Ông Đặng Nghĩa Toàn nhiều lần đến ngân hàng yêu cầu rút tiền nhưng không được giải quyết - Ảnh: NVCC
Vụ án này đã kéo dài hơn 4 năm, tòa án từng hai lần đưa ra xét xử nhưng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong phiên tòa ngày mai, Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, trú tại Hà Nội) và 25 đồng phạm, trong đó có 17 cán bộ ngân hàng, bị đưa ra xét xử.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng nhiều lần trả hồ sơ vụ án. Một trong những nội dung xuyên suốt của những lần trả hồ sơ này là cơ quan tố tụng yêu cầu làm rõ vai trò của ông Đặng Nghĩa Toàn (người gửi tiền tiết kiệm tại 3 ngân hàng) có đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không.
Sau nhiều lần điều tra bổ sung, Công an Hà Nội và viện kiểm sát cùng cấp giữ nguyên quan điểm không có căn cứ cáo buộc ông Toàn biết và giúp sức cho Hà Thành chiếm đoạt số tiền của chính ông Toàn gửi tại ba ngân hàng.
Cán bộ ngân hàng giúp sức cho "siêu lừa"
Theo cáo trạng mới được ban hành, khoảng năm 2016-2018, Thành kinh doanh bị thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của nhiều người, cứ vay của người sau trả cho người trước. Thời gian đầu Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cả cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn.
Thành còn dẫn được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền với số lượng lớn nên được các nhà băng này xem là "khách hàng VIP".
Từ tháng 6 đến tháng 11-2018, Thành mất khả năng thanh toán và nhiều lần thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, PVcomBank, VAB và nhiều cá nhân.
Trong vụ án này, số vụ lừa đảo nhiều nhất với số tiền lớn nhất xảy ra tại Ngân hàng VAB với 21 vụ.
"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên tòa sơ thẩm hồi đầu tháng 1-2022 - Ảnh: DANH TRỌNG
Để vay được tiền tại VAB, Thành đề nghị đại diện chi nhánh ngân hàng ký các loại giấy tờ, giấy xác nhận tạm khóa tài khoản. Sau đó, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hay hợp đồng cầm cố số dư tiền gửi... Qua đó, bị can chiếm đoạt của VAB gần 274 tỉ đồng và 63 tỉ đồng của 4 cá nhân.
Viện kiểm sát xác định bị can Quản Trọng Đức (cựu giám đốc chi nhánh Ngân hàng VAB) đã giúp sức cho "siêu lừa" Hà Thành và đồng phạm thực hiện 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng.
Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô của VAB) bị cáo buộc giúp sức cho Thành và Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên thuộc VAB) thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỉ của nhà băng.
Hàng loạt cựu nhân viên của các ngân hàng thương mại NCB, VAB và PvcomBank bị viện kiểm sát xác định có sai phạm liên quan hoặc tiếp tay trong những phi vụ lừa đảo của "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ đồng.
Viện kiểm sát xác định "đại gia" gửi tiền không lừa đảo
Theo cáo trạng, ông Đặng Nghĩa Toàn là "đại gia" có số tiền gửi tại ba ngân hàng bị Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt nhiều nhất, lên đến hơn 100 tỉ đồng. Dù nhiều lần cơ quan tố tụng kết luận ông Toàn không cấu kết với bà Thành lừa đảo nhưng "đại gia" vẫn chưa thể rút được số tiền gửi trong ngân hàng, dù ông vẫn giữ sổ tiết kiệm trong tay.
Cụ thể ông Toàn gửi tiết kiệm 122 tỉ đồng vào ba ngân hàng NCB, PVcomBank và VAB để hưởng lãi suất theo quy định.
Tuy nhiên "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành đã thỏa thuận với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp thuộc NCB) về việc giới thiệu ông Toàn đến gửi tiền rồi thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn kinh doanh.
Nguyễn Thị Hà Thành đã làm giả hồ sơ hoạt động kinh doanh rồi dùng những cuốn sổ tiết kiệm trên thế chấp vào chính ngân hàng mà ông Toàn đang gửi tiền để vay tiền làm ăn.
Điều đáng nói, Trần Thị Hoa (phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm giám đốc khu vực Tây Hà Nội của NCB) cùng Nguyễn Hồng Trung và một số nhân viên nhà băng đã không tiến hành thẩm định để làm rõ ông Đặng Nghĩa Toàn có đồng ý dùng tài sản của mình làm khoản đảm bảo cho Thành vay hay không.
Các nhân viên nhà băng này còn giao hồ sơ này cho Hà Thành đi lấy chữ ký, từ đó "tạo điều kiện" cho "siêu lừa" và một người khác giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn về việc đồng ý thế chấp các sổ tiết kiệm.
Cũng với cách thức như trên, cuối tháng 10-2018, sau khi đề nghị vợ chồng ông Toàn gửi 52 tỉ đồng chia làm ba sổ tiết kiệm vào chi nhánh PVcomBank, "siêu lừa" Hà Thành tiếp tục giả chữ ký trong hồ sơ thế chấp, chiếm đoạt của ngân hàng này 49,4 tỉ đồng.
Tại VAB, Hà Thành và đồng phạm cũng giả chữ ký của ông Toàn, thế chấp sổ tiết kiệm trị giá 20 tỉ đồng để vay tiền.
Kết quả giám định cho thấy chữ ký trên hồ sơ vay, tất toán không phải của vợ chồng ông Toàn. Từ đó, viện kiểm sát kết luận không có căn cứ cáo buộc ông Toàn biết và giúp sức cho Hà Thành dùng sổ tiết kiệm lừa đảo chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng.
Người gửi tiền đề nghị các ngân hàng sớm trả tiền
Nội dung cáo trạng thể hiện ông Toàn và vợ đề nghị tòa tuyên buộc ba ngân hàng trả số tiền 122 tỉ đồng gửi tiết kiệm và tiền lãi.
Chín người khác gửi tiền tại Ngân hàng VAB cũng đề nghị được thanh toán cả tiền gốc và lãi trên số tiền đã gửi, chấm dứt hành vi phong tỏa sổ tiết kiệm...
TTO - Hàng trăm tỉ đồng tại ba ngân hàng đã bị 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành sử dụng các thủ đoạn mượn sổ tiết kiệm, giả chữ ký để rút ra hoặc làm tài sản thế chấp vay tiền.