Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Giấy phép hành nghề sẽ có giá trị 5 năm
Theo đó, đối với Hội đồng y khoa quốc gia, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chỉnh lý dự thảo luật quy định Hội đồng này do Thủ tướng thành lập.
Hội đồng có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, nhưng không trực tiếp tổ chức kiểm tra tại trụ sở Hội đồng, mà sẽ làm đầu mối, xây dựng và ban hành bộ công cụ (ngân hàng câu hỏi, đề thi).
Việc tổ chức kiểm tra sẽ thực hiện trên máy tính, nội dung kiểm tra từ ngân hàng câu hỏi do Hội đồng Y khoa Quốc gia quản lý, chấm thi bằng ứng dụng phần mềm, hệ thống các địa điểm kiểm tra đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, con người, thiết bị, an ninh.
Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ giữ vai trò điều phối, giám sát hoạt động kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy hoạt động này có thể thực hiện được ở các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trên toàn quốc.
Việc kiểm tra sẽ được thực hiện nhiều lần trong năm trên phạm vi toàn quốc và người dự kiểm tra có thể chọn điểm phù hợp với nơi cư trú.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay dự kiến áp dụng quy định này với bác sĩ từ ngày 1-1-2027, với các chức danh khác từ ngày 1-1-2028. Theo thống kê mỗi năm có khoảng 10.000 bác sĩ ra trường nên việc tổ chức đánh giá theo phương thức, lộ trình trên là phù hợp và sẽ không gây ách tắc.
Đối với giấy phép hành nghề, dự thảo luật chỉnh lý mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép có giá trị 5 năm trong phạm vi toàn quốc.
Về vấn đề tự chủ đối với bệnh viện nhà nước, bộ trưởng Lan nêu rõ sau khi tiếp thu ý kiến, dự thảo luật sẽ chỉnh lý, trong đó quy định cơ sở khám chữa bệnh thực hiện được tự chủ trong quyết định về tổ chức, nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn theo quy định của luật này và pháp luật liên quan.
Dự kiến 2025 áp dụng giá tính đúng đủ trong khám, chữa bệnh
Trước đó tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh gồm: Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có).
Nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần cân nhắc việc quy định giá trị vô hình của thương hiệu bởi trong quá trình vận hành sẽ "không tính được và chẳng ai tính cho".
Trong báo cáo của mình, bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý, bỏ yếu tố "giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có)".
Như vậy, các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh chỉ còn: giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Cũng theo bà Lan, dự thảo quy định đến năm 2025 áp dụng giá tính đúng đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như trên.
Theo chương trình, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, khai mạc ngày 5-1-2023.
TTO - Theo dự kiến, tại kỳ họp bất thường thứ hai của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 1-2023 sẽ trình xem xét thông qua dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).