Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh - Ảnh: GIA ĐOÀN
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh đã đề xuất như vậy trong Hội nghị tổng kết nghị quyết số 68 và nghị quyết 126 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 hôm nay 26-12.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 482.000 lao động tại trên 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh thành bị giãn, giảm giờ làm vì doanh nghiệp khó khăn.
Do vậy, Công đoàn Việt Nam mong muốn các cơ quan liên quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tương tự nghị quyết 68.
Trước mắt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang nghiên cứu gói hỗ trợ cho nhóm lao động mất việc ở mức 3 triệu đồng/người/một lần duy nhất. Còn những lao động bị tạm chấm dứt hợp đồng nhận một lần 2 triệu đồng/người.
“Đối tượng bị cắt giảm việc làm, có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ. Vấn đề này đang được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu" - ông Phan Văn Anh nói.
Phó chủ tịch Công đoàn Việt Nam cũng gợi ý giao công đoàn cơ sở lập danh sách lao động khó khăn và cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác định bảng lương, thu nhập của người được hỗ trợ trước khi mất việc. Ông kỳ vọng gói này sẽ thực hiện trước Tết Nguyên đán Quý Mão.
Cũng tại hội nghị, bà Vi Thị Hồng Minh, phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian đào tạo… để gói hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả. Với dự báo, quý 1 hoặc quý 2-2023, doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sụt giảm đơn hàng.
Đại diện VCCI mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương, giữ chân nhân sự, đồng thời kết nối nguồn này với chính sách hỗ trợ đào tạo lao động.
“Giai đoạn doanh nghiệp phải cho lao động ngừng việc chính là thời điểm phù hợp để tổ chức đào tạo lại, chờ phục hồi sản xuất", bà Vi Thị Hồng Minh nêu rõ.
Ghi nhận các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động khó khăn, nhất là lao động mất việc. Đặc biệt, ông Thanh lưu ý cách thức tổ chức, xác định đối tượng và thủ tục đơn giản nhất để triển khai hiệu quả.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng) đã giải ngân trên 45.665 tỉ đồng, gấp hơn 1,7 lần so với dự tính ban đầu, để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.35783800262212202-gnod-ueirt-3-2-ceiv-tam-gnod-oal-ort-oh-taux-ed-man-teiv-naod-gnoc/nv.ertiout