Theo đó, Công ty mẹ lên kế hoạch điều chỉnh doanh thu giảm 20% xuống còn 3.580 tỷ đồng; đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận cùng giảm tới gần 50%, với lợi nhuận trước thuế là 1.210 tỷ đồng, giảm 48% và lợi nhuận sau thuế điều chỉnh xuống còn 1.210 tỷ đồng, giảm 47% so với kế hoạch đã giao trước đó.
Về chỉ tiêu hợp nhất, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 28.280 tỷ đồng, giảm 5% so với kế hoạch đã thông qua trước đó; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt giảm 24% và 27%, tương ứng xuống còn 4.900 tỷ đồng và 3.880 tỷ đồng.
Đồng thời, việc phân phối lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức năm 2022 cho các cổ đông sẽ được xem xét, quyết nghị tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 sau khi có báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán.
Việc điều chỉnh giảm mạnh các kế hoạch kinh doanh vào phút chót trong bối cảnh Công ty đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 không mấy khả quan khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức thấp nhất kể từ quý II/2020, đạt 1.181 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, GVR ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.302 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.078 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 4% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận này thấp hơn gần 400 tỷ đồng so với con số ước tính trước đó.
Như vậy, với việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2022, kết thúc 9 tháng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã hoàn thành 83,22% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của GVR đã tăng nhẹ so với đầu năm lên gần 79.600 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn cuối kỳ ở mức hơn 15.500 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Mặt khác, Công ty đã giảm đáng kể nợ vay từ mức hơn 9.000 tỷ đồng vào đầu năm xuống còn 7.760 tỷ đồng vào cuối quý III.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu GVR giảm nhẹ 0,35% xuống còn 14.200 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 0,66 triệu đơn vị.