Bà Ba Thi kiểm tra chất lượng hạt gạo xay xát phục vụ nhân dân - Ảnh gia đình cung cấp
"Ba Thi là người nhiệt huyết, đã làm là làm quyết liệt, hiệu quả như tinh thần chiến sĩ ra trận. Sau năm 1975, tôi với Ba Thi cùng sinh hoạt ở Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, rồi tổ viết sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ, làm Bảo tàng Phụ nữ, nên tôi rất hiểu tính cổ.
Những việc làm của Ba Thi không chỉ lợi cho TP.HCM đâu, mà cả nhiều tỉnh miền Tây, thậm chí còn giúp gửi gạo ra cả miền Bắc thời kỳ khó khăn. Tất cả những việc này đều góp phần làm cơ sở cho Đảng và Nhà nước xem xét lại những cái lỗi thời, quan liêu, không còn phù hợp nữa để tiến hành đổi mới thành công".
Đưa hạt gạo về tận tổ dân phố
Hồi còn khỏe, ngày 4-9-2018, bà Bảy Huệ đã vui vẻ nhận lời trò chuyện ngay với chúng tôi khi nghe nhắc về bà Ba Thi, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo. Buổi trò chuyện thân tình ấy ở nhà riêng, bà Kim Anh, thư ký của bà Bảy Huệ, cũng kể nhiều kỷ niệm xúc động: "Tôi với chị Ba Thi cũng nhiều kỷ niệm với nhau.
Những chuyến đi công tác cùng, chị hay ăn sáng bằng củ khoai lang, khoai mì, trong khi luôn lo cho các chị em khác tô hủ tiếu, cháo lòng. Chị Ba lao vào những việc lớn mà tính cách rất giản dị, cứ cái áo bà ba sờn rách với khăn rằn, nón lá, bữa tối thì thường chỉ ăn qua loa chút cháo trắng với cá kho".
Câu chuyện bà Ba Thi "xé rào" chạy gạo cho mấy triệu dân thành phố nhưng thường chỉ ăn cháo, người viết bài này cũng được nghe những người khác kể lại. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn khi còn khỏe, đã kể:
"Dì Ba Thi vào họp ngân hàng với tụi tôi mà mặc cái áo bà ba sờn rách tay. Hồi còn bao cấp, ngân hàng có chế độ cơm trưa, nhưng dì Ba ra ngồi góc riêng, dỡ cái cà mèn nhỏ xíu mang theo. Tôi thấy chỉ có chút cháo trắng với khứa cá kho. Vậy mà chiều họp xong, dì Ba biếu mỗi người mấy ký gạo, quý lắm thời đó".
100 năm ngày sinh nữ anh hùng lao động sớm bạc trắng mái đầu, luôn đội nón lá, quấn khăn rằn này, có rất nhiều kỷ niệm từ những người dân lao động đến các cán bộ cấp cao thương quý kể về bà.
Và trong đó có nội dung mà chúng tôi hay nghe nhắc nhớ nhất là "gạo tổ" hay còn gọi là "gạo bà Ba Thi" những năm cuối thập niên 1970 sang thập niên 1990 bộn bề khó khăn của thế kỷ trước ở TP.HCM.
Dám đi đầu "xé rào", bà Ba Thi đưa được gạo miền Tây vượt qua các trạm ngăn sông cấm chợ về đến thành phố đã khó, nhưng làm sao phân phối công bằng, tiện lợi, vừa túi tiền đồng bào thời buổi "nhất chợ đen, nhì cũng chợ đen" này hoàn toàn không đơn giản.
Bởi nếu không được phân phối hiệu quả, những hạt gạo đẫm mồ hôi có thể bị "rơi vãi ra chợ đen" đẩy giá lên gây khó khăn cho đồng bào.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà Ba Thi quyết định tổ chức mạng lưới phân phối hài hòa được ba lợi ích của người tiêu dùng, người làm đại lý và Nhà nước, tức Công ty Lương thực TP.HCM (sau đổi thành Công ty Kinh doanh lương thực).
Kinh nghiệm trải hai cuộc kháng chiến cho bà hiểu sâu sắc nhiệt huyết và khả năng bền bỉ của lực lượng phụ nữ. Bà bàn với Thành hội Phụ nữ lấy chị em làm cơ sở để phấn đấu đến 1983 mở được khoảng 1.800 đại lý, rồi năm 1984 là 2.300 đại lý về tận các tổ dân phố.
Giá bán gạo được ghi lên bảng công khai và thấp hơn giá tư thương 15-20%. Bởi mục tiêu Công ty Lương thực là giá cả nhằm đảm bảo kinh doanh để có điều kiện tiếp tục phân phối gạo cho đồng bào, chứ không phải lợi nhuận trên hết. Đại lý được hưởng 25 xu trên mỗi kg gạo bán ra sau khi đã trừ hao hụt và các chi phí.
Đặc biệt, bà Ba Thi cũng yêu cầu các đại lý phải chịu sự giám sát của Hội phụ nữ phường, họ chính là những người mẹ, người chị, người vợ cũng ngày ngày lo toan nồi cơm gia đình nên thấu hiểu sâu sắc giá trị hạt gạo thời kỳ hậu chiến ngập tràn khó khăn.
Về sau, mạng lưới đại lý mở rộng, bà Ba Thi cũng giới hạn mỗi nơi phục vụ cho khoảng 500 người dân. Sự thu hẹp này không chỉ tiện lợi cho người mua, mà còn là sự thân thiện, gắn bó và tinh thần trách nhiệm cao. Bởi hạt gạo về đến tận tổ dân phố, hầu hết người bán - người mua đều thân quen nhau.
