Người trẻ đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để kiểm tra các bệnh lây nhiễm - Ảnh: T.P.
Các bác sĩ cho biết có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tỉ lệ này gia tăng như: việc tìm kiếm bạn tình trên mạng xã hội dễ dàng hơn, không sử dụng biện pháp phòng bệnh an toàn...
Nhiễm giang mai, sùi mào gà, HIV... lúc nào không hay
Tại khoa da liễu Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) trước đây chỉ tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh da liễu, không có bệnh nhân mắc bệnh lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh viện liên tiếp tiếp nhận trung bình mỗi tháng khoảng 70-80 ca mắc bệnh lây qua đường tình dục, trong đó 10-15% bị sùi mào gà, giang mai, lậu...
Còn tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, lượt bệnh nhân đến khám các bệnh lây qua đường tình dục thời gian này tăng hơn so với năm 2020, khoảng hơn 40 ca mới mỗi ngày. Trong đó lượng bệnh nhân trẻ, bệnh nhân là học sinh, sinh viên đến khám vì bệnh lây qua đường tình dục có xu hướng tăng đáng kể.
Có trường hợp bệnh nhân nam H.T. (19 tuổi) lúc học ở tỉnh, chưa từng có người yêu hoặc quan hệ với ai nhưng khi lên TP.HCM học thì làm quen một bạn nam và bắt đầu quan hệ tình dục.
Theo lời kể của T. thì khi quan hệ, T. nghĩ rằng mình đóng vai là nữ nên không sử dụng bao cao su, việc sử dụng bao cao su là trách nhiệm của bạn tình và quan hệ qua đường hậu môn an toàn.
Cho tới khi thấy mình nổi mụn vùng hậu môn thì T. mới đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán mắc sùi mào gà hậu môn kèm theo nhiễm HIV. Sau mắc bệnh, bệnh nhân vẫn không nhận thức được vì sao mình mắc bệnh và cho rằng mình không hề quan hệ tình dục.
Tương tự, bệnh nhân T.N. (22 tuổi, TP.HCM) đã đến phòng khám da liễu Bệnh viện quận 11 để được thăm khám vì xuất hiện những triệu chứng lạ ở bộ phận sinh dục.
Qua khai thác sức khỏe tâm lý và tình dục, các bác sĩ đã chỉ định làm xét nghiệm liên quan đến các bệnh xã hội phổ biến là giang mai, lậu hoặc sùi mào gà. Kết quả bệnh nhân dương tính với giang mai. Sau ba lần điều trị nhưng xét nghiệm lại vẫn dương tính, chỉ số vi khuẩn vẫn cao, N. được chuyển đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM thăm khám cho người bệnh mắc các bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh: BVCC
Dễ dãi hơn trong tìm bạn tình?
Bác sĩ Đoàn Thị Phương Thảo - phụ trách khoa da liễu Bệnh viện quận 11 - cho biết bệnh lây truyền qua đường tình dục như: giang mai, sùi mào gà, lậu... ở giới trẻ có xu hướng gia tăng, đặc biệt tập trung nhiều ở cộng đồng LGBT, nhiều người không biết mình mắc bệnh lúc nào.
"Hiện nay mạng xã hội phát triển mạnh do vậy kết nối với nhau dễ dàng hơn, việc tìm bạn tình thông qua các ứng dụng cũng không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, nếu quan hệ với nhiều bạn tình lạ mà không có những biện pháp phòng ngừa như sử dụng bao cao su thì khả năng mắc bệnh là rất lớn", bác sĩ Thảo cho biết.
Theo bác sĩ Thảo, để điều trị các bệnh qua đường tình dục, hiện nay đã có phác đồ tùy loại bệnh, tuy nhiên để bệnh khỏi hoàn toàn là rất khó và có thể tái phát, nguy hiểm nhất là lây cho phụ nữ mang thai vì khó dự phòng.
Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em - phó trưởng điều hành khoa lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết bất kỳ ai cũng có thể bị mắc bệnh lây qua đường tình dục, một vài nhóm có nguy cơ mắc cao hơn so với các nhóm khác (như trẻ vị thành niên, MSM, đối tượng hành nghề mại dâm...).
"Đối với trẻ vị thành niên, mặc dù đã phát triển đầy đủ về mặt tâm sinh lý, nhưng nhiều trẻ lại không được giáo dục giới tính đầy đủ, thiếu kiến thức và nhận thức về nguy cơ mắc bệnh. Do đó, nhóm này có khả năng bị mắc bệnh khá cao.
Ở nhóm nam quan hệ với nam, thường do nhóm này không thích sử dụng bao cao su khi quan hệ và quan hệ với nhiều bạn tình khác nhau. Ngoài ra, quan hệ bằng đường miệng và đường hậu môn là những đường có nguy cơ lây truyền bệnh cao hơn so với đường quan hệ tình dục thông thường", bác sĩ Lợi Em nhận định.
Chú ý các triệu chứng
Bác sĩ Lợi Em cho biết bệnh lây qua đường tình dục có những triệu chứng như: tiểu gắt, tiểu buốt hoặc tiết dịch ở đầu dương vật; nổi vết loét, sẩn hoặc phát ban ở các vị trí như dương vật, bìu, hậu môn, mông, đùi, miệng... sưng, đau hạch bạch huyết ở bẹn; sưng đau tinh hoàn.
Ngoài ra còn có biểu hiện đau khi quan hệ tình dục, tiết dịch hoặc xuất huyết âm đạo bất thường có thể kèm mùi hôi, đau bụng dưới.
"Đôi khi bệnh có thể biểu hiện không rõ ràng và dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, một số bệnh chỉ cho thấy dấu hiệu sau khi nhiễm một thời gian dài, chẳng hạn như HIV, viêm gan B hoặc viêm gan C thường chỉ phát hiện khi tầm soát, ít khi được chẩn đoán nhờ triệu chứng ban đầu. Do đó dễ làm lây bệnh ra cộng đồng" - bác sĩ Lợi Em cho hay.
Làm gì để phòng tránh?
Bác sĩ Lợi Em khuyến cáo các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có ý thức bảo vệ chính mình và có những kiến thức cơ bản về sức khỏe tình dục.
Một số biện pháp giúp phòng ngừa được bao gồm: chung thủy một bạn tình, sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn sẽ làm giảm khả năng nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, tránh các hành vi tình dục gây rủi ro cao gây tổn thương da và niêm mạc, chủ động tiêm ngừa các vắc xin phòng ngừa B như vắc xin ngừa HPV và viêm B. Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để được tầm soát, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
TTO - "Nếu thấy các vết lở loét hay mụn nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục, sưng tấy và đau ở vùng sinh dục, nổi các nốt chồi sùi, u nhú vùng sinh dục… cũng là dấu hiệu nhận biết mắc bệnh về tình dục".
Xem thêm: mth.99200422272212202-ert-iougn-mohn-o-hnam-gnat-cud-hnit-gnoud-auq-yal-hneb/nv.ertiout