Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai đề án 06 - Ảnh: VGP
Sáng 25-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - chủ trì hội nghị sơ kết một năm triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án 06)...
Tại hội nghị, Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế, xã hội năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp của chuyển đổi số.
Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội.
Đồng thời, chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 rất nặng nề. Trong đó, phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia và đề án 06...
Đồng thời tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm mới có giải pháp hữu hiệu.
Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, đề án 06.
Việc kết nối, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Do đó cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.
"Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chứ không phải dữ liệu của bộ, ngành nào. Tuy nhiên phải tính toán, thống nhất để đi đến hành động về việc đặt cơ sở dữ liệu quốc gia ở đâu để đảm bảo thuận lợi, an toàn, hiệu quả trong quản lý, khai thác, phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
TTO - Thẻ căn cước công dân gắn chip có bị theo dõi, giám sát? Dùng thẻ mới và bỏ sổ hộ khẩu giấy có ảnh hưởng gì đến các thủ tục liên quan? Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính như thế nào?