Giây phút chờ đợi vào khu thăm nuôi - Ảnh: YẾN TRINH
Gần 2h sáng, chiếc xe máy thả một bà cụ xuống con hẻm bên hông bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Chưa tới giờ xe đò chạy, bà N.N. (70 tuổi, ngụ quận Tân Bình) ngồi lặng nơi hè phố nhìn tấm bảng nhà xe thăm phạm nhân treo bên kia đường. Mái đầu bạc phơ, gương mặt bà vừa buồn vừa hy vọng.
"Kỷ lục" thăm nuôi
Con gái chịu án lừa đảo liên quan đất đai nên bà N. mỗi tháng gói ghém một lần đi thăm con. Mân mê bọc đồ, giọng bà ngắt quãng vì lạnh: "Tôi sợ nó ăn thịt ngán nên mua cá khô về kho cứng cứng để được lâu, rồi thêm hũ củ cải muối kho xả ớt. Trái cây thì mua cam là chủ yếu. Rồi đồ khô, mấy món đồ dùng...". Kiểm tra lại tên con gái và số hiệu khu trại viết trên bọc đồ, bà mới yên tâm ngồi chờ xe tới.
Trên đôi môi trễ xuống vì tuổi già u buồn, bà kể tiếp: "Nó đi án 16 năm lận. Nay mới ba năm. Có tháng tôi đi, tháng dẫn hai đứa con nó theo...".
Trước khi đi, bà đã sốt ruột chuẩn bị đồ đạc dần dần trong cả tuần lễ. "Chồng nó đi làm, hai đứa nhỏ sinh đôi mới học lớp 1, tôi phải để tụi nó ở nhà vì không đành lòng dẫn theo đêm hôm gió máy như vầy", bà nói.
Vị khách thứ hai của khúc hẻm này là ông T. (71 tuổi, ngụ quận Gò Vấp). Mang theo hai gói đồ chứa nhiều tình thương, ông đi thăm con trai đang thụ án 20 năm. Ông nói một cách chua xót, nếu có kỷ lục cho số lần thăm nuôi chắc ông sẽ được nhận.
"Con tôi thụ án bảy lần rồi. Lần đầu là án cướp giật, chịu án ở trại dưới Giồng Trôm, Bến Tre. Lần sau lâu hơn, tôi đi thăm trên Buôn Ma Thuột, rồi Bình Dương... Lần này nặng nhất 20 năm vì cướp giật và thêm giết người nữa", ông giữ cho giọng mình bình tĩnh nhưng hai con mắt như sắp khóc, mái đầu già nua gục xuống buồn bã vì đứa con hư.
Chừng 20 phút sau, người đi thăm nuôi đông dần. Có gần chục đứa bé co ro đi theo trong cái lạnh cuối năm. Chợt một người phụ nữ mối quen ôm theo sọt bánh mì, mấy đòn chả lụa, cất tiếng rao.
Những người đi thăm nuôi lật đật băng qua đường, người mua bánh mì kẹp chả lót dạ, người gom mấy ổ bánh không để đem vào cho con cháu mình. Bà N. cũng bỏ giỏ đòn chả, lẩm bẩm: "Đem vô trỏng cho con ăn. Định mua bánh mì chả mà sợ vô tới đó mềm xèo".
Con nói với tôi mẹ ráng chăm lo cho hai đứa nhỏ. Một lần này con chừa rồi mẹ ơi, không làm mẹ khổ nữa.
Bà N.
Chuẩn bị lên chuyến xe thăm nuôi từ TP.HCM đi trại giam Z30D - Ảnh: YẾN TRINH
Gia đình là hy vọng
3h sáng, xe chạy. Nhiều người mỏi mệt chìm vào giấc ngủ. Chị Ngọc Minh (25 tuổi, đã đổi tên) mang theo ổ bánh kem cho chồng đang chịu án hơn 5 năm đón sinh nhật. Sợ cái bánh "bất ổn", chị đặt trên chiếc ghế trống ở hàng cuối, chèn mấy cái gối của nhà xe xung quanh.
Quay qua dặn ba đứa con nằm im, chị cho biết mình đi như vầy cũng hơn chục lần rồi. "Chồng tôi đi lúc tôi bầu đứa út 8 tháng. Thời gian đầu tôi khóc quá trời, bây giờ quen rồi...", chị tâm sự.
"Bây giờ quen rồi" là câu nói đùa mà thật của người đi thăm nuôi. Quen điều gì? Theo bà N., đó là quen cuộc sống không có con gái bên cạnh, quen những chuyến xe dằn xóc trên đường ra trại giam, quen gói ghém những bọc đồ.
Ẩn sau đó là quen với nỗi đau của người mẹ có con vướng vòng lao lý và sâu thẳm vẫn yêu thương con vô bờ bến. Còn ông T. cho biết: "Chỉ riêng ở trại này tôi đi thăm nó hết mấy cuốn sổ thăm nuôi rồi. Mỗi lần thăm vậy cũng 7 - 8 triệu đồng, vừa mua đồ cho nó, vừa cho tiền nó thích ăn gì trong trỏng thì có thể mua".
Con dại cái mang. Với những người tù, người thân của họ là hậu phương, là ánh sáng để hướng tới mà yên tâm cải tạo. Mỗi lần thăm nuôi, người thân mang đến cho họ cảm giác mình còn được yêu thương, đón đợi ngày cải tạo tốt trở về. Dù khó khăn bận rộn cỡ nào, người nhà luôn tranh thủ đi thăm, nhất là những dịp người ta dễ chạnh lòng như năm hết Tết đến.
Khi những người như bà N., ông T. dứt khỏi dòng hồi tưởng thì cũng đã mờ sáng, chuyến xe thăm nuôi trờ tới cổng trại cũng đã lố nhố người chờ thăm gặp. Sau khi nộp cuốn sổ màu vàng ghi thông tin, họ chờ gọi tên lên xe "trung chuyển" của trại.
Xe dừng trước mỗi khu trại K1, K2, K3... cho đến K7, từng tốp người lỉnh kỉnh đồ đạc nhanh chóng vào chờ gặp. Trong hơn một giờ đồng hồ ngắn ngủi, sợi dây tình thương như được nối dài...
Bà N., người mẹ trĩu nặng nỗi niềm thương con vướng vòng lao lý - Ảnh: YẾN TRINH
Mong ngày đoàn tụ
"Đợt này thấy con tôi tươi tỉnh hơn, nó kêu tôi đừng có buồn nhiều. Hai mẹ con nói đủ thứ trên trời dưới đất, kể hai đứa nhỏ đi học làm sao...", bà N. kể. Bà nói lần nào lòng cũng đau khi nhìn con gái khóc: "Con nói với tôi mẹ ráng chăm lo cho hai đứa nhỏ. Một lần này con chừa rồi mẹ ơi, không làm mẹ khổ nữa".
Không muốn con buồn, bà cũng giấu đi nỗi niềm vất vả nuôi cháu. Trước đây gia đình bà êm ấm, bà là chủ mấy khách sạn. "Đùng cái nó vô tù, tài sản trong nhà cũng tiêu tán hết. Nhiều lúc nghĩ quẩn nhưng tôi phải tỉnh trí mà lo liệu. Được cái hai đứa nhỏ ngoan, thương ngoại lắm", bà bộc bạch.
Với giọng lạc quan, chị Minh chia sẻ: "May mà có bà ngoại phụ tôi chăm lo cho tụi nhỏ, chứ không những ngày tháng này biết xoay xở làm sao. Giờ chỉ mong ảnh cải tạo tốt, sớm về...". Còn ông Đức (62 tuổi, ngụ Vũng Tàu), sau khi nhắc đứa cháu kéo khóa áo ấm, cho biết hai ông cháu đi từ 3h sáng ra đây thăm con gái đang chịu án hơn hai năm.
Ông buồn buồn: "Biết sao được, một lần nó nổi lòng tham mà ra nông nỗi. Tháng trước nó điện, kêu tôi mua cho đôi dép mới, mua dầu gội, mua bánh mì đem vô, nghe đứt ruột".
Có lẽ điều buồn nhất đối với người trong chốn lao tù là ngày trở về, người thân đã không còn trên cõi đời. Bà N. quẹt vội nước mắt: "Ngày nào làm gì ăn gì tôi đều nghĩ tới con. Trong nhà nó gần gũi tôi nhất. Chồng tôi mất rồi, giờ nó vậy, tôi chẳng biết chia sẻ với ai.
Nó nói ngày về còn có mẹ thì con đỡ khổ, không còn mẹ nữa chắc đời con trăm đắng ngàn cay". Mà ngày về, nếu sớm cũng hơn mười năm nữa, bà thì đau bệnh liên miên, không biết ngọn đèn trong lòng mẹ có thắp nổi tới đó không...
Trưa, người đi thăm lục tục trở về, để lại người sau song sắt mỏi trông chờ đợi lần gặp kế tiếp. Cầu mong thời gian trôi mau, họ cải tạo tốt được sớm trở về với đời sống, để bớt đi những nỗi buồn nhân thế.
Mong con thành người tốt
Ròng rã đi thăm con, ông T. cho biết mình hay nghĩ tới ngày con cải tạo tốt được trở về. Ông trải lòng: "Tôi định khi nó về sẽ giao chiếc xe du lịch cho nó chở khách. Trong thời gian nó đi, tôi chạy xe kiếm thêm, vợ tôi bán sạp đồ khô lo cho con nó. Tôi có nói gần tới Tết rồi, con ở tù vầy con không thấy tự do ở ngoài quý giá hả con...". Nghe vậy, con ông dạ rồi hứa không "ngựa quen đường cũ".
Buồng hạnh phúc
Theo quy định, phạm nhân nếu không bị kỷ luật, vi phạm nội quy thì mỗi tháng được thăm gặp người thân một lần. Những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, án ngắn... sẽ được bố trí gặp người thân ở phòng riêng tối đa 24h - hay còn gọi "buồng hạnh phúc" - kèm theo những quy định (trong đó phạm nhân nữ phải áp dụng biện pháp tránh thai bắt buộc).
TTO - Ngày 17-1, First News đã tổ chức chương trình “Hạt giống tâm hồn - Gieo niềm tin cuộc sống” giao lưu cùng cán bộ và phạm nhân tại Trại giam A2, Đồng Găng, Khánh Hòa.
Xem thêm: mth.74082321182212202-man-iouc-nahn-mahp-maht-med-auig-ex-neyuhc-nert/nv.ertiout