Bà Ba Thi (hàng trước, bìa trái), kế bên là bà Ngô Thị Huệ cùng các bà từng tham gia kháng chiến - Ảnh gia đình cung cấp
Không chỉ bán gạo, mà là trách nhiệm, đền ơn
Mặc dù dựa nhiều vào hệ thống chính trị, đoàn thể, nhưng bà Ba Thi hoàn toàn không hề tập trung, cứng nhắc. Thời kỳ đó có bà Ba Chi, tức Nguyễn Thị Một, cán bộ phụ nữ từ thời Mặt trận bình dân những năm 1930, từng trải nhiều năm tù đày từ Phú Lợi, Tân Hiệp đến Côn Đảo.
Tuy lớn tuổi hơn bà Ba Thi, nhưng bà Ba Chi vẫn gắn bó với Thành hội Phụ nữ để đóng góp những việc còn khả năng làm được cho thành phố đang quá khó khăn.
Thấy người dân mua gạo về phải mất công ngồi lựa sạn, bông cỏ vốn hay lẫn trong gạo ngày đó, bà Ba Chi liền tận dụng thời gian rảnh để sàng sẩy, làm sạch gạo rồi bán lại cho người dân với giá cao hơn chút đỉnh, chủ yếu chỉ để bù công làm.
Nhiều người dân thích loại "gạo sạch" này, nhưng cũng có vài ý kiến này nọ. Chuyện đến tai bà Ba Thi và được bà ủng hộ ngay: "Chị cứ lấy thêm gạo công ty về làm sạch bán lẻ cho dân. Mình bỏ công làm lời, kiếm chút hoa hồng có gì đâu mà ngại".
Những thực tế này về sau chính là cơ sở để bà Ba Thi mạnh dạn nhập khẩu dây chuyền máy móc xay xát hiện đại của Nhật nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo Việt...
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết có thời kỳ làm phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng thời với bà Ba Thi nhận xét: "Việc làm của chị Ba không chỉ giúp thành phố chạy gạo ăn cho hàng triệu người dân, mà còn đặc biệt hiệu quả trong việc tiết kiệm ngân sách, biên chế nếu cứ cứng nhắc áp dụng mô hình mậu dịch cũ của Nhà nước.
Thay vì phải mở mang hệ thống cửa hàng, chính nhà của chị em hội phụ nữ là đại lý. Và chị em cũng tự bán gạo, tự nuôi được mình, Nhà nước không phải trả lương, biên chế này nọ như tổ chức mậu dịch viên".
Thực tế, 2.300 đại lý ở nhà dân này đã tiết kiệm được ít nhất gần 800 cửa hàng thương mại và không dưới 6.000 suất lương của Nhà nước. Nhưng còn một ý nghĩa nữa là đại lý gạo về tận tổ dân phố luôn tiện lợi cho người dân vốn đã quá ngán ngẩm cảnh xếp hàng chờ đợi ở cửa hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ Công ty Lương thực TP.HCM, kể ngày ấy bà Ba Thi vừa là phó giám đốc Sở Lương thực kiêm giám đốc công ty, luôn bận bịu nhiều việc, nhưng chiều chiều bà hay lặng lẽ lấy chiếc xe máy cũ kỹ đi thực tế các đại lý bán gạo để xem việc phục vụ dân như thế nào.
Có gì không ưng ý, bà chỉnh sửa ngay lập tức, nhắc nhở việc bán gạo cho đồng bào không chỉ kinh doanh, mà là trách nhiệm, là đền ơn nghĩa đồng bào...
"Tôi nhớ thời đó, có lần bà Ba Thi làm việc vất vả quá, bị bệnh, phải vào nằm bệnh viện. Thật kỳ lạ, nhân dân cả thành phố họ đồn đại, biết tin bà nằm bệnh viện, họ tới thăm đông lắm.
Đó chỉ là những người mua gạo, nhưng họ cảm tấm lòng của bà, họ đem quà bánh tới, họ chăm sóc bà, có người ngồi bên giường, bóp tay bóp chân cho bà, nhắc phải ăn, phải ngủ, phải giữ gìn sức khỏe để còn tiếp tục lo cho dân...
Tôi có cảm tưởng rằng nếu lúc đó chẳng may bà có mệnh hệ nào, thì đám tang bà sẽ là đám tang to nhất trong lịch sử TP.HCM. Đấy chính là lòng dân, thương dân thì dân thương lại".
Trích phỏng vấn của tác giả Đặng Phong với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 11-2-2003, in trong cuốn "Phá rào" trong kinh tế vào đêm trước đổi mới.
**************
"Dì Ba Thi như mẹ tôi, mỗi lần tôi ghé dì đều hỏi bây ăn cơm chưa, ăn luôn ở đây ba hột nghe, khi về thế nào cũng có gói quà, khi là bọc gạo, khi là nải chuối, mớ cá khô".
>> Kỳ tới: Thương dân thì dân thương lại
Sau "buổi ăn sáng lịch sử" với ông Sáu Dân, Lữ Minh Châu để bàn chuyện lo nồi cơm cho dân thời thiếu hụt lương thực vì ngăn sông cấm chợ, bà Ba Thi tổ chức ngay tổ thu mua gạo, mà sau có người nửa thật nửa đùa nói là "tổ buôn lậu".