôi không bao giờ nghĩ tới trước đó.
Phải lần thứ hai trở lại tôi mới tìm được manh mối do sự giúp đỡ của bên quân đội (Bảo tàng Quân khu 4) và một số người dân. Một trong ba người đã bắt giữ cha tôi là ông Bùi Bác Văn. Họ rất thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ. Bây giờ thì tôi đã là người thân thiết.
Tuần trước tôi có đến thăm và bế đứa cháu của ông Văn. Họ đã chụp cho tôi bức ảnh tôi đang bế đứa trẻ. Với tôi, đây là một phần tốt đẹp trong những chuyến đi đến Việt Nam.
Đó là câu chuyện về sự hòa giải. Thử nghĩ mà xem, phải may mắn lắm mới tìm ra được người đã bắt giữ cha mình và giờ đây lại có mối quan hệ tuyệt vời, được bế cháu trai của người ấy.
* Cảm xúc của cha ông khi ông tìm được người đó thế nào?
- Tôi có kết nối điện thoại để cha tôi nói chuyện với ông Văn nhờ hỗ trợ của phiên dịch khoảng 2-3 lần gì đó. Lần cuối họ nói chuyện với nhau qua video call. Ông Văn ngỏ ý mời cha tôi sang chơi, nhưng khi đó cha tôi đã rất yếu.
Ông qua đời sau đó, nhưng những gì ông đau đáu nghĩ đến và mong mỏi trong nhiều năm qua đã được thực hiện.
Năm 2016, tôi được gặp người phụ trách trại giam Hỏa Lò vào thời kỳ cha tôi ở đó (đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên trưởng trại giam Hỏa Lò thời kỳ 1968 - 1973).
Việc gặp gỡ với người này cũng là ý nguyện của cha tôi. Ông muốn tôi thay mặt ông gửi đến ông ấy lời cảm ơn chân thành vì nhờ ông ấy mà những tù binh Mỹ thời đó bị giam giữ ở Hỏa Lò, trong đó có ông, được đối xử tốt.
Ông Thomas bồng cháu của ông Bùi Bác Văn, người từng bắt giữ cha ông - trung tá phi công Walter Eugene Wilber - vào năm 1968 - Ảnh nhân vật cung cấp
Những kỷ vật, trao gửi yêu thương
* Ngược dòng thời gian, khi nhận tin cha bị giữ ở Hỏa Lò, cảm xúc của ông thế nào?
- Khi cha tôi bị bắt làm tù binh, tôi mới chỉ 12 tuổi. Khi đó, gia đình tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng sau đó chúng tôi nhận được bản ghi âm của cha tôi được thu tại Hỏa Lò và phát sóng trên Đài phát thanh Hà Nội.
Ông chúc mừng sinh nhật tôi và kết thúc đoạn ghi âm bằng ba từ "Bố vẫn ổn". Điều đó khiến chúng tôi yên tâm hơn. Đến bây giờ tôi vẫn giữ đoạn ghi âm đó trên iPhone của tôi và thường mở ra nghe, đặc biệt là đoạn "Bố vẫn ổn".
Năm tôi 17 tuổi, chúng tôi được đón cha tôi trở về mạnh khỏe. Đó là điều hạnh phúc mà tôi không bao giờ quên.
* Cha ông đã kể lại thế nào về ký ức năm năm ở Hỏa Lò trong vai "những phi công mặc áo ngủ". Có điều gì để lại ấn tượng sâu sắc với ông?
- Tôi nhớ cha tôi kể khi mới bị giam giữ, tinh thần ông không ổn định. Một ngày ông ngồi nhìn lên ô cửa sổ và bất ngờ thấy một chiếc lông chim bay vào. Ông nhặt lấy rồi tung lên và bắt lấy, cứ thế lặp lại nhiều lần. Món "đồ chơi" đó khiến cho tâm trí ông trở nên bình tĩnh, suy nghĩ mạch lạc hơn.
Ông bắt đầu suy nghĩ về cuộc chiến mà ông đã tham gia, về những người Việt Nam ông gặp ở đây và thái độ của họ với ông. Ông quyết định sẽ lên tiếng phản đối chiến tranh.
* Lần đầu đến nơi cha mình từng bị giam giữ, cảm xúc của ông như thế nào?
- Trong lần đến Việt Nam đầu tiên, nơi đầu tiên tôi lựa chọn đến là Hỏa Lò (khu di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò). Tôi đã sững sờ, gần như bật khóc khi thấy trong khu trưng bày có bức hình cha tôi đang nhận bưu phẩm từ Mỹ gửi sang. Đó là gói bưu phẩm do chính tôi, khi đó còn là cậu bé 12 tuổi, đóng gói để gửi đi. Nó chứa đựng những yêu thương của tôi và gia đình gửi cho cha mình.
* Và ông, gia đình ông đã quyết định trao gửi những kỷ vật từng gìn giữ cho khu di tích Hỏa Lò?
- Trong nhiều lần đến Việt Nam, tôi và gia đình đã có hai lần trao tặng kỷ vật cho Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò. Đó là những bức thư của cha gửi cho mẹ và chúng tôi, băng cát xét ghi âm bài phỏng vấn cha tôi, những tập bài báo đăng của cha và cả tấm giấy gói quà mà tôi đã dùng để đóng gói bưu phẩm gửi cho cha năm ấy.
Tôi cũng giúp trong việc kết nối để tìm lại một số kỷ vật khác của cựu phi công Mỹ từng ở Hỏa Lò. Tôi thấy thật thú vị khi có thể trưng bày các kỷ vật đó để mọi người hiểu thêm những khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của các phi công. Có lẽ nếu tôi không sang Việt Nam để tìm lại thì một số kỷ vật đã không được trưng bày ở đây.
Kỷ vật đáng nhớ nhất là lá thư cha viết cho anh trai tôi. Khi đó ông đã viết nhưng không thể gửi đi mà chỉ ghi âm và phát trên đài phát thanh, sau đó chúng tôi được nghe lại. Gần 50 năm sau, khi sang Việt Nam tôi mới có dịp hỏi lại một cán bộ từng làm việc ở Hỏa Lò.
Thật bất ngờ, người đó nói vẫn còn giữ một lá thư, đó chính là lá thư của cha tôi. Tôi có chụp lại, in ra và gửi cho anh trai mình.
Bây giờ anh ấy vẫn treo ảnh lá thư đó trên tường nhà.
Chiếc lọ hoa bằng xác máy bay rơi
Tháng 5-2015, ông Thomas Eugene Wilber đã tìm gặp ông Bùi Bác Văn - người đã bắt giữ cha mình vào năm 1968. Ông Văn đã tặng lại cho con trai viên phi công năm xưa một chiếc lọ hoa.
Đó là một bộ phận của chiếc máy bay F4 do ông Walter Eugene Wilber từng lái và bị bắn rơi được ông Văn và gia đình dùng để cắm hoa đào mỗi dịp Tết. Nhiều lần chuyển nhà, ông Văn vẫn mang theo chiếc lọ hoa đó.
Món quà đặc biệt này được ông Thomas mang về Mỹ và đặt ở phần mộ của cha mình theo đúng ý nguyện của người cha.
Điều tốt đẹp lưu lại
* Ký ức ở Việt Nam của cha có vẻ ảnh hưởng lớn đến ông. Điều đó có chi phối suy nghĩ, lựa chọn của ông trong cuộc sống sau này?
- Cha tôi không dạy gì tôi về chuyên môn, nhưng ông dạy chúng tôi về thái độ thân thiện và sự quan tâm đến người khác. Việc cha tôi từng bị bắt giữ và ở Việt Nam 5 năm có tác động lớn đến cả gia đình tôi.
Nhưng những gì còn lưu lại đến bây giờ là điều tốt đẹp mà chúng tôi đã nhận được từ nơi này. Cũng vì điều đó mà tôi đã đến Việt Nam và có thêm nhiều trải nghiệm.
TTO - Cuộc gặp mặt của hai mẹ con đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại nhà tù Hỏa Lò năm xưa và câu chuyện nhạc sĩ Đỗ Nhuận dùng cành bàng để chế tạo nhạc cụ trong những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù này sẽ được tái hiện với công chúng